Thấy con rể sang, mẹ vợ liền bê mâm cơm vào cất, tôi hóa đá khi mở lồng bàn ra

Google News

Hành động bất thường của mẹ vợ khiến tôi sinh nghi, nên tôi đã nhờ bà ra vườn hái rau cho tôi, còn tôi thì xuống bếp xem thử mâm cơm của bà có gì mà phải giấu giếm con rể.

Mẹ vợ tôi là một người phụ nữ tảo tần, hiền hậu, luôn lo toan cho con cái. Mặc dù đã mất chồng từ lâu, bà vẫn ở vậy, nuôi các con khôn lớn thành người. Giờ con cái ai cũng lớn cả rồi, đã có gia đình riêng nhưng bà vẫn sống một mình trong căn nhà cũ. Hai anh trai vợ tôi sống ở thành phố, lâu lâu mới về thăm mẹ một lần. Vợ chồng tôi sống cách nhà mẹ vợ chỉ 1km nên rất hay qua lại.

Hầu như ngày nào chúng tôi cũng ghé qua nhà thăm mẹ. Vào mỗi cuối tuần, chúng tôi sang ăn với bà bữa cơm cho vui. Một hôm, tôi qua nhà mẹ vợ hái ít ngải cứu về để rán trứng. Từ ngoài cổng, tôi đã thấy bà đang ăn cơm trưa. Nhưng khi tôi bước vào sân, bà lại vội vã bê mâm cơm vào trong bếp cất.

Bình thường khi tôi đến, mẹ vợ luôn mời tôi ở lại ăn cơm, nhưng lần này lại khác. Hành động bất thường của mẹ vợ khiến tôi sinh nghi, nên tôi đã nhờ bà ra vườn hái rau cho tôi, còn tôi thì xuống bếp xem thử mâm cơm của bà có gì mà phải giấu giếm con rể.

Mở lồng bàn ra, tôi không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy một phần cá dở dang được gói trong giấy bạc. Đây rõ ràng là phần còn lại từ bữa cơm hôm trước mà mẹ vợ mang về từ nhà tôi, nói là lấy phần cho mèo ăn. Sao bây giờ nó lại nằm trên mâm cơm của mẹ thế này?

Khi mẹ đi vào, tôi chỉ vào phần cá rồi hỏi thẳng bà:

- Sao mẹ lại ăn thứ này? Mỗi tháng các anh gửi mẹ 10 triệu cơ mà, thoải mái cho mẹ chi tiêu, sao mẹ phải sống tằn tiện như thế cho khổ ra rồi rước bệnh vào người?

Mỗi cuối tuần, gia đình tôi thường qua nhà ăn cơm với mẹ vợ. (Ảnh minh họa)

Nghe vậy, mẹ vợ cúi đầu, im lặng một lúc lâu. Cuối cùng, bà thở dài, rồi nhẹ nhàng cất lời:

- Các anh trai con tuy khá giả nhưng lại rất ít khi quan tâm đến mẹ. Mỗi năm, chúng nó chỉ gửi cho mẹ một ít tiền vào dịp Tết, còn bình thường không có đồng nào, cũng chẳng hỏi thăm, chẳng bao giờ để ý đến mẹ. Mẹ không muốn người ngoài nghĩ rằng bị con cái bỏ mặc, nên mẹ đành phải nói dối, bảo là được các con cho tiền hàng tháng, tiêu xài thoải mái.

Tôi ngỡ ngàng không nói được gì. Mẹ đã dành cả đời để nuôi dưỡng con cái, hy sinh mọi thứ cho các con, vậy mà giờ các anh lại thờ ơ, không thèm ngó ngàng. Đã thế, mẹ còn lo sợ bị hàng xóm dị nghị, chỉ trích con cái của mình nên nói dối.

Cảm giác tức giận trào dâng trong tôi.

- Tại sao mẹ không nói với chúng con sớm? Tại sao các anh lại như vậy chứ?

Mẹ vợ nhẹ nhàng lắc đầu:

- Con đừng giận các anh của con. Mẹ cũng không muốn làm phiền chúng nó, thấy các con sống hạnh phúc, đủ đầy là mẹ vui rồi.

Tôi nhìn bà, cảm giác bất lực tràn ngập trong lòng. Tại sao các anh trai có điều kiện lại không lo lắng cho mẹ, trong khi tôi và vợ, dù không dư dả, vẫn luôn cố gắng để mẹ không phải chịu cảnh thiếu thốn? Tôi quyết định phải làm gì đó, không thể để mẹ vợ phải sống như thế mãi được.

Nghe những lời mẹ vợ nói mà tôi ngỡ ngàng. (Ảnh minh họa)

Sau khi về nhà, tôi nói lại mọi chuyện cho vợ biết. Cô ấy cũng sốc không kém. Sau đó, chúng tôi thống nhất mỗi ngày sẽ nấu cơm tối rồi gọi mẹ qua ăn cùng, phần là để đảm bảo dinh dưỡng cho bà, phần là để bà cảm nhận được hơi ấm của gia đình.

Ban đầu, mẹ vợ kiên quyết từ chối. Vợ chồng tôi thuyết phục mãi, phải lấy cớ buổi chiều nhờ bà đi đón cháu hộ rồi ở lại ăn cơm tối luôn thì bà mới chịu.

Dẫu vậy, tôi vẫn không thể ngừng suy nghĩ về các anh vợ. Họ cũng là con của mẹ, thì phải có trách nhiệm với mẹ. Vì thế, vào một ngày cuối tuần, tôi đã gọi điện cho các anh trai vợ về quê họp gia đình.

- Anh em mình phải cùng nhau lo cho mẹ. Mỗi tháng, các anh gửi tiền về cho mẹ, giúp bà sống thoải mái hơn. Mẹ đã hi sinh cả đời cho con cái, giờ là lúc con cái trả ơn mẹ chứ? Các anh có thể gửi tiền vào tài khoản của vợ em, chúng em sẽ đứng ra lo liệu cơm nước cho bà, sẽ ghi rõ các khoản chi cho các anh đỡ lo lắng. Nếu tháng nào thừa, chúng em sẽ lập sổ tiết kiệm gửi cho mẹ để phòng khi ốm đau.

Nói một lúc, các anh cũng nhận ra thiếu sót của mình, đồng ý mỗi tháng gửi tiền về đều đặn. Vợ chồng tôi cũng làm đúng như giao kèo. Từ đó trở đi, tôi để ý thấy nụ cười trên môi mẹ vợ xuất hiện nhiều hơn, có lẽ đó là nụ cười hạnh phúc…

Xem thêm: Đọc được tin nhắn của vợ và sếp, chồng lập tức mang con đi xét nghiệm ADN

CẨM TÚ