Cây dại mọc ở bờ mương xưa hái cho lợn gà ăn, nay thành đặc sản người thành phố ưa chuộng vì hương vị lạ, 80.000 đồng/kg

Google News

Loại cây này mọc đầy ở quê nhưng ít ai biết được rằng chúng có thể làm thành món ăn, vừa ngon vừa thanh mát, lạ miệng. 

Trong kho tàng ẩm thực Việt Nam, có những loại rau dại mọc ven đường, bờ ruộng nhưng có thể làm thành những món ăn lạ miệng, gợi nhớ về những bữa cơm giản dị ở quê. Trong số đó phải kể tới rau trai. 

Rau trai còn có tên gọi khác là thài lài trắng, thuộc nhóm cây thân thảo, mọc bò trên mặt đất, rất dễ sinh trưởng ở những nơi có độ ẩm cao. Người ta thường bắt gặp loại cây này mọc hoang ở các bờ ruộng, bờ ao, bờ mương hoặc trong các vườn cây lâu năm nơi có đất tơi xốp, ẩm ướt và ít bị giẫm đạp. Mỗi năm, vào đầu mùa mưa, rau trai lại bắt đầu phát triển mạnh mẽ, xanh tốt phủ kín những khoảng đất trống, tạo thành những thảm rau non mượt mà, mát mắt.

Cây rau trai có chiều cao trung bình từ 25–50 cm, thân cây mềm, có nhiều lông tơ mịn, phân nhánh thành nhiều nhánh nhỏ, dễ dàng bò lan ra xung quanh. Tại các đốt của thân cây thường mọc rễ chùm, giúp cây bám đất tốt và lan rộng nhanh. Lá cây mọc so le, hình ngọn giáo hoặc thuôn dài, không có cuống, chiều dài từ 2-10 cm và rộng khoảng 1-2 cm. Phần bẹ lá bao quanh gốc, tạo điểm tựa cho lá mọc vươn ra.

Đặc biệt, hoa của rau trai có hình dáng độc đáo, cụm hoa nhỏ có màu xanh lơ nhẹ, được bao bọc bởi các mo lá xếp lại nhìn như hình con trai khép miệng. Mỗi cụm hoa thường chỉ có hai bông, mỗi bông có 3 đài và 3 cánh hoa, trông mỏng manh nhưng khá bắt mắt. Hoa nở rộ vào khoảng tháng 5 đến tháng 9, còn quả thường chín vào tháng 6 đến tháng 11. Quả có hình nang tròn, thuôn nhẹ, chứa khoảng 4 hạt nhỏ bên trong – dù không quá nổi bật, nhưng chính đặc điểm sinh học này giúp rau trai tiếp tục duy trì và lan rộng trong tự nhiên.

Từ xa xưa, người dân miền Tây Nam Bộ đã biết tận dụng rau trai như một món rau sạch tự nhiên, vừa dễ kiếm lại vừa ngon miệng. Loại rau tưởng chừng bình dị này lại được người quê yêu mến bởi vị thanh ngọt, mùi thơm nhẹ, ăn vào có cảm giác mát ruột, dễ tiêu hóa, rất phù hợp với thời tiết nắng nóng miền Nam.

Vào buổi sáng sớm, khi sương vẫn còn đọng trên lá, người ta thường đi hái rau trai, lúc này rau mềm, non và tươi nhất. Người hái thường chọn ngọn cao khoảng 3-4 cm, có 2-3 lá xanh mướt. Chỉ cần hái một lúc là đầy rổ, rồi mang về rửa sạch để chế biến.

Rau trai có thể dùng trong nhiều món ăn quen thuộc như luộc chấm mắm, xào tỏi, nấu canh với tôm, tép, hoặc xương heo. Trong đó, món canh rau trai nấu tôm là sự kết hợp tuyệt vời của vị ngọt từ tôm, vị thanh mát của rau và chút bùi bùi của nước dùng. Mỗi món ăn đều giữ lại nét dân dã, giản dị nhưng khiến thực khách nhớ mãi không quên.

Ở một số vùng quê, rau trai thậm chí còn được xem là “đặc sản” dùng để đãi khách. Những ai xa quê lâu ngày, khi trở lại đều muốn ăn một bữa cơm có rau trai như một cách để tìm lại hương vị tuổi thơ.

Tuy là loại rau dân dã, nhưng để chế biến rau trai ngon lại đòi hỏi sự tỉ mỉ. Đặc biệt là món luộc tưởng đơn giản nhưng nếu không cẩn thận sẽ khiến rau mất màu, bị nhũn hoặc ra nhớt. Bí quyết của người dân địa phương là đun nồi nước thật sôi, sau đó mới cho rau vào. Nêm thêm một chút đường để làm dịu vị đắng nhẹ, rồi đậy nắp và nhanh chóng nhấc nồi xuống bếp sau 30 giây đến 1 phút. Làm đúng cách, rau giữ được màu xanh ngọc, giòn và mùi thơm rất đặc trưng.

Từ một loại rau mọc hoang, rau trai ngày nay đã có mặt trên khắp các chợ lớn nhỏ, thậm chí được rao bán trên các sàn thương mại điện tử. Giá bán tại chợ thường dao động từ 45.000–50.000 đồng/kg, còn trên các nền tảng trực tuyến, rau trai được đóng gói kỹ càng, có thể lên đến 80.000 đồng/kg. 

H.A