Khoảnh khắc trước cửa phòng sinh: Ai cũng nhận ra đâu là mẹ ruột, đâu là mẹ chồng

Google News

Sinh con luôn là một dấu mốc thiêng liêng, đánh dấu hành trình người phụ nữ đi qua biết bao thân phận: từ cô gái trẻ vô tư, thành người vợ, rồi làm mẹ, và một ngày nào đó sẽ trở thành bà ngoại, bà nội.

Có người từng nói: “Chỉ cần đứng ở bệnh viện phụ sản cũng dễ dàng nhận ra đâu là mẹ chồng, đâu là mẹ ruột”. Câu nói tưởng đùa mà lại rất thật. Mới đây, một cư dân mạng đã chia sẻ câu chuyện xúc động khi đến thăm đồng nghiệp sinh em bé, vô tình chứng kiến hai người mẹ đứng trước cửa phòng sinh – và sự đối lập giữa họ khiến ai cũng cảm nhận rõ ràng, không cần phải hỏi.

Một bên hành lang, người phụ nữ trung niên mặc áo len dệt kim màu xanh lá cây - mẹ ruột sản phụ đang đứng lặng lẽ, ánh mắt đỏ hoe, không ngừng dõi theo cánh cửa phòng sinh. Bà đứng nép mình vào góc tường, chân tay bối rối, ánh mắt ngập tràn lo lắng và thương xót, như thể chính mình đang cùng con gái bước qua cơn đau đớn ấy.

Mẹ ruột sản phụ đang đứng lặng lẽ, ánh mắt đỏ hoe.

Ở đầu hành lang bên kia, mẹ chồng sản phụ thì khác hẳn. Bà diện bộ đồ đen chỉn chu, vai đeo túi da nhỏ, miệng không ngừng cười nói với người đi cùng, vẻ ngoài vô cùng vui vẻ, tràn đầy tâm trạng phấn khởi chờ đón đứa cháu đầu lòng.

Sự đối lập ấy như vẽ nên hai mảng màu khác biệt: một bên là ánh mắt thẫn thờ, đau đáu đến nỗi chẳng thốt nên lời; một bên lại rạng rỡ, háo hức không giấu được niềm vui.

Mẹ chồng xuất hiện với vẻ ngoài vô cùng vui vẻ.

Không ít cư dân mạng sau khi xem câu chuyện này đã xúc động thốt lên: “Chỉ có mẹ mới thấu hiểu nỗi đau sinh nở của con gái”, “Mẹ ruột chỉ biết âm thầm lo lắng, còn mẹ chồng thì vui mừng vì gia đình thêm thành viên mới”.

Thật vậy, ai làm mẹ cũng hiểu rằng sinh con chẳng khác nào một ván bài sinh tử, dù y học hiện đại đã giúp giảm thiểu nhiều rủi ro. Nhưng ở khoảnh khắc ấy, dù có mạnh mẽ đến đâu, con gái vẫn là đứa trẻ bé bỏng trong mắt mẹ, cần được che chở, vỗ về.

Còn với mẹ chồng, sinh nở là niềm vui nối dõi, là dấu mốc cho một thế hệ mới ra đời. Vẻ ngoài rạng rỡ của bà không có nghĩa là bà vô tâm. Đơn giản là tình cảm dành cho con dâu - dù có thương mấy cũng không thể nào sâu sắc, day dứt như tình cảm mẹ ruột dành cho con gái máu mủ của mình.

Nếu một ngày nào đó, mẹ chồng cũng phải đứng ngoài cửa phòng sinh đợi con gái mình sinh nở, chắc hẳn bà cũng chẳng thể nén nổi nỗi lo âu như người mẹ kia.

Phụ nữ muốn làm mẹ phải bước qua ngưỡng cửa sinh tử. Xưa kia, người ta ví chuyện sinh nở như “đi trên băng mỏng”, không phải không có lý. Ngày nay, dù điều kiện y tế tốt hơn, việc sinh con vẫn là cuộc chiến vừa về thể xác, vừa về tinh thần.

Thế nên, khoảnh khắc cả mẹ và bé cùng an toàn vượt qua được cửa tử mới thực sự là lúc cả gia đình thở phào nhẹ nhõm. Trong hành trình ấy, những người thân yêu – nhất là người chồng hãy ở bên, chăm sóc, chia sẻ, để người phụ nữ được yêu thương, vỗ về nhiều nhất có thể. Bởi sau tất cả, dù là mẹ ruột hay mẹ chồng, dù thể hiện khác nhau, nhưng trong sâu thẳm, ai cũng mong muốn mẹ tròn con vuông, và gia đình được ngập tràn tiếng cười hạnh phúc.

Những điều gia đình nên làm khi chờ đón sản phụ vượt cạn?

- Giữ tâm lý bình tĩnh, tích cực: Khi sản phụ vào phòng sinh, gia đình cũng sẽ hồi hộp không kém. Tuy nhiên, hãy cố gắng giữ tâm trạng ổn định, tránh lo lắng thái quá, vì sự bình tĩnh của người thân cũng sẽ lan tỏa năng lượng tích cực cho sản phụ sau sinh.

- Luôn túc trực, sẵn sàng hỗ trợ: Đừng bỏ vị trí. Người nhà nên ở gần phòng sinh, để kịp thời hỗ trợ các yêu cầu từ bác sĩ hoặc y tá, hoặc chuẩn bị các vật dụng cần thiết như quần áo, tã cho em bé, giấy tờ thủ tục.

- Chuẩn bị nước uống, thức ăn nhẹ: Thời gian chờ sinh có thể kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Gia đình nên chuẩn bị sẵn nước lọc, bánh mì mềm hoặc thức ăn nhẹ để nạp năng lượng trong lúc chờ đợi.

- Không làm ồn, không gây áp lực: Không nên tụ tập đông người, nói chuyện ồn ào trước phòng sinh. Hãy giữ không gian yên tĩnh, tránh bàn tán về những chuyện tiêu cực khiến người nhà thêm lo lắng.

- Chia sẻ sự lo lắng một cách nhẹ nhàng: Nếu thấy bố của em bé hoặc những người thân khác quá căng thẳng, hãy động viên nhẹ nhàng, cùng nhau cầu mong mọi điều tốt lành thay vì để nỗi lo chiếm trọn tâm trí.

- Chuẩn bị tâm lý cho mọi tình huống: Sinh nở là chuyện trọng đại, đôi khi sẽ có những tình huống bất ngờ xảy ra. Gia đình cần giữ vững tinh thần, tuyệt đối tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ, và sẵn sàng phối hợp nếu có yêu cầu hỗ trợ.

- Gửi lời nhắn yêu thương: Dù không thể vào bên trong, nhưng người nhà có thể nhờ y tá chuyển lời động viên cho sản phụ. Chỉ một câu "Cố lên, cả nhà đang chờ em và bé yêu!" cũng đủ tiếp thêm sức mạnh rất lớn cho người mẹ trong giờ phút cam go này.

THY DUNG