Một khảo sát xã hội do Đại học London thực hiện đã đưa ra kết quả đi ngược lại với trực giác của nhiều người rằng: Sau tuổi 35, cứ mỗi 10% mối quan hệ xã giao giảm đi, mức độ hài lòng với cuộc sống lại tăng lên 17%.
Khi còn trẻ, chúng ta đều thích sự náo nhiệt, tận hưởng những buổi tụ tập bạn bè rôm rả. Nhưng đến tuổi trung niên, sau khi đã trải nghiệm đủ sự thật về lòng người và những trao đổi lợi ích, ta chẳng còn mấy hứng thú mời quá nhiều người vào cuộc sống của mình.
Nơi càng đông người, thị phi càng lắm, tiêu hao càng nhiều. Sự trưởng thành của một người bắt đầu từ việc thu nhỏ vòng tròn giao tiếp, quay về với chính mình. Giống như câu nói: “Đến một độ tuổi nhất định, con người ta có xu hướng thu mình lại, thu gọn đến cuối cùng, chỉ còn lại vài ba tri kỷ, một chén trà nhạt, để sống cuộc đời theo cách mình mong muốn”.

1. Vòng tròn nhỏ, niềm vui thuần khiết
Triết gia vĩ đại Đức Arthur Schopenhauer từng nói: “Một người càng ít phải giao du với người khác, hoàn cảnh của người đó càng tốt”.
Vòng tròn giao tiếp nhỏ lại, bạn không cần lãng phí thời gian vào những cuộc đón đưa vô nghĩa. Khi đó, bạn mới có thể dồn toàn lực làm những việc thực sự quan trọng.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford chỉ ra rằng: Hầu hết mọi người kết bạn nhiều nhất vào năm 25 tuổi và sau đó trong 20 năm sau, bạn bè ngày càng ít đi; đến năm 55 tuổi chỉ còn lại vài người.
Việc bạn bè dần xa cách, vừa do khoảng cách địa lý và sự tác động của thời gian, cũng là kết quả của sự lựa chọn chủ động. Năng lượng của con người là có hạn. Giai đoạn trên có người già, dưới có trẻ nhỏ, chỉ riêng việc kiếm tiền nuôi gia đình đã tiêu tốn phần lớn thời gian và sức lực, không còn dư dả để duy trì những mối quan hệ xã giao không mấy quan trọng khác.
Khi vòng tròn quá rộng, bạn bè quá nhiều, bạn sẽ chỉ khiến bản thân thêm gánh nặng. Thay vì ở trong những vòng tròn vô nghĩa, chi bằng tập trung vào cuộc sống của chính mình.

2. Vòng tròn nhỏ, gia đình an yên
Dành một chút thời gian để quan sát, bạn sẽ thấy sau tuổi trung niên, những gia đình có mối quan hệ vợ chồng hòa thuận đều có một điểm chung: Cả hai người không mặn mà với việc giao tiếp quá rộng, vòng tròn xã giao tương đối nhỏ và họ có xu hướng dành thời gian, sức lực cho việc chăm sóc gia đình hơn. Người vợ không thường xuyên đi tụ tập bạn bè, người chồng thì coi trọng gia đình, ít qua lại với những người bạn chỉ biết ăn chơi.
Giống như câu nói: “Hạnh phúc của đời người, chẳng qua chỉ có 4 điều: Một là ngủ trên giường nhà mình; Hai là ăn cơm do cha mẹ nấu; Ba là nghe người mình yêu nói lời tình tự; Bốn là chơi đùa cùng con cái”.
Bát cháo buổi sớm ngon hơn chén rượu đêm khuya, nụ cười của người nhà ấm áp hơn những lời xu nịnh trên bàn tiệc. Đến một độ tuổi nhất định bạn sẽ hiểu ra, không ai quan trọng bằng người nhà, không việc gì đáng để bạn dốc toàn lực bằng việc vun vén gia đình. Cắt đứt những mối quan hệ xã giao vô ích, trở về với gia đình, vòng tròn nhỏ lại, gia đình bạn sẽ vững vàng hơn.

3. Vòng tròn nhỏ, tâm tĩnh lặng
Có câu: “Giao du bừa bãi bạn bè, chẳng bằng ngày ngày đọc sách”.
Nhà mỹ học Tưởng Huân khi còn trẻ thường một mình đeo ba lô, mang theo hai chiếc áo sơ mi, độc hành du lịch. Nhà triết học Thoreau khi hầu hết mọi người đều theo đuổi tiền bạc, ông lại chọn ẩn cư bên hồ Walden. Nhà văn Mộc Tâm bỏ lại cuộc sống thiếu gia sung sướng, lại chọn đến vùng núi Mạc Canh hẻo lánh để trải qua những ngày tháng một mình.
Suy cho cùng, sự cô đơn là vô cùng cần thiết. Những gì bạn làm trong khoảng thời gian một mình sẽ quyết định sự khác biệt căn bản giữa bạn và những người khác.
Sự hòa nhập mù quáng không thể mang lại sự trưởng thành thực sự. Khi một người có thể tận hưởng sự tĩnh lặng khi ở một mình, họ mới trở nên mạnh mẽ hơn. Sau tuổi trung niên, rời xa đám đông không phải tính cách lập dị, mà là sự tỉnh táo của lý trí.
Cuộc sống của mỗi chúng ta, ai rồi cuối cùng cũng phải trở về với những điều vụn vặt của “củi gạo dầu muối, nồi niêu xoong chảo”. Cuộc sống ấy có lẽ bình dị như nước chảy, chỉ có hương sách bầu bạn, tri kỷ đôi ba, người thân bên cạnh nhưng lại là điều thiết thực và hợp lòng người nhất.
BẢO ANH.