N.L.H (25 tuổi) từ khi sinh ra đã có những dấu hiệu cơ thể bất thường, cô hay ốm và thường xuyên phải đi viện và dùng thuốc. Khi còn nhỏ, H không biết mình mắc bệnh gì, chỉ biết cứ đến hẹn là phải đến viện khám rồi lấy thuốc về uống.
Khi lớn lên H mới biết bản thân bị tăng sản thượng thận bẩn sinh. Phải đến khi cô đủ chín chắn, bố mẹ mới chia sẻ với cô rằng, từ khi sinh ra H đã có bộ phận sinh dục bất thường, bị dị tật do bệnh lý tăng sản thượng thận bẩm sinh gây ra.
H có cả bộ phận sinh dục nam và nữ. Kiểm tra chuyên sâu về nhiễm sắc thể cho thấy, H có giới tính là nữ khi mang kểu gen XX. Do vậy, khi còn nhỏ, H đã được bác sĩ can thiệp phẫu thuật để trả lại cơ quan sinh dục là nữ và điều trị nội tiết bằng thuốc.
Học xong phổ thông, H đi làm công nhân xa nhà. Dù có ngoại hình cao ráo, khuôn mặt xinh đẹp nhưng H luôn mang trong mình nỗi mặc cảm vì bộ phận sinh dục bị khiếm khuyết và cô luôn giấu kín điều này với bạn bè. Chính vì thế, có biết bao chàng trai si mê, theo đuổi nhưng cô đều “cửa đóng, then cài”. “Trong thâm tâm tôi luôn khát khao được yêu, được lấy chồng sinh con và làm mẹ như những cô gái khác, nhưng tôi lại sợ bí mật bị phát hiện nên đành chấp nhận số phận”, H tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh cho biết, rất nhiều cô gái khiếm khuyết bộ phận sinh dục nhưng giấu kín vì tự ti, từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống và tương lai. Ảnh: BSCC.
Gần đây, qua mạng xã hội, H biết được một người bạn cũng gặp tình trạng như mình, nhưng sau khi phẫu thuật người này đã lấy chồng và sinh con. Từ đó, tia hy vọng được sống là chính mình, với giới tính thật của mình đã nhen nhóm trong cô. Cuối cùng, cô quyết định tìm đến khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và Hàm mặt (Bệnh viện E Trung ương) để hẹn lịch khám.
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ và Hàm mặt (Bệnh viện E) cho biết, dù H đã từng phẫu thuật khi còn nhỏ, nhưng ca mổ không giải quyết được triệt để dị tật, vì thế cô gái không có âm đạo hoàn chỉnh như những người phụ nữ khác, điều này khiến H tự ti.
Với tình trạng âm đạo như hiện tại, H không thể làm “chuyện ấy” do ống âm đạo rất hẹp, chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay út, dù cơ quan sinh dục ngoài có môi lớn – môi bé phát triển bình thường. Mặc dù có bất thường về ống âm đạo, nhưng H vẫn có kinh nguyệt hàng tháng, điều này cho thấy cô gái có tử cung và buồng trứng đang hoạt động nên hoàn toàn có thể sinh con.
Với tình trạng trên, bác sĩ Minh đã hội chẩn cùng TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật thận tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) và cùng đưa đến quyết định phẫu thuật tạo hình âm đạo cho cô gái này. Quá trình phẫu thuật, qua nội soi ổ bụng cho thấy, bệnh nhân có đầy đủ hai buồng trứng, tử cung kích thước bình thường. Tuy nhiên, phần âm đạo và niệu đạo của bệnh nhân dính sát vào nhau, gây khó khăn cho kíp mổ. Các bác sĩ đã mở rộng âm đạo về phía trực tràng. Nửa đầu âm đạo của bệnh nhân bị chít hẹp, phần sau bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh và bác sĩ Nguyễn Đình Liên thực hiện ca phẫu thuật tạo hình âm đạo cho nữ bệnh nhân. Ảnh: BSCC.
Sau đó, ê-kíp 2 tiến hành tạo hình lại phần chít hẹp, sử dụng niêm mạc miệng ghép vào âm đạo và đặt khuôn nong. Khuôn này sẽ được giữ trong âm đạo cho đến khi độ mở đạt tiêu chuẩn. Sau đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục dùng thiết bị nong có hình dạng giống dương vật từ 3–6 tháng, các khuôn nong này được bác sĩ thiết kế phù hợp với từng cá thể. Sau giai đoạn này, H có thể quan hệ bình thường với người khác giới.
Ca phẫu thành công, hy vọng sẽ mở ra tương lai tươi sáng hơn với cô gái trẻ này, đặc biệt là ước mơ được là một người phụ nữ thực thụ, được yêu thương, lấy chồng và sinh con sớm trở thành hiện thực.
Bác sĩ Nguyễn Đình Minh cũng khuyến cáo, khi phát hiện trẻ bất thường về hệ sinh dục hãy đưa đi khám sớm để biết nguyên nhân, từ đó sẽ có can thiệp kịp thời. Trường hợp can thiệp muộn ngoài ảnh hưởng đến tâm lý, còn có thể ảnh hưởng về tương lai, nhất là hạnh phúc gia đình và sinh sản.
LÊ PHƯƠNG.