Hạnh phúc đong đầy với người phụ nữ chỉ còn 0.01% cơ hội làm mẹ
Năm 2012, anh Nguyễn Mạnh Thắng (1989, ở Hải Dương) kết hôn với chị Nguyễn Thị Hường (SN 1992), khi đó chị vừa tròn 20 tuổi. Tưởng rằng ở độ tuổi sung sức nhất, hai vợ chồng sẽ sớm đón nhận tin vui, nhưng sau một năm chờ đợi không thấy có thai, hai vợ chồng quyết định đi khám.
Sau khi có kết quả thăm khám, hai vợ chồng như “chết lặng” khi bác sĩ thông báo dự trữ buồng trứng của chị Hường chỉ còn 0.01%, cùng với đó là triệu chứng bị tắc một bên vòi trứng. Từ kết quả đó, bác sĩ tư vấn việc có thai tự nhiên của chị Hường gần như bằng 0.
Để sớm có con, hai vợ chồng đã tiến hành các biện pháp hỗ trợ sinh sản, nhưng sau 5 lần làm IUI, kết quả vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh. “Những ngày tháng ấy, nước mắt của hai vợ chồng nhiều hơn nụ cười, nhưng chúng tôi chưa bao giờ hết hy vọng và bỏ cuộc”, chị Hường nhớ lại.
Sau 6 năm kết hôn với nhiều lần “kiếm con” thất bại, hai vợ chồng quyết định lên Hà Nội thăm khám chuyên sâu, tại đây kết quả chẩn đoán vẫn như ban đầu, khi dự trữ buồng trứng quá thấp. Do vậy, cơ hội tạo phôi là rất mong manh, nhưng các bác sĩ động viên hai vợ chồng kiên trì, nhất là chị Hường.

Con gái đầu lòng vô cùng đáng yêu của gia đình chị Hường hiện đã vào lớp 1. Ảnh: GĐCC.
Những tháng ngày đợi kích trứng là chuỗi ngày hồi hộp, bởi không phải chu kỳ nào chị cũng có nang trứng, có tháng không được nang nào, có tháng chỉ được một nang. Nhưng cuối cùng, phép màu cũng xuất hiện, với hai nang trứng nhỏ bé, anh chị đã có được hai phôi ngày 3.
Sau khi chuyển phôi tươi, chị Hường và anh Thắng sống trong những ngày chờ đợi với trái tim luôn thấp thỏm. Đến ngày xét nghiệm beta HCG, khoảnh khắc nhìn thấy kết quả tốt, cả hai vợ chồng ôm nhau òa khóc. 6 năm mong mỏi, anh chị đã được chạm tay vào giấc mơ làm cha mẹ.
Sau hành trình mang thai đầy vất vả, ngày 17/3/2019, giây phút cô con gái nhỏ Nguyễn Ánh Dương chào đời đã xóa tan mọi gian nan, khó khăn trong quá khứ. Bé Ánh Dương, cái tên như chính ý nghĩa mà anh chị muốn gửi gắm, con là thiên thần mang đến ánh sáng và hy vọng cho tổ ấm nhỏ.

Chị Hường và con trai sinh đúng ngày 30/4, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: GĐCC.
Đến năm 2023, hai vợ chồng tiếp tục hành trình đón thêm thành viên mới. Dù hành trình “kiếm con” lần hai này cũng đầy khó khăn và vất vả, nhưng cuối cùng “mầm sống” cũng đã nảy nở và bám rễ, vươn lên đầy sức sống. Hạnh phúc một lần nữa đã mỉm cười với gia đình khi chị Hường đón nhận tin vui mang thai lần hai, đây là món quà trọn vẹn từ sự yêu thương, kiên trì không từ bỏ.
Sau thai kỳ thuận lợi, đúng ngày 30/4/2024 – ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cậu bé Nguyễn Thắng Đại cất tiếng khóc chào đời. Trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy, gia đình anh Thắng, chị Hường không chỉ cảm nhận được niềm hạnh phúc riêng mà còn được hòa chung niềm vui của cả dân tộc.
Phụ nữ suy buồng trứng sẽ không thể phục hồi
BSCKI Phạm Văn Hưởng – Phó Giám đốc chuyên môn BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, người trực tiếp khám cho chị Hường cho biết, hiện nay tình trạng suy giảm buồng trứng ở những người phụ nữ trẻ như chị Hường không hề hiếm gặp, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sinh sản của chị em. Do vậy, việc thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân hoặc trước khi có ý định mang thai là rất quan trọng. Từ việc thăm khám, các bác sĩ sẽ biết được dự trữ buồng trứng, cũng như các vấn đề khác để đưa ra hướng điều trị, hỗ trợ sinh sản phù hợp nhất.
Theo các bác sĩ, ngay từ lúc còn là bào thai khoảng 20 tuần, sự phân chia gia tăng số lượng trứng ở hai buồng trứng đã dừng lại và mỗi phụ nữ sinh ra sẽ có khoảng 1 đến 2 triệu trứng. Số lượng này sẽ giảm dần và khi bước vào tuổi dậy thì số lượng trứng sẽ còn khoảng 300.000 – 400.000 trứng. Theo chu kỳ kinh hàng tháng, các nang trứng sẽ phát triển, rụng trứng hoặc thoái hóa dần làm cho dự trữ buồng trứng thấp dần.

Các bác sĩ cho biết, suy giảm chức năng buồng trứng đang ngày càng trẻ hóa và là nguyên nhân gây vô sinh hàng đầu ở chị em.
Suy buồng trứng sớm là hiện tượng buồng trứng bị lão hoá trước tuổi, ngừng hoạt động chức năng ở phụ nữ sau tuổi dậy thì và trước 40 tuổi. Đây là một nguyên nhân vô sinh rất thường gặp. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị nào có thể cải thiện suy buồng trứng hay dừng quá trình suy buồng trứng ở phụ nữ. Các điều trị chủ yếu với mục đích giải quyết các triệu chứng của bệnh và điều trị hiếm muộn. Trong đó, việc điều trị hiếm muộn và khả năng mang thai của phụ nữ suy buồng trứng sớm sẽ tuỳ thuộc vào mức độ suy buồng trứng của mỗi người.
Do vậy, các bác sĩ luôn khuyến cáo, phụ nữ nên kết hôn và sinh con sớm trước 35 tuổi. Phụ nữ dưới 35 tuổi nếu sau 1 năm kết hôn/chung sống hoặc phụ nữ trên 35 tuổi, sau 6 tháng chung sống không dùng biện pháp tránh thai mà chưa có thai cần đi khám chuyên khoa để phát hiện sớm tình trạng suy buồng trứng và điều trị hỗ trợ sinh sản kịp thời. Các trường hợp buồng trứng suy nặng không còn nang trứng dự trữ, buồng trứng đáp ứng kém để có thai cần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp xin trứng.
LÊ PHƯƠNG.