Loại lá xưa không ai ngó ngàng nay thành đặc sản nổi tiếng, được ví như "nhân sâm của người nghèo", công dụng tuyệt vời

Google News

Loại lá này có thể dùng để làm các món ăn, làm trà, có nhiều công dụng đối với sức khỏe mà không phải ai cũng biết tới. 

Lá sen là một hình ảnh quen thuộc, mộc mạc nhưng đầy thi vị trong đời sống người Việt, đặc biệt là ở những vùng quê yên bình có ao hồ, đầm lầy. Lá sen có hình tròn lớn, đường kính có thể lên tới 60-70 cm, màu xanh ngọc đậm khi còn non và ngả vàng khi già. 

Bề mặt lá sen có lớp phấn mịn, hơi nhám, đặc biệt không thấm nước. Những giọt nước mưa hay sương sớm đọng lại trên lá trông như những viên ngọc lung linh, tạo nên vẻ đẹp tinh khôi rất riêng. Gân lá to, rõ ràng, tỏa ra từ tâm lá như hình nan quạt, còn cuống lá dài, rỗng và có gai nhỏ, vươn lên khỏi mặt nước, nâng đỡ cả tán lá tươi tốt như một chiếc ô xanh mát giữa hồ.

Không chỉ đẹp, lá sen còn gắn bó mật thiết với ẩm thực dân gian. Từ lâu, người dân đã biết tận dụng hương thơm dịu nhẹ, thanh mát đặc trưng của lá sen để làm tăng hương vị cho món ăn. Một trong những món nổi bật là cơm hấp lá sen. Cơm trắng được trộn với các nguyên liệu như hạt sen, tôm khô, nấm, thịt băm… rồi gói trong lá sen và đem hấp cách thủy. Khi mở lớp lá ra, mùi thơm của sen quyện với mùi cơm nóng tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng mà đầy lôi cuốn. 

Ngoài ra, xôi lá sen, chả gói lá sen hay trà ướp lá sen cũng là những món ăn, thức uống độc đáo thể hiện sự tinh tế trong cách dùng nguyên liệu tự nhiên của người Việt. Đặc biệt, lá sen khô còn được dùng để pha trà lá sen, một thức uống thanh nhiệt được nhiều người ưa chuộng. Lá sen sau khi phơi khô được cắt nhỏ, ủ hoặc sao vàng rồi hãm với nước sôi. Trà có vị nhẫn nhẹ, hậu ngọt, giúp thanh lọc cơ thể.

Theo y học hiện đại, lá sen chứa nhiều chất chống oxy hóa như: Flavonoid, Quercetin, Tannin,… cùng các loại khoáng chất. Y học cổ truyền cho rằng thời điểm dược liệu này được thu hái tốt nhất là khi cây sen bắt đầu nở hoa. Việc sơ chế lá sen rất đơn giản, chỉ cần cắt lá, bỏ cuống rồi rửa hoặc lau sạch, thái nhỏ rồi phơi khô là được. 

Những tác dụng của lá sen với sức khỏe:

Hỗ trợ giảm cân và điều chỉnh mỡ máu

Lá sen chứa nhiều hoạt chất sinh học như flavonoid, quercetin và isoquercetin – những chất có khả năng ức chế quá trình hấp thụ chất béo và carbohydrate trong cơ thể. Nhờ đó, lá sen giúp giảm lượng mỡ tích tụ, đặc biệt là ở vùng bụng.

Việc sử dụng nước lá sen đều đặn không chỉ hỗ trợ giảm cân mà còn góp phần làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL), từ đó giúp ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch nguy hiểm như xơ vữa động mạch, đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Cách dùng phổ biến là hãm lá sen khô làm trà uống hằng ngày, hoặc kết hợp với các dược liệu khác như cam thảo, hoa hòe để tăng hiệu quả.

Giúp cải thiện giấc ngủ

Lá sen có tác dụng an thần nhẹ, giúp làm dịu thần kinh và giảm căng thẳng, nhờ chứa các alcaloid tự nhiên, trong đó nổi bật là nuciferin. Trong y học cổ truyền, lá sen thường được sử dụng để điều hòa tâm trạng và hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ.

Bạn có thể dùng 20–30gr lá sen khô, hãm với nước sôi trong 10–15 phút và uống vào buổi tối. Thức uống này không chỉ giúp dễ ngủ hơn mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ, mang lại cảm giác minh mẫn và sảng khoái vào sáng hôm sau.

Thanh nhiệt, giải độc hiệu quả

Với tính mát, vị đắng, lá sen là vị thuốc quen thuộc trong các bài thuốc thanh nhiệt, giải độc. Các hợp chất trong lá sen giúp hỗ trợ chức năng gan và thận, tăng cường khả năng đào thải độc tố, làm mát cơ thể và giảm cảm giác mệt mỏi – đặc biệt hữu ích trong những ngày hè oi bức.

Hỗ trợ kiểm soát đường huyết

Lá sen còn được biết đến với công dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Các hoạt chất trong lá giúp làm giảm nồng độ đường huyết, tăng độ nhạy insulin và làm chậm tiến trình phát triển của các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường tuýp 2. Uống trà lá sen đều đặn là cách đơn giản để duy trì đường huyết ổn định.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Lá sen cũng mang lại nhiều lợi ích cho hệ tiêu hóa. Với tính chất thanh mát, lá sen giúp làm dịu các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, chướng bụng. Ngoài ra, nó còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, cải thiện hấp thu dinh dưỡng và giảm tình trạng táo bón. Một số người còn kết hợp lá sen với vỏ bưởi, cam thảo để nâng cao hiệu quả hỗ trợ tiêu hóa.

Hỗ trợ điều trị rong kinh

Nhờ có đặc tính làm mát và cầm máu, lá sen thường được sử dụng trong điều trị rong kinh hoặc chu kỳ kinh nguyệt kéo dài. Trong các bài thuốc dân gian, lá sen thường được kết hợp cùng cỏ mực, rễ cỏ tranh... để điều hòa kinh nguyệt và cải thiện sức khỏe sinh lý nữ.

Giúp phòng ngừa ung thư

Nhiều nghiên cứu hiện đại cho thấy lá sen chứa các chất chống oxy hóa mạnh như flavonoid và quercetin – có khả năng chống lại các gốc tự do gây hại, từ đó hỗ trợ phòng ngừa ung thư. Các hoạt chất này đặc biệt có hiệu quả trong việc ức chế sự phát triển của một số loại tế bào ung thư như ung thư gan và ung thư phổi.

H.A