Ăn nhiều thịt được cho là không tốt cho sức khỏe, nhất là đối với người mắc bệnh mỡ máu và huyết áp cao. Chẳng hạn, thịt đỏ như bò, lợn chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol, có thể làm tăng cholesterol xấu, góp phần gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và nguy cơ tim mạch. Hay thịt chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng chứa nhiều muối và chất bảo quản, làm huyết áp tăng do giữ nước trong cơ thể. Theo nghiên cứu, tiêu thụ hơn 100g thịt đỏ mỗi ngày có thể tăng 15% nguy cơ bệnh tim ở người có tiền sử mỡ máu.
Tuy nhiên, quan điểm này không hoàn toàn đúng. Không phải mọi loại thịt đều có hại. Thịt cung cấp protein chất lượng cao, sắt, kẽm và vitamin B12, cần thiết cho cơ thể. Với người bệnh mỡ máu và huyết áp cao, vấn đề không nằm ở việc ăn thịt mà là chọn loại thịt và cách chế biến.

Thịt trắng có thể hỗ trợ kiểm soát bệnh. (Ảnh minh họa).
Thịt trắng như: Thịt gà, cá hoặc thịt nạc ít chất béo bão hòa, nếu được chế biến lành mạnh bằng các phương pháp như: Hấp, luộc, có thể hỗ trợ kiểm soát bệnh. Quan trọng là kiểm soát khẩu phần (dưới 70g/ngày) và kết hợp với rau xanh, trái cây để cân bằng dinh dưỡng. Do đó, thay vì kiêng thịt hoàn toàn, người bệnh nên chọn lọc và ăn uống khoa học.
Top 3 loại thịt tốt cho người bệnh mỡ máu, huyết áp cao
Thịt vịt
Thịt vịt, đặc biệt là phần thịt nạc không da, là lựa chọn hợp lý cho người bệnh mỡ máu và huyết áp cao. So với thịt đỏ, thịt vịt chứa ít chất béo bão hòa và cholesterol, giúp giảm nguy cơ tích tụ mảng bám trong động mạch. Thịt vịt giàu protein chất lượng cao, hỗ trợ duy trì cơ bắp mà không làm tăng lipid máu.

Thịt vịt giàu protein chất lượng cao, hỗ trợ duy trì cơ bắp mà không làm tăng lipid máu. (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, nó chứa axit béo omega-3, có tác dụng chống viêm và cải thiện sức khỏe tim mạch. Theo nghiên cứu, omega-3 giúp giảm triglyceride trong máu, một yếu tố quan trọng ở người mỡ máu. Thịt vịt cũng cung cấp selen và kẽm, tăng cường hệ miễn dịch và ổn định huyết áp. Để tối ưu lợi ích, nên chọn vịt nuôi tự nhiên, chế biến đơn giản như luộc, hấp hoặc nướng không dầu, tránh chiên rán.
Kết hợp thịt vịt với rau cải, mồng tơi hoặc gừng giúp tăng hương vị và hỗ trợ tiêu hóa. Người bệnh nên ăn khoảng 50-70g thịt vịt mỗi lần, 2-3 lần/tuần, kèm theo chế độ ăn ít muối để kiểm soát huyết áp hiệu quả.
Ức gà
Ức gà không da là một trong những loại thịt trắng tốt nhất cho người bệnh mỡ máu và huyết áp cao. Ức gà chứa hàm lượng protein cao, ít chất béo bão hòa và gần như không có cholesterol, giúp duy trì cân nặng và giảm áp lực lên hệ tim mạch.
Một khẩu phần 100g ức gà luộc cung cấp khoảng 31g protein nhưng chỉ có 3,6g chất béo, phù hợp cho người cần kiểm soát lipid máu. Ức gà cũng giàu niacin (vitamin B3), giúp giảm cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, hỗ trợ sức khỏe mạch máu. Kali trong ức gà góp phần điều hòa huyết áp bằng cách giảm tác động của natri.

(Ảnh minh họa).
Để chế biến, nên ưu tiên luộc, hấp hoặc nướng với gia vị tự nhiên như: Tiêu, tỏi, tránh dùng sốt nhiều muối. Người bệnh có thể kết hợp ức gà với salad, khoai lang hoặc ngũ cốc nguyên cám để tăng cường chất xơ, giúp kiểm soát đường huyết và mỡ máu. Nên ăn 60-80g ức gà mỗi bữa, 3-4 lần/tuần, trong chế độ ăn cân đối.
Thịt cá
Thịt cá, đặc biệt là cá hồi, cá thu, cá mòi, là thực phẩm vàng cho người bệnh mỡ máu và huyết áp cao. Cá giàu axit béo omega-3, giúp giảm triglyceride, chống viêm và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Một nghiên cứu cho thấy ăn cá béo 2 lần/tuần giảm 20% nguy cơ đột quỵ ở người huyết áp cao. Cá cũng chứa protein dễ tiêu hóa, ít chất béo bão hòa, phù hợp để thay thế thịt đỏ. Ngoài ra, cá cung cấp vitamin D và kali, hỗ trợ điều hòa huyết áp và tăng cường sức khỏe xương. Cá hồi 100g chứa khoảng 2,3g omega-3 và 500mg kali, rất lý tưởng cho người bệnh.

Cá giàu axit béo omega-3 giúp chống viêm và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.(Ảnh minh họa).
Cách chế biến tốt nhất là hấp, nướng hoặc áp chảo với ít dầu ô liu, tránh chiên ngập dầu. Người bệnh nên ăn cá 2-3 lần/tuần, mỗi lần 70-100g, kết hợp với rau xanh và trái cây ít đường. Lưu ý chọn cá tươi, nguồn gốc rõ ràng để tránh kim loại nặng. Cá là lựa chọn tối ưu để vừa kiểm soát bệnh vừa đảm bảo dinh dưỡng.
AN THANH