Về với vùng đất Tân Châu – xứ lụa nổi tiếng của tỉnh An Giang, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sông nước hữu tình mà còn có cơ hội thưởng thức một món ăn dân dã độc đáo, đó là con lía. Nhìn sơ qua, con lía dễ khiến người ta nhầm lẫn với hến bởi hình dáng khá tương đồng. Với người dân địa phương, con lía không chỉ là nguyên liệu nấu ăn mà còn là món quà của thiên nhiên, gắn liền với ký ức và tuổi thơ của bao thế hệ.

Lía thường sống ở những vùng nước lợ, đặc biệt là khu vực cửa sông. Mỗi khi mùa nước nổi về, nhất là ở các đầu nguồn lũ Tân Châu, lía xuất hiện nhiều vô kể. Người dân địa phương lại rủ nhau ra sông bắt lía. Vì sống hoàn toàn trong tự nhiên, nên lía được xem là “lộc trời cho”.
Lía Tân Châu có kích thước chỉ lớn hơn đầu ngón tay người trưởng thành một chút, vỏ mỏng hơn hến, đa số có dạng bầu dục, đôi khi bắt gặp cả hình tam giác hay hình tròn khá lạ mắt. Để có thể sử dụng trong chế biến món ăn, người dân phải ngâm lía trong nước vài ngày để chúng nhả sạch đất cát, sau đó rửa kỹ nhiều lần.
Với lợi thế vỏ mỏng, con lía dễ dàng chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn: lía xào tỏi, luộc sả, phơi nắng,… Mỗi món mang một hương vị riêng nhưng đều ngon và lạ miệng.
Khi ăn lía, nước chấm là yếu tố không thể thiếu. Nước mắm me chua ngọt, pha sệt sệt với chút ớt hoặc sa tế tuỳ khẩu vị, tạo nên hương vị thơm ngon khó cưỡng. Người dân nơi đây thường cầm vỏ lía, chấm trực tiếp vào nước chấm thay vì dùng muỗng hay tăm, tạo cảm giác thân thuộc, gần gũi vô cùng. Một nét đặc biệt nữa là lía chín rất nhanh. Chính vì vậy, các hàng quán chỉ chế biến khi khách gọi món. Chỉ vài phút sau là đã có một dĩa lía nóng hổi, dậy mùi thơm của sả, tỏi cháy và rau quế non.

Trong số các món ăn từ lía, lía phơi một nắng ướp muối là món dân dã được yêu thích bậc nhất ở Tân Châu. Sau khi làm sạch, lía được ngâm nước khoảng 10–12 tiếng, thường là qua đêm. Người dân sẽ ướp gia vị như muối, ớt, bột ngọt rồi để thấm đều trong khoảng hai giờ, sau đó đem phơi nắng khoảng 3 tiếng. Bí quyết nằm ở việc trùm lớp nilông lên mâm lía khi phơi, giúp giữ hơi nóng, đồng thời giữ lại độ ẩm tự nhiên, làm cho lía vừa dẻo, vừa đậm vị.
Lía một nắng vừa mặn, vừa ngọt, ăn hoài không ngán, món ăn này là kỷ niệm gắn liền với tuổi thơ học trò của bao người nơi đây. Không lạ gì khi gần các cổng trường ở Tân Châu luôn có vài gánh hàng nhỏ bán lía một nắng, món quà vặt bình dị nhưng đầy yêu thương.

Nếu như trước kia, lía từng là món ăn giúp người dân qua cơn đói trong thời khốn khó, thì ngày nay lía đã trở thành đặc sản được săn đón. Với giá khoảng 50.000 đồng/kg, lía Tân Châu hiện được bày bán khắp nơi, đặc biệt được du khách tìm mua mỗi khi có dịp ghé thăm An Giang.
Điều thú vị là cái tên "lía" chỉ phổ biến ở vùng đầu nguồn lũ như An Phú, Tân Châu. Khi được hỏi về nguồn gốc tên gọi, người dân chỉ cười hiền: “Ông bà xưa gọi vậy thì tụi tui cứ gọi theo, quen rồi”.
H.A