Từ chàng trai đánh cá đến danh thần đắc lực của Trần Hưng Đạo
Yết Kiêu (1242-1301) tên thật là Phạm Hữu Thế, quê ở làng Hạ Bì (còn gọi là làng Quát, nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) xuất thân trong gia đình làm nghề đánh cá. Thuở bé, ông đã phải lăn lộn trên sông nước, phụ gia đình kiếm thêm thu nhập.
Thế nhưng, biến cố ập đến với gia đình khi ba Yết Kiêu qua đời sớm nên ông vất vả, chài lưới cả ngày, phụ mẹ chăm lo chuyện gia đình. Cũng nhờ cuộc đời gắn bó với sông nước nên khả năng bơi lội của ông rất giỏi, có tiếng trong vùng.

Từ nhỏ đã gắn liền với cuộc sống sông nước nên Yết Kiêu sở hữu tài nghệ bơi lặn rất giỏi.
Năm 1285, khi quân Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược Đại Việt lần thứ hai, ông cũng lên đường tòng quân. Tương truyền, bấy giờ nhà Trần tổ chức hội thi tuyển chọn người tài ở Vạn Kiếp. Trần Ích Tắc - con vua Trần Thái Tông có gia nô là Đô Châu, một đô vật nổi danh toàn vùng, không có đối thủ trong cuộc thi này nhưng khi giáp mặt với Hữu Thế, Đô Châu đã thất bại, phải "tâm phục, khẩu phục".
Sau hội thi đó, ông được Trần Hưng Đạo mời làm gia nô và trở thành danh tướng thủy quân. Từ đây, tên gọi “Yết Kiêu” ra đời, được Hưng Đạo Vương đặt theo tên loài cá kình ngư ở biển thời xưa.

Yết Kiêu được xem là ông tổ của ngành bơi lặn tại Việt Nam.
Nhiệm vụ của Yết Kiêu là tìm cách đục thuyền của giặc trong đêm. Đục đến đâu, dùng giẻ nút lỗ đến đó rồi dùng dây nối các nút với nhau. Chờ quân giặc ngủ say, Yết Kiêu ra lệnh cho mọi người giật dây nút lỗ khoan thuyền địch, thuyền cứ thế mà chìm dần. Một đêm, Yết Kiêu đục được khoảng 30 thuyền giặc khiến kẻ thù khiếp sợ vì kế sách đó của ông.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông thế kỷ XIII, nhờ chiến thuật “có một không hai” này đã mang lại nhiều chiến công vang dội, đóng góp lớn cho các cuộc chiến.
Yết Kiêu không ít lần liều mình đột phá giữa vòng vây quân địch, giải nguy cho chủ tướng. Chính nhờ lòng dũng cảm và tài năng xuất chúng ấy, ông được Trần Hưng Đạo hết mực tin cậy và trọng dụng.
Sách Danh tướng Việt Nam kể rằng có lần Trần Hưng Đạo từng được người thân thuộc khuyên nên giành lại ngôi vua. Ông hỏi Yết Kiêu: "Khi phụ thân ta (tức Trần Liễu) sắp mất có dặn bảo ta phải lấy cho được thiên hạ thì người mới an lòng nhắm mắt. Nhà ngươi thấy thế nào, có nên làm thế không?". Yết Kiêu đáp: "Làm vậy tuy có phú quý nhất thời nhưng ô danh muôn thuở. Tôi muốn làm quan hầu cho Đại vương đến lúc già chết, chứ không muốn làm quan với ông vua bất trung".
Không muốn trở thành quan, từ chối mối duyên vợ chồng với ba nàng công chúa
Sau những chiến thắng vang dội quân Nguyên - Mông đã chứng minh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có vai trò mấu chốt trong việc tạo ra những dũng tướng văn võ song toàn, và Yết Kiêu là một trong số đó. Tuy được ban thưởng nhưng Yết Kiêu một mực không nhận. Ông tâu lên vua xin cho ấp Hạ Bì - nơi ông sinh ra, cho người dân làm nghề chài lưới trên sông ba thước đất hai bên bờ sông để người dân phơi chài lưới, không phải đóng thuế, hào lý địa phương không được cản trở. Vua khen ông biết lo cho dân và tôn trọng quyết định của ông.

Thông lệ, nếu những danh tướng có đóng góp sức mình trong những cuộc chiến, hoàn toàn có thể được thăng quan tiến chức. Yết Kiêu - vị danh thần đắc lực mà Hưng Đạo đại vương trọng dụng nhưng cả đời ông không làm quan vì nhiều lý do.
Theo các tác giả lịch sử, nguyên nhân sâu xa là vì Yết Kiêu vốn không thích làm quan trong triều. Lý do thứ 2 là bởi Yết Kiêu vốn xuất thân gia nô của Hưng Đạo Vương. Nhà Trần có quy định đã là gia nô nhà vương hầu thì trọn đời không được làm quan, bất kể có lập được công lao tới đâu. Không làm quan được, Yết Kiêu lại có vị trí cao trong phủ Hưng Đạo Vương.
Trong cuộc đời mình, Yết Kiêu từng từ chối tình yêu của 3 nàng công chúa. Dù đó đều là người tài sắc vẹn toàn và muốn được vua ban hôn, nhưng Yết Kiêu một mực xin từ chối.
Thứ nhất là quận chúa Đinh Lan, vì cảm mến vị tướng trẻ đã tâu với triều đình xin được kết duyên. Nhà Trần có tục lệ chỉ người trong họ mới được lấy nhau, nên nếu lấy Quận chúa thì Yết Kiêu phải đổi sang họ Trần. Yết Kiêu viện lý do không muốn đổi họ để từ chối. Giận dữ, Quận chúa xin giáng tội Yết Kiêu. Nhưng tất nhiên, nhà Trần không thể vì lý do đó mà trị tội tướng tài nên chuyện này được cho qua.
Thứ hai là công chúa An Tư - con gái của vua Trần Thái Tông. Công chúa An Tư đem lòng yêu Yết Kiêu, nhưng chưa kịp tỏ bày tình cảm của mình thì đã bị vua Trần Thánh Tông gả cho Thoát Hoan nhằm thực hiện kế trá hàng. Công chúa An Tư đành gạt đi tình riêng của mình để thực hiện theo lời của vua. Nhờ có cuộc hôn nhân này mà quân Trần rút lui an toàn trong Chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần 2 vào năm 1285.
Thứ ba là công chúa nước Nguyên - Ngọc Hoa cũng rất si mê Yết Kiêu. Trong lần đi sứ ấy, vua Nguyên rất mến mộ tài năng của Yết Kiêu liền tỏ ý muốn gả công chúa Ngọc Hoa triều vốn rất xinh đẹp cho ông. Ông liền từ chối khéo và thưa rằng để trở về tâu xin vua Đại Việt, nếu vua Đại Việt đồng ý thì sẽ xin sang Nguyên triều làm lễ cưới.
Sau khi về nước, Yết Kiêu không sang nữa. Đã lâu mà không thấy Yết Kiêu sang, công chúa Ngọc Hoa xin phép vua cha cho sang nước Nam tìm. Khi thuyền sang đến Móng Cái, có người nói Yết Kiêu đã "về trời".
Có nhiều Yết Kiêu được nhiều nữ nhân mến mộ, kể cả những bậc lá ngọc cành vàng, dòng dõi trâm anh thế phiệt nhưng cả đời Yết Kiêu lại chỉ yêu 1 người con gái duy nhất. Đó là thôn nữ tên Vân, sở hữu tài sắc vẹn toàn. Trong thời gian chống địch, Yết Kiêu và cô Vân quen biết nhau. Trước người con gái xinh đẹp lại dũng cảm, Yết Kiêu đem lòng cảm mến.

Dù được nhiều mỹ nhân theo đuổi, ngõ lời nên duyên vợ chồng. Thế nhưng, Yết Kiêu vẫn quyết định chọn cô thôn nữ xinh đẹp để yêu thương. Song, cả hai không đến được với nhau vì mỹ nhân trúng mũi tên của kẻ địch.
Trong một trận đánh lớn, vì liều mình đỡ hộ người thương 1 mũi tên địch, Vân đã không qua khỏi. Dành chọn tình yêu cho người đã mất, Yết Kiêu quyết cả đời ở vậy, không đến với 1 người con gái nào khác.
Yết Kiêu mất ngày 28/12/1301, hưởng thọ 61 tuổi. Trước công lao to lớn của ông, triều đình nhà Trần đã cho lập đền thờ bên bờ sông Hạ Bì, nay gọi là đền Quát. Dưới triều Nguyễn, khu đền được trung tu, mở rộng khang trang, và đến ngày nay đã được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Hằng năm, lễ hội đền Quát được tổ chức vào rằm tháng 1 và tháng 8 âm lịch, trở thành dịp để người dân tưởng nhớ, tri ân vị anh hùng tài ba, người đã góp phần quan trọng vào những chiến công lẫy lừng chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
TẤN PHƯỚC