Bé ngán uống sữa và chán ăn, bố mẹ chỉ bí quyết dùng sữa vị dâu giúp kích thích vị giác khiến bé thích thú hơn

Google News

Ngoài vấn đề biếng ăn, tình trạng trẻ lười uống sữa cũng khiến không ít phụ huynh “đau đầu”. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này và giải quyết ra sao là điều được rất nhiều bố mẹ quan tâm.

Mẹ đau đầu vì con trốn khi đến giờ uống sữa

Quá trình chăm sóc trẻ, nhiều phụ huynh muốn bổ sung dinh dưỡng cho con nên ngoài nguồn thực phẩm tươi sống, nhiều mẹ còn cho con uống thêm sữa. Các chuyên gia đánh giá, việc bổ sung sữa cho trẻ là hoàn toàn hợp lý, bởi ngoài vấn đề dinh dưỡng thông thường, sữa còn chứa nhiều vitamin, khoáng chất khác mà đôi khi trong thực phẩm không có hoặc không được bổ sung đầy đủ. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, vấn đề khiến nhiều mẹ đau đầu nhất đó là tình trạng trẻ không chịu uống sữa, thậm chí là trốn khi đến giờ uống sữa.

Anh Minh Quân (Hà Nội) cho biết, mỗi khi uống sữa gia đình anh phải “đánh vật” với cậu con trai vừa tròn 2 tuổi. Theo đó, dù dùng mọi biện pháp từ nịnh nọt, đến thiết quân luật, rồi cả bắt ép nhưng con anh Quân vẫn không chịu uống sữa.

Rất nhiều phụ huynh khổ sở vì con lười uống sữa. Ảnh minh họa. 

Anh cho biết, so với bảng tiêu chuẩn cân nặng chiều cao, con trai anh không phải là suy dinh dưỡng. Trong bữa ăn hàng ngày, gia đình anh cũng bổ sung đa dạng thực phẩm, cho cháu ăn những đồ yêu thích, dù hơi lười ăn nhưng số lượng thực phẩm ăn vào vẫn chấp nhận được. Vì muốn bổ sung thêm dinh dưỡng cho con, mỗi ngày gia đình anh cho uống 3 cữ sữa buổi sáng trước khi đi học, buổi chiều khi đi học về và tối trước khi đi ngủ.

Mỗi lần uống sữa là con tôi lấy đủ lý do để né tránh, khi cháu kêu đau bụng, khi thì cố để ho rồi nôn trớ. Nếu cố ép hoặc nịnh bằng điện thoại cũng chỉ uống hết một nửa. Do muốn con được bổ sung nhiều dinh dưỡng từ sữa nên tôi cho cháu dùng sữa bột hàng ngoại, dù đắt tiền nhưng cháu cũng không chịu uống”, anh Quân tâm sự.

Trước tình trạng của con, gia đình anh Quân đã phải loay hoay tìm nhiều cách mong con uống sữa tốt hơn. Sau khi được các mẹ chia sẻ, gia đình anh Quân đã thay đổi sữa cho con sang uống vị trái cây, cụ thể là vị dâu điều này làm bé thích thú uống sữa hơn hẳn.  Đáng nói, sau khi chuyển sang sữa vị dâu, con trai anh Quân không chỉ hứng thú mà còn tiêu hóa tốt hơn.

Trẻ ngán sữa, lười ăn không phải ngẫu nhiên

Câu chuyện của gia đình anh Quân không hề hiếm gặp, đó là thực tế rất nhiều gia đình gặp phải hiện nay. Tình trạng trên gặp phải có thể do rất nhiều nguyên nhân, nhưng đa số các phụ huynh không chú ý, chỉ quan tâm đến việc làm sao để con ăn được nhiều, uống thật nhiều sữa.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, với trẻ khi lười ăn đi kèm với một số biểu hiện như táo bón, viêm họng có kèm theo sốt, nôn trớ… thì nên đi khám vì có thể nguyên nhân là do bệnh lý trẻ đang mắc phải. Với trường hợp trẻ không có dấu hiệu về sức khỏe, nhưng vẫn lười ăn thì nguyên nhân có thể do sinh lý.

Với một số trẻ chán ăn thức ăn, phụ huynh cần thay đổi thực phẩm, cách chế biến cho trẻ. Ảnh minh họa. 

Theo các chuyên gia tại khoa Dinh dưỡng – Tiết chế (Bệnh viện Nhi Đồng TP HCM) cho biết, ngay cả khi khỏe mạnh, cũng có những giai đoạn trẻ tự nhiên ăn ít hẳn đi trong vài ngày đến vài tuần mà vẫn chơi, vui vẻ. Các thời điểm đó thường trùng với lúc trẻ học các kỹ năng mới: Biết ngồi, đứng, đi, học nói,… sau đó, trẻ ăn uống lại bình thường thì không vấn đề gì, vì đó là do nguyên nhân sinh lý, điều cốt yếu là cha mẹ đừng ép bé ăn quá mức gây biếng ăn tâm lý.

Riêng với nguyên nhân do tâm lý, các bác sĩ cho rằng, đây là nguyên nhân phổ biến nhất do cha mẹ không hiểu tâm sinh lý trẻ, dẫn đến căng thẳng trong bữa ăn. Thay vì kích thích vị giác, xúc giác của trẻ, không ít phụ huynh biến bữa ăn thành cuộc chiến khi ép trẻ ăn, ép ngồi gò bó, bị la, bị nhéo, bị bóp mũi nếu không chịu há miệng, bị nhồi nhét dù bé không thấy đói…

Thậm chí, có bậc cha mẹ còn cho thuốc vào thức ăn làm bé phải luôn cảnh giác. Hay có gia đình còn dùng thức ăn để dỗ dành khen thưởng, tạo cho trẻ có khuynh hướng dùng chuyện ăn uống làm “phương tiện” tấn công lại cha mẹ khi có điều gì không vừa ý… tất cả điều đó dẫn đến tình trạng trẻ dần sợ bữa ăn.

Phụ huynh cần phải đặc biệt lưu ý, không nên ép trẻ quá mức để trẻ sợ hãi. Ảnh minh họa. 

Với việc trẻ lười uống sữa, ngoài những nguyên nhân như đã nói trên, có một điều phụ huynh thường bỏ qua đó là “trung thành” với một loại sữa trong suốt quá trình nuôi con. Hoặc có gia đình nghĩ rằng, phải sữa đắt tiền hay sữa nguyên chất, sữa bột… mới là tốt. Với trẻ thì điều đó hoàn toàn vô nghĩa, do vậy việc thay đổi khẩu vị sữa cho trẻ cũng rất quan trọng.

Muốn trẻ ăn ngon, uống được sữa hãy kích thích vị giác trẻ

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi trẻ biếng ăn hay lười uống sữa, vấn đề chính ngoài các vấn đề sức khỏe, bệnh lý thì đồ ăn hoặc sữa thường không phù hợp với trẻ. Với các loại đồ ăn, các chuyên gia khuyến cáo, không chỉ đa dạng thực phẩm, mà còn phải trang trí và chế biến đa dạng món ăn.

Cùng với đó, không nên cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn, với trẻ nhỏ nên khuyến khích trẻ tự cầm bình bú, cốc uống sữa, ăn bằng tay, muỗng tuỳ độ tuổi. Ở độ tuổi mầm non trở lên, cho bé tham gia vào các khâu lựa chọn thực phẩm, sơ chế, chế biến và thưởng thức thực phẩm. Phụ huynh cần tránh truyền tải thông điệp không nhất quán, không hợp lý trong bữa ăn. Ví dụ như khi thì “không ăn thì nhịn”, lúc lại “món này ngon/bổ lắm ăn đi mẹ cho đi chơi”.

Với trẻ lười uống sữa, các mẹ cũng không nên chủ quan để kéo dài tình trạng này. Bởi sữa là nguồn thực phẩm cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ, nếu biếng uống sữa, trẻ có thể kém hấp thụ một số chất, ảnh hưởng đến tiêu hóa…

Để trẻ hứng thú với việc uống sữa, phụ huynh nên thay đổi sữa theo lứa tuổi và cả vị của sữa để kích thích vị giá của trẻ. Ảnh minh họa. 

Khi trẻ lười uống sữa, ngoài các vấn đề liên quan đến dị ứng, bệnh lý phụ huynh cần kiểm tra sữa con sử dụng có phù hợp không. Cần thay đổi loại sữa sao cho phù hợp với lứa tuổi của trẻ, nên thay đổi loại sữa để kích thích vị giác cho trẻ. Ví dụ như với sữa quá ngọt hoặc quá nhạt trẻ cũng sẽ không thích. Nên chọn sữa có vị trái cây như vị dâu, vị chuối là những quả trẻ thường xuyên ăn, tiếp xúc nên hương vị sẽ quen thuộc, gần gũi, kích thích trẻ sử dụng nhiều hơn.

Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm đó là, trẻ em đang có nhiều lựa chọn về đồ uống hấp dẫn sữa như nước ngọt, nước trái cây, trà sữa… Đây đều được coi là những đồ uống không lành mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do vậy, hãy hạn chế cho trẻ sử dụng những đồ uống này.

LÊ PHƯƠNG.