Cây ăn quả mọc dại bờ rào ở quê, nay lên chậu thành bonsai độc lạ và hiếm, có cây hơn 5 tỷ đồng "gây sốt"

Google News

Giới yêu cây từng ngạc nhiên với những gốc me keo có tuổi đời hàng trăm năm, phân tán đẹp, có giá trị "siêu khủng".

Me keo còn được gọi là me nước hay trái keo, là loại quả dân dã, quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ 7X, 8X ở miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, với nhiều người sống ở thành phố, me keo lại là một cái tên khá xa lạ, thậm chí chưa từng được nếm thử dù chỉ một lần.

Cây me keo thuộc loại thân gỗ lớn, có gai, có thể cao đến 10 mét. Cây phân nhiều nhánh nhỏ, mềm mại, vươn ra tứ phía. Lá kép nhỏ, mỗi cuống thường có hai lá chét hình trứng, dài khoảng 2-2,5cm. Hoa me keo có màu trắng ngả xanh, mọc thành từng chùm dày ở đầu cành, tỏa mùi thơm nhẹ nhàng và chứa nhiều phấn hoa giàu dinh dưỡng.

Quả me keo có hình dáng khá đặc biệt, xoắn ốc, dài khoảng 5-8cm và rộng chừng 1cm. Vỏ quả uốn lượn theo từng hạt, bên trong là những hạt màu đen bóng loáng.

Tại Việt Nam, cây me keo được trồng phổ biến từ Bắc vào Nam, xuất hiện ở cả đồng bằng, vùng đồi núi và cao nguyên. Tuy nhiên, chúng được trồng nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Người dân địa phương cho biết, cây me keo có hai loại: một loại cho quả ngọt và thơm, loại còn lại có vị hơi chua và hơi chát. Mùa quả chín rơi vào khoảng tháng 5 đến tháng 6, khi mùa hè bắt đầu. Những chùm quả lấm tấm sắc xanh và đỏ, lủng lẳng trên cành, đong đưa theo gió tạo nên khung cảnh rất đỗi bình dị và đẹp mắt. Me keo có thể ăn trực tiếp hoặc chấm với muối ớt, trở thành món ăn vặt dân dã, khó quên với nhiều người.

Từ cây mọc hoang dại, hiện nay me keo lên chậu thành bonsai độc lạ. Có những cây tuổi đời hàng trăm năm được giới chơi cây "săn lùng" với giá tiền tỷ. 

Điển hình nhất là bonsai me keo xuất hiện ở một triển lãm cây cảnh tại Phú Thọ. Chủ nhân cây cảnh anh Trần Phúc Lộc (Bà Rịa, Vũng Tàu), mang tác phẩm "khủng" từ miền Nam ra miền Bắc để trưng bày.

Cây me keo này có tuổi đời hơn 100 năm và đã trải qua gần 20 năm để uốn nắn, tạo hình. Mặc dù từng có người ngỏ ý mua với giá 2,5 tỷ đồng, nhưng anh Lộc vẫn chưa đồng ý vì chưa cảm thấy mức giá ấy xứng đáng. Cây được tạo dáng công phu trong suốt nhiều năm, sở hữu thế uốn lượn độc đáo và được đặt tên đầy thi vị là "Sống như anh". Với dáng trực, tác phẩm gợi hình ảnh một người tiều phu cõng con nhỏ vào rừng đốn củi, một hình tượng đầy chất thơ và cảm xúc.

Từ xa nhìn lại, cây mang dáng vẻ vững chãi với tán lá bồng bềnh, xanh mát, thế cây ấn tượng khiến nhiều người không khỏi trầm trồ. Phần thân cây nổi bật với những đường nét lũa tự nhiên, sần sùi, tạo vẻ đẹp cổ kính và mạnh mẽ.

Trong suốt hai thập kỷ chăm sóc và tạo hình, anh Lộc gặp không ít khó khăn. Việc duy trì vẻ đẹp của cây đòi hỏi phải thường xuyên cắt tỉa tán lá mỗi tháng, đồng thời phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, tránh tình trạng bị mọt đục thân gây hại.

Để đưa tác phẩm nghệ thuật độc đáo này đến gần hơn với cộng đồng người yêu cây cảnh, anh Lộc phải thuê xe tải loại lớn để vận chuyển, với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Theo chia sẻ từ chính chủ nhân của tác phẩm “Sống như anh”, nhiều người trong giới đánh giá cây me keo trăm tuổi này có thể đạt giá trị trên 5 tỷ đồng.

Hay chậu me keo "khủng" có tên Nhất đại tam phát thuộc sở hữu của anh Nguyễn Thanh Phong ở Trà Vinh xác lập cùng lúc 2 kỷ lục là kỷ lục Việt Nam và kỷ lục người Việt toàn cầu "Cây bonsai me keo cổ thụ 3 nhánh lớn nhất".

Cụm từ “Nhất đại tam phát” mang ý nghĩa phong thủy đặc biệt, thường dùng trong nghệ thuật bonsai để chỉ những cây sở hữu ba nhánh lớn - biểu tượng cho sự phát đạt, thịnh vượng và bền vững. Đối với cây me keo cổ thụ của anh Trần Thanh Phong, việc đạt được danh hiệu này đồng nghĩa với việc cây có ba nhánh lớn, độc đáo và cực kỳ hiếm gặp.

Anh Phong tình cờ sở hữu cây me keo trong một lần đi xa. Lúc mới đem về, cây chỉ là một thân gỗ bình thường, không có gì nổi bật. Tuy nhiên, sau quá trình chăm sóc và đặt vào chậu phù hợp, cây phát triển tốt. Gốc cây xù xì mang dáng vẻ giống một con lân, trong khi các tán lá phía trên xòe rộng, xanh mướt và bắt mắt.

Theo chia sẻ của anh Phong, giá trị thực sự của cây me keo trăm tuổi không chỉ nằm ở kích thước lớn mà còn bởi hình dáng hiếm có. Nếu như thông thường me keo phát triển theo hướng thẳng đứng, thì ở cây này, thân lại vươn dài với vô số vết u nổi sần đặc trưng.

Cây me keo sở hữu kích thước ấn tượng, với hoành gốc đạt 425cm. Cây được trồng trong một chiếc chậu có chiều ngang 3m, dài 7,5m. Chiều cao tính từ đáy chậu đến đỉnh ngọn khoảng 3m, tán cây tỏa rộng đến 3,5m. Tổng trọng lượng cả cây và chậu lên tới 21 tấn.

Chủ nhân cây me keo cho biết có rất nhiều người đến trả giá để mua cây với giá hàng chục tỷ đồng nhưng anh không bán vì quý mến và biết rằng khi đã bán là mất, khó có thể mua lại được. 

“Cây me này xanh tốt quanh năm, tượng trưng cho sự thịnh vượng và mang ý nghĩa phong thủy tốt nên người sở hữu nó thường làm ăn khấm khá, sự nghiệp hanh thông, thăng tiến. Cùng với kích thước lớn và hình dáng độc lạ, hiếm có cây nào sánh bằng”, anh Phong thổ lộ.

H.A