Nữ du học sinh xúc động khi quyết định về nước xem diễu binh: “Được hoà mình vào khoảnh khắc lịch sử là điều vô giá”

Google News

Dù bận rộn với lịch học và công việc tại nước ngoài, du học sinh Việt Nam vẫn không ngần ngại chi hàng chục triệu đồng, vượt nghìn dặm trở về quê hương để tận mắt xem lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong không khí rộn ràng ngày đại lễ, Đinh Thuận Nhân (SN 2002, du học sinh tại Anh Quốc) không giấu được sự xúc động khi chia sẻ về quyết định quay về Việt Nam lần này. Lý do lớn nhất của Thuận Nhân chính là tình yêu quê hương, khát khao được hòa mình vào thời khắc thiêng liêng của dân tộc. Nhân cơ hội đó, nữ sinh về quê thăm gia đình sau hơn một năm rời xa vòng tay ba mẹ, tự lập tại quốc gia khác.

"Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là dịp đặc biệt mà mình thực sự muốn có mặt để tận hưởng không khí ấy. Càng sống xa quê hương, mình càng cảm nhận rõ hơn tình yêu dành cho Việt Nam. Được thấy mọi người tụ họp, ngắm pháo hoa, xem diễu hành, chia sẻ những khoảnh khắc tự hào… khiến mình cũng háo hức lây. Đây không chỉ là một ngày lễ lớn, mà còn là cột mốc nhắc nhở về sự bình yên và gắn kết mà các thế hệ đi trước đã cùng nhau xây dựng, gìn giữ suốt nửa thế kỷ qua", nữ du học sinh tâm sự.

Dịp lễ này còn mang ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình khi ông ngoại của Thuận Nhân từng là chiến sĩ tham gia hoạt động cách mạng. Ngày 30/4 năm nay là cơ hội để nữ sinh đoàn tụ gia đình, để cùng ôn lại lịch sử và ghi nhớ những công lao của các chiến sĩ hy sinh anh dũng bảo vệ tổ quốc.

Chuẩn bị cho chuyến bay về Việt Nam, Thuận Nhân cho biết đã chủ động lên kế hoạch từ rất sớm, kết hợp kỳ nghỉ hè với việc tham dự đại lễ. Nhờ vậy, cô cũng kịp đặt vé máy bay trước mùa cao điểm, tránh được tình trạng vé khan hiếm hoặc tăng giá quá cao. Dù vậy, giá vé khứ hồi vẫn ở mức khoảng 30 triệu đồng - cao hơn so với những mùa trước. "Mình đặt vé trước gần hai tháng. Tuy đắt hơn thường lệ nhưng so với giá trị tinh thần mà chuyến đi mang lại thì hoàn toàn xứng đáng", nữ sinh khẳng định.

Việc sắp xếp thời gian giữa lịch học và chuyến đi cũng không phải chuyện đơn giản. Vì lịch trình trước đó vô cùng dày đặc với hàng loạt deadline bài tập nhưng Thuận Nhân vẫn cố gắng sắp xếp mọi thứ để về Việt Nam. 

"Tuần cuối trước khi bay gần như mình không có thời gian thở. Vừa hoàn thành bài vở, vừa tất bật chuẩn bị cho sự kiện, rồi thu xếp hành lý. Thế nhưng, chỉ cần nghĩ đến việc được hoà mình vào không khí lễ hội quê nhà, mình lại có thêm động lực tiếp tục để chờ đợi đến ngày ra sân bay check-in, bay về Việt Nam hòa nhịp cùng hàng triệu con tim hướng về các chiến sĩ" - Thuận Nhân hạnh phúc tâm sự. 

Một trải nghiệm rất đáng nhớ tại TP.HCM trước khi nữ du học sinh quay về quê tại Hà Nội.

Trong ngày diễn ra các buổi luyện tập diễu binh, Thuận Nhân và nhóm bạn đã có mặt từ rất sớm tại đường Lê Duẩn (Quận 1). Thuận Nhân kể: “Do làm việc gần khu vực tổ chức, nhóm quyết định đi bộ để tránh tắc đường và dễ dàng tìm được vị trí đẹp. Sau khi đọc nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc từ những người đi xem trước, mình và mọi người chuẩn bị đồ đạc thật gọn nhẹ, hạn chế rác thải nhựa để vừa thoải mái di chuyển, vừa góp phần giữ gìn mỹ quan đô thị".

Chứng kiến tận mắt lễ diễu binh, Thuận Nhân thấy hoàn toàn khác biệt so với việc xem qua màn hình tivi hay mạng xã hội, đó là sự choáng ngợp, hoành tráng vượt ngoài mong đợi. Những âm thanh rộn ràng, nhịp bước đều tăm tắp của các khối diễu binh, hình ảnh những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong tiếng nhạc hào hùng… tất cả khiến cô nổi da gà, ngập tràn cảm xúc tự hào và biết ơn.

"Mình cảm thấy mình thật sự may mắn khi được sinh ra trong thời bình, được sống trong một đất nước đang phát triển từng ngày. Càng chứng kiến những hình ảnh ấy, mình càng hiểu sâu sắc hơn giá trị của tự do và hòa bình" - nữ du học sinh xúc động nói.

Tận mắt chứng kiến rất nhiều đoàn diễu binh, nữ du học sinh ấn tượng nhất với khối nữ dân quân. “Hình ảnh những người phụ nữ trong tà áo dài mềm mại, hay những bộ quân phục, trang phục truyền thống vừa nữ tính, vừa mạnh mẽ lại mang đậm giá trị về văn hóa khiến mình xúc động. Đó là hình ảnh thật đẹp của người phụ nữ Việt Nam dịu dàng nhưng kiên cường, không ngại khó khăn, sẵn sàng vượt qua tất cả để chiến đấu vì độc lập, tự do” - Thuận Nhân chia sẻ thêm.

Đối với nữ sinh, được hoà mình vào không khí thiêng liêng của đại lễ, dù chỉ trong vài khoảnh khắc, đã đủ để hành trình về quê hương trở nên đáng giá gấp nhiều lần.

Dù tiếc nuối vì không tiếp tục có mặt tại lễ diễu binh chính thức vào ngày 30/4 do phải ra Hà Nội thăm ông bà và gia đình. Tuy nhiên, nữ sinh cho biết sẽ cùng gia đình theo dõi lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước qua các phương tiện truyền thông để cùng hòa chung niềm tự hào dân tộc.

TẤN PHƯỚC