Tôi là chị cả trong gia đình có 4 chị em, 3 gái, 1 trai là út cuối cùng. Khi tôi học lớp 5, bố đi làm, mẹ nhận hàng về nhà làm để có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Hằng ngày, sau giờ học, tôi phải làm nhiều việc như bế em út, chơi với em thứ 3, nấu nướng hay lau dọn nhà cửa.
Vào 1 buổi trưa chủ nhật, trong lúc mẹ ngủ, tôi ngồi coi em nhưng ngủ gật trên ghế. Đến khi nghe tiếng khóc thất thanh của em trai thì giật mình tỉnh giấc. Tôi lặng người đi khi em đang nằm sõng soài trên nền nhà, khóc không thành tiếng. Có lẽ em bị ngã từ trên ghế xuống nền nhà.
Mẹ từ trong phòng lao ra và ôm chặt lấy em tôi. Bà vừa khóc vừa quát tôi vào nhà lấy túi đồ để đưa em đi bệnh viện khám. Sau khi chụp chiếu xong, bác sĩ nói em tôi bị nứt sọ, tụ máu não và nhập viện gấp.
Chỉ 1 giây lơ là việc trông em, tôi đã khiến gia đình bị tổn thất kinh tế rất lớn. Toàn bộ tiền tiết kiệm trong nhà đội nón ra đi, thậm chí mẹ tôi còn phải vay tiền của người thân để chữa cho em.
Không hiểu sau lần bị ngã đó có ảnh hưởng đến trí thông minh của em không mà càng lớn lên em trai càng học dốt. Nói trước quên sau, đi học toàn được điểm dưới 5 nhưng lại nghịch không ai bằng. Tháng nào cô giáo cũng gọi điện cho mẹ kể tội em tôi gây ra như trêu bạn, đánh bạn, không học, cãi thầy cô, gây mất trật tự hay không chịu vệ sinh lớp.

Khi tôi học lớp 5, bố đi làm, mẹ nhận hàng về nhà làm để có nhiều thời gian chăm sóc con cái. (Ảnh minh họa)
Trong khi 3 chị em tôi đều có công việc ổn định thì em trai chơi bời lêu lổng, sống phụ thuộc vào bố mẹ. Mỗi lần, về quê chơi, tôi đều cho tiền và khuyên bảo em làm việc kiếm tiền nuôi thân rồi lấy vợ cho bố mẹ có cháu nội bế. Nhận tiền chị gái cho, em tôi vui lắm, hứa đủ mọi lời ngon ngọt nhưng khi tôi quay trở lại thành phố thì chứng nào tật đó, không thay đổi chút nào.
Mỗi lần kể về tội của em trai gây ra, mẹ chỉ biết khóc mà bất lực, không biết phải làm sao nữa. Bố tôi từng quản lý cả trăm công nhân, ông nói mọi người nghe răm rắp, vậy mà trở về nhà không nói nổi em trai tôi. Nói nhiều mà em tôi không nghe còn mắng ngược lại nên bố mẹ buông xuôi bất lực, để mặc em ấy muốn làm gì thì làm.
Hiện tại, tôi đã có gia đình và cuộc sống khá ổn định. Chồng tôi có xe riêng, tôi có khoản tiền tiết kiệm được hơn 1 tỷ và cũng muốn mua xe để thuận tiện đi làm. Tuần vừa rồi, tôi gọi điện khoe với mẹ là tháng sau sẽ mua xe khoảng gần 1 tỷ và sẽ lái xe về ngoại chơi. Cứ nghĩ mẹ sẽ chúc mừng con gái, nào ngờ bà nói:
“Năm nay, em con ngoài 30 tuổi, chưa có người yêu. Mấy cô chú giới thiệu vài mối cho nhưng rồi khi biết quá khứ của em, người ta lặng lẽ rời đi. Mẹ nghĩ con nên dừng mua xe để khoản tiền đó đầu tư cho em trai lấy vợ. Nhà có mỗi con trai mà không thể lấy vợ được thì bố mẹ chết cũng không yên lòng”.

Tôi gọi điện khoe với mẹ sắp mua xe hơi. (Ảnh minh họa)
Tôi phản đối ngay:
“Để có khoản tiền đó, con phải đổ mồ hôi nước mắt kiếm tiền. Còn em trai ăn chơi tối ngày, sao con có thể cho khoản tiền lớn như thế để tiêu xài được”.
Mẹ nghẹn ngào nói:
“Em con ra nông nỗi như ngày hôm nay là lỗi do con. Giá ngày đó, con không ngủ gật trên ghế, em trai sẽ không bị ngã và đầu óc minh mẫn sáng sủa, không ngu ngốc như bây giờ. Vì thế con phải có trách nhiệm với cuộc đời của em trai. Đừng bỏ rơi em nó mà tội nghiệp”.
Lời mẹ nói làm vết thương lòng của tôi như phục hồi. Mỗi lần nhớ về hình ảnh em khóc thét đó là tim tôi nhói đau. Sau đó, em tôi đã được chữa khỏi. Em tôi lười học, ham chơi để rồi tương lai mù mịt là do bố mẹ nuông chiều nên mới như ngày hôm nay. Sao mẹ có thể đổ hết lỗi lên đầu tôi được. Tôi có nên cho em trai 1 tỷ như mong muốn của mẹ không?
PHƯƠNG LINH