Trồng loại rau từng xem là cỏ dại, xưa chỉ cho lợn ăn nay thành đặc sản vùng sông nước, nông dân thu tiền triệu mỗi ngày

Google News

Trước đây, loại rau này chỉ mọc hoang ở khu vực bờ sông nhưng đến nay đã trở thành đặc sản, cứ thu hoạch là bán hết trong tích tắc, giúp người nông dân đổi đời.

Từ một loài cây mọc hoang ven bờ ao, bờ ruộng ở miền Tây, nay rau nhút đã vươn mình trở thành đặc sản, gắn bó thân thuộc trong từng mâm cơm gia đình và tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nhiều nông dân.

Rau nhút, còn gọi là rau rút, là một loài thực vật thủy sinh thuộc họ trinh nữ. Thân rau có nhiều bọt khí trắng bám quanh, giúp chúng nổi trên mặt nước, lá rau hình lông chim mềm mại, mượt mà.

Rau nhút mọc thành từng cụm, có hoa nhỏ và màu vàng ánh lục. Quả có hình dáng dẹt với chiều dài khoảng từ 2,5-5cm.

Vị rau nhút đặc trưng bởi độ giòn, mát, ngọt nhẹ, thường được dùng trong các món canh chua cá lóc, lẩu mắm, gỏi, hoặc luộc chấm mắm kho quẹt - những món ăn đặc trưng ở miền Tây. Không chỉ được yêu thích trong ẩm thực, rau nhút còn mang giá trị cao về mặt đông y. Loại rau này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, hỗ trợ tiêu hóa, và được khuyên dùng trong các bài thuốc mát gan, trị táo bón, giải say nắng. Một số nghiên cứu dân gian còn cho rằng rau nhút giúp an thần, hỗ trợ giấc ngủ ngon, rất phù hợp cho người cao tuổi và người thường xuyên gặp nhiều áp lực.

Với nhu cầu ngày càng cao, đặc biệt tại các đô thị lớn, đã mở ra cơ hội mới cho nông dân miền Tây. Quy trình trồng rau nhút không quá phức tạp, song đòi hỏi sự tỉ mỉ và nắm vững kỹ thuật chăm sóc đặc thù cho cây thủy sinh.

Đầu tiên, người trồng phải chọn những vùng đất trũng, ngập nước quanh năm hoặc chuẩn bị những ao nước sạch có độ sâu từ 20-30cm. Cây giống rau nhút được cấy thành từng bụi nhỏ, sau đó thả nổi trên mặt nước. Bọt khí tự nhiên bám trên thân cây sẽ giúp rau nhút phát triển nhanh chóng mà không cần cột cố định.

Trong suốt quá trình trồng, nông dân cần đặc biệt chú ý đến nguồn nước, bởi rau nhút rất mẫn cảm với nước bẩn, nước ô nhiễm hóa chất hoặc chứa nhiều phèn. Để rau phát triển tốt, người trồng thường xuyên thay nước ao, giữ mực nước ổn định và tránh để nước cạn hoặc ngập sâu quá mức.

Rau nhút có tốc độ sinh trưởng khá nhanh, chỉ khoảng 25–30 ngày sau khi trồng có thể thu hoạch đợt đầu tiên và hái quanh năm.

Thời gian thu hoạch có thể kéo dài khoảng 6 tháng, tùy theo địa lý, khí hậu, cách chăm sóc… của mỗi nông dân. Tuy nhiên, để đạt được năng suất tốt nhất, cứ 3 tháng người trồng cần tiến hành trồng mới diện tích, để giữ mật độ rau không dày đặc, tạo diện tích phù hợp để cây mới phát triển.

Theo các hộ nông dân, rau nhút là loài thủy sinh rất dễ trồng, chỉ cần siêng năng cắm cọc giăng dây dưới ao, rồi buộc cọng rau nhút lưa thưa cách nhau vài tấc. Rau nhút là loại thân nổi, rễ hút chất dinh dưỡng trong nước, cho ra đọt non mỗi đêm.

Anh Lê Văn Thống (ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) là một trong những hộ dân thành công khi trồng rau nhút ở miền Tây, giúp gia đình tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Mỗi buổi sáng, anh Thống thu hoạch khoảng 100-200kg rau nhút. Với diện tích 6.000m2, ao rau nhút của anh Thống cho thu hoạch xoay vòng liên tục, nguồn rau có bán mỗi ngày.

“Thông thường, tôi thức sớm hái vài luống rau nhút đủ cân cho nhu cầu của tiểu thương. Hôm sau, tôi tiếp tục qua luống khác hái. Cứ như thế, rau nhút ra đọt non mỗi ngày, do đó tôi thu hoạch ổn định, có tiền đều đặn” - anh Thống tiết lộ.

Để rau nhút phát triển tốt, anh Thống nghĩ ra cách thả thêm bèo cám vào.

Theo anh Thống, bèo cám nở dày đặc sẽ hạn chế được sâu ăn thân rau nhút. Đây được xem là cách trồng rau nhút khá độc đáo, vừa tự nhiên lại đỡ tốn chi phí phun thuốc. Đến mùa thu hoạch, anh huy động lực lượng địa phương và thành viên gia đình để cùng nhau lội xuống ao hái rau. Trung bình mỗi đợt anh thu được 200kg, với mức giá thương lái thu rau nhút tại vườn từ 8.000-12.000 đồng/kg. Mỗi ngày, anh đều đặn ra ruộng thu hoạch, bỏ túi khoảng 1-2 triệu đồng.

Thấy tình hình trồng lúa kém hiệu quả vì vùng đất thấp trũng, nước ngập quanh năm, do đó trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh Võ Minh Tấn (ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) đã mạnh dạn đổi sang canh tác cây rau nhút và thu kết quả khả quan.

Anh Tấn tâm sự: “Gia đình tôi hiện đang thu hoạch 5.000m2 rau nhút, chuẩn bị giao cho thương lái tại Long An và TP.HCM. Trung bình mỗi đợt thu hoạch, tôi thuê khoảng 10 nhân công lặt và bó rau. Trồng rau nhút ít sâu bệnh, dễ chăm sóc, đầu ra lại ổn định, nhất là từ tháng 10 âm lịch trở đi, giá rau tăng cao, có khi đạt 20.000-30.000 đồng/kg. Mỗi tháng, tôi thu hoạch 2 lần, có lúc đạt 1 tấn/5.000m2. Hiện tại, với giá trung bình từ 11.000-12.000 đồng/kg, tôi có thu nhập ổn định, lãi gấp 2-3 lần so với trồng lúa trước đây”.

Từ một loài cây mọc hoang ven ao hồ, rau nhút đã trở thành cây trồng giá trị, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân miền Tây. Với sự nhạy bén trong cách làm nông và khả năng thích ứng với nhu cầu thị trường, những người nông dân như anh Thống, anh Tấn hay nhiều hộ dân khác đã chứng minh rằng ngay cả những cây dân dã nhất cũng có thể trở thành cơ hội làm giàu bền vững nếu biết đầu tư đúng hướng.

TẤN PHƯỚC