Những ngày cuối tháng Tư, nhân dân cả đất nước như sống lại trong khí thế hào hùng của đại thắng mùa xuân năm 1975. Ngày 30/4 không chỉ là mốc son rực rỡ trong lịch sử dân tộc ta mà còn là lời nhắc nhở đến thế hệ trẻ về những tháng năm chiến tranh gian khổ.
Hòa bình hôm nay đẹp lắm nhưng đằng sau bình yên ấy là máu, là nước mắt, là tuổi xuân của hàng triệu người con đất Việt. Năm tháng ấy có những thanh xuân chưa kịp rực rỡ đã hóa thành đất mẹ, có những người lính ra đi mãi mãi không hẹn ngày trở về để dải đất hình chữ S được liền một dải, non sông về một mối.

Đã có 7.000 bức ảnh được Hoàng và cộng sự phục dựng, trao lại cho các gia đình liệt sĩ
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những người ở lại vẫn sống trong hồi ức, trong niềm đau đáu về người con, người cháu, người anh, người cha… đã ra đi không trở về. Nỗi mong nhớ ấy vẫn đằng đẵng như vết hằn trong tim không thể phai mờ. Đâu đó trên mảnh đất này vẫn còn những người mẹ, người chị, người vợ… hy vọng sẽ được nhìn lại bóng hình người thân mình qua một bức ảnh còn sót lại, qua một dòng tin tức hay lời kể từ người đồng đội cũ. Có những ký ức đã nhòe theo năm tháng, có những bức ảnh cũ bạc màu theo thời gian nhưng nỗi nhớ mong ấy chưa từng phai nhạt.
Thấu hiểu nỗi lòng của những người ở lại, Khuất Văn Hoàng (22 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội) cùng nhóm bạn của mình đã lập nên nhóm "Hành trình tri ân", phục dựng hình ảnh các liệt sĩ trên mọi người Tổ quốc.
Phục dựng ảnh liệt sĩ là sứ mệnh từ trái tim
Trong thời điểm cả nước đang "chiến đấu" với đại dịch Covid-19, một tin nhắn từ người lạ khiến Hoàng có thêm bước rẽ mới. Hoàng kể rằng trong một lần tình cờ lướt mạng xã hội, anh nhận được tin nhắn từ một gia đình với mong muốn tha thiết có được một tấm ảnh thờ rõ nét cho người thân – một liệt sĩ đã hy sinh khi còn rất trẻ. Bao năm qua, họ chỉ còn giữ lại một tấm ảnh cũ mờ gần như không thể nhìn rõ khuôn mặt và có một tấm ảnh chỉn chu để thờ là điều day dứt trong lòng những người ở lại suốt hàng chục năm trời. Dù chưa từng làm việc này nhưng Hoàng vẫn nhận lời và nghĩ: “Hãy cứ thử, biết đâu mình có thể làm điều gì đó có ý nghĩa".

Chàng trai trẻ Khuất Văn Hoàng đã có 4 năm làm công việc phục dựng ảnh liệt sĩ
May mắn thay, khi hoàn thành và gửi bức ảnh cho gia đình, Hoàng liền nhận được cuộc gọi, cả gia đình đều bật khóc. Họ nói: “Đây là điều chúng tôi đã mong chờ hàng chục năm trời". Khoảnh khắc ấy khiến Hoàng nghẹn lại, xúc động không nói nên lời. Và cũng từ giây phút đó, Hoàng hiểu rằng đây không chỉ là một công việc mà là một sứ mệnh để tri ân, đền đáp những người đi trước.
Sau khi chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội, Hoàng nhận được nhiều quan tâm, động viên. Dù đó chỉ là một dòng bình luận, một biểu tượng trái tim từ người xa lạ nhưng cũng mang đến cho chàng trai trẻ sự tự tin, quyết tâm theo đuổi hành trình ý nghĩa này. "Tôi tự nhủ mình phải làm nhanh hơn nữa, vì các mẹ Việt Nam anh hùng không thể chờ lâu hơn được nữa. Gia đình của các anh hùng đã đợi quá nhiều năm rồi…”, Hoàng xúc động nói.
Và cứ như thế, hành trình phục dựng lại chân dung các anh hùng liệt sĩ của Hoàng bắt đầu. Sau gần 4 năm, Hoàng và nhóm của mình đã phục dựng được hơn 7.000 tấm di ảnh trên khắp mọi miền Tổ quốc. Trung bình, một bức ảnh mất từ 2-3 tiếng để hoàn thành. Nhưng cũng có những trường hợp khi liệt sĩ không còn một tấm ảnh nào, Hoàng phải mất cả tháng trời tìm gặp người thân, đồng đội để biết mặt liệt sĩ. Mỗi thông tin, mỗi lời kể là một mảnh ghép để Hoàng “nhìn thấy” được chân dung người đã khuất. "Nhưng quá trình ấy không dễ dàng, bởi hầu hết nhân chứng đều đã cao tuổi, con cháu thì đi làm ăn xa… Việc kết nối và thu thập tư liệu trở nên chậm chạp, đôi khi là cuộc chạy đua với thời gian", Hoàng kể lại.


Những khoảnh khắc xúc động khi gia đình nhận được bức ảnh được phục dựng
Đến giờ, Hoàng vẫn không khỏi lặng người khi nhắc về chuyến đi Hải Dương: "Một trong những khoảnh khắc khiến tôi day dứt nhất là lần thực hiện dự án tri ân tại tỉnh Hải Dương. Hôm đó, tôi mang tấm di ảnh đã phục dựng đến tận tay để tặng mẹ liệt sĩ. Nhưng khi đến nơi, tôi chết lặng khi biết mẹ đã mất… chỉ ba ngày trước. Không ai nói gì nhưng trong lòng tôi như có điều gì đó gãy vụn. Tôi tự trách mình, giá như mình làm sớm hơn một chút nữa thôi thì mẹ đã có thể được nhìn thấy con trai mình một lần nữa rõ ràng, đầy đủ và chân thực. Kể từ ngày đó, tôi quyết tâm phải ưu tiên hoàn thành những bức ảnh của các mẹ Việt Nam anh hùng trước tiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào".
Vẽ lại từ những mảnh ký ức nhòe
Sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Hoàng cùng nhóm bạn thực hiện phục dựng lại di ảnh của các liệt sĩ và trao tận tay cho thân nhân trên khắp mọi miền đất nước. Có những đêm thức trắng, có những ngày nghỉ tạm hoãn cuộc gặp gỡ bạn bè, hì hục bên máy tính để kịp hoàn thành một bức ảnh. Thế nhưng cả nhóm vẫn không ngại khó ngại khổ, có khi vượt vài trăm, thậm chí cả nghìn cây số để tận tay đưa di ảnh đến với thân nhân của các liệt sĩ bởi trên hết đó lòng biết ơn với những người đã hy sinh cho Tổ quốc.


Hầu hết các bức ảnh đều chụp cách đây mấy chục năm, nước ảnh ố mờ, bay màu.
Từ khi bắt đầu đến nay, toàn bộ kinh phí đều do chính Hoàng và nhóm bạn tự lo liệu. Thời gian đầu, mọi việc khá khó khăn vì hầu hết mọi người là sinh viên, vừa học, vừa làm thêm. Thậm chí, khi mang bức di ảnh phục dựng của cô Võ Thị Sáu từ Hà Nội vào Côn Đảo, vì không đủ tiền nên Hoàng phải bán bớt đồ dùng cá nhân và mượn thêm bạn bè.
Thế nhưng, với Hoàng và cả những người bạn của mình, mỗi chuyến đi không đơn thuần là mang ảnh đến nơi nào đó mà là trao gửi ký ức, giúp người ở lại có thể được thấy người thân mình một cách rõ ràng hơn.
Hoàng luôn tâm niệm, hòa bình hôm nay không phải điều hiển nhiên mà là món quà được đánh đổi bằng máu và nước mắt của hàng triệu người đi trước. Vì thế, dù mỗi người có lựa chọn nghề nghiệp, cuộc sống riêng nhưng hãy sống với lòng biết ơn, với trách nhiệm và với ký ức thiêng liêng của dân tộc.



"Chúng ta đang sống trong hòa bình, hãy sống “uống nước nhớ nguồn”, nhớ rằng độc lập, bình yên hôm nay phải đổi bằng máu của cha ông. Chúng ta không làm công việc này thì công việc khác hãy góp một phần sức trẻ vào xã hội để có thể lan tỏa được những giá trị đặc biệt và tự hào chúng ta là người Việt Nam", Hoàng nhắn nhủ.
PHÚ NGUYỄN