Nam họa sĩ nghị lực Đỗ Minh Tâm (SN 1973) không phải là cái tên xa lạ với cộng đồng mạng, bởi anh đã từng nổi tiếng với khả năng vẽ tranh bằng miệng. Anh Tâm đã có gần 20 năm gắn bó với chiếc cọ vẽ, ngày ngày truyền lửa đam mê và nghị lực sống đến thế hệ trẻ bằng công việc dạy vẽ cho trẻ em vùng cao ở Đắk Nông. Những bức tranh của anh được tạo ra từ chính những trải nghiệm trong cuộc sống, thể hiện khát vọng vươn lên không ngừng.

Người họa sĩ khuyết tật tạo nên những bức tranh đặc biệt
Tìm đến hội họa để được sống có ý nghĩa hơn
Anh Tâm quê gốc ở Thanh Hóa, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh không trở về nhà mà phiêu bạt khắp nơi kiếm sống. Năm 2000, anh đến TP HCM mưu sinh bằng nhiều công việc làm thuê. Một năm sau, biến cố lớn ập đến khiến anh bị liệt toàn thân. Nhờ ý chí sắt đá, sau thời gian thực hiện vật lý trị liệu, anh đã có thể tự điều khiển đôi tay, còn đôi chân thì không thể cử động.
Khi sức khỏe tốt lên, anh Tâm nỗ lực học đủ thứ nghề để tự nuôi mình nhưng không thành. Anh chán nản, thất vọng về cuộc sống, may mắn được mọi người trong trung tâm tình thương động viên, anh đã đến với hội họa như một cách để vươn lên và giải thoát chính bản thân mình.
Không thể vẽ bằng tay hay bằng chân nên anh phải vẽ bằng miệng, dù khó khăn khổ cực nhưng anh không nản chí. Sau 1 năm, anh đã có thể thực hiện thuần thục các nét vẽ. Anh hăng say sáng tạo và vẽ bằng tất cả nguồn sống của mình. Chính bản thân anh cũng bất ngờ với khả năng hội họa và sự kiên trì của bản thân.

Anh Tâm gây ấn tượng với khả năng vẽ tranh bằng miệng
Dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời người đàn ông khuyết tật ấy là giải nhất cuộc thi hội họa toàn quốc với bức tranh vẽ bằng miệng vào năm 2010. Sau đó, anh mở triển lãm để mọi người cùng chiêm ngưỡng loạt tác phẩm ấn tượng của mình.
Anh Tâm vẽ nhiều loại tranh, tiêu biểu là những bức tranh trừu tượng mang nội dung đặc biệt. Có lẽ do cảm hứng nghệ thuật từ hoàn cảnh đặc biệt nên tác phẩm của anh thường hấp dẫn người xem bởi những thông điệp giàu tính thời sự, nhân văn và bằng cả nỗi đau biểu thị trong những nét vẽ, màu sắc.

Căn phòng sáng tạo nghệ thuật của người họa sĩ vượt lên số phận
Ấn tượng hơn nữa, đa số tranh của người họa sĩ tài năng được vẽ từ hồi ức. Vì gặp khó khăn khi di chuyển bên ngoài nên anh chỉ nhớ lại những gì từng nhìn thấy để vẽ. Những bức tranh ấy hầu hết được vẽ bằng màu kí ức, là một cách để chủ nhân của chúng ghi lại những sự kiện trong cuộc đời mình.
Không ngừng truyền lửa đam mê tới thế hệ trẻ
Hiện tại, anh Tâm đang là giáo viên dạy vẽ cho trẻ em vùng cao ở Đắk Nông. Học trò của anh có cả những em nhỏ khuyết tật, được anh uốn nắn chỉ bảo từng li từng tí. Từ một người kém may mắn, anh đã vươn lên truyền lửa cho thế hệ trẻ. Học trò của anh có nhiều em giành giải thưởng lớn, đó cũng chính là nguồn động lực cho người thầy tiếp tục cống hiến.

Người thầy ngày ngày truyền cảm hứng cho các em nhỏ
Hàng ngày, di chuyển trên chiếc xe lăn được mạnh thường quân hỗ trợ, anh Tâm lên lớp đều đặn và không ngừng sáng tạo nghệ thuật. Trong căn phòng nhỏ, xung quanh đều là màu, cọ, giấy vẽ,… và những bức tranh đang thơm mùi sơn dầu được anh Tâm vẽ nên từ cây cọ ngậm trong miệng.
Cây cọ vẽ được anh nối với một đoạn ống nước để cắn vào có độ chắc hơn, có thể di chuyển dễ dàng. Anh Tâm cho biết, mỗi bức tranh phải vẽ trong vòng vài tháng mới xong. Anh không khỏe nên khi vẽ bằng miệng sẽ phải lắc đầu nhiều gây chóng mặt, đau mỏi cột sống cổ nên phải nghỉ ngơi.

Những bức tranh của anh Tâm được nhiều người hỏi mua
Những tác phẩm của anh được nhiều người hỏi mua với giá lên tới hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, vì phải mất nhiều thời gian để hoàn thành tranh bằng miệng nên số lượng tranh anh bán không nhiều.
Anh cho biết thêm, phần lớn số tiền bán tranh đều được dùng cho hoạt động từ thiện, giúp đỡ những số phận có hoàn cảnh không may mắn như mình. Với anh, vẽ tranh chính là được sống với đam mê, giúp anh cảm thấy mình sống có ý nghĩa hơn và mang tới nguồn năng lượng tích cực cho mọi người.
Nguồn: Độc lạ Bình Dương
THẢO ANH