Hà Nội: Giá thực phẩm sau Tết giảm nhẹ, riêng đồ cúng lễ vẫn chưa “hạ nhiệt”, cau loại đẹp 30.000 đồng/quả

Google News

Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các chợ dân sinh ở Hà Nội đã mở cửa và nhộn nhịp trở lại. Đầy đủ mọi mặt hàng, thực phẩm được bày bán với mức giá nhìn chung có giảm so với dịp Tết, nhưng không đáng kể.

Trong vòng một tuần kể từ ngày khai xuân đầu năm mới, các hoạt động kinh doanh trên địa bàn Hà Nội đã trở lại bình thường. Theo ghi nhận tại một số khu chợ truyền thống, chợ dân sinh, thị trường hàng hóa sau Tết dồi dào, phong phú giúp người dân có nhiều lựa chọn mua sắm.

Nhìn chung, hàng hóa sau Tết Nguyên đán 2025 không xảy ra tình trạng khan hàng. Tuy nhiên, giá cả nhiều loại thực phẩm vẫn chưa “hạ nhiệt”, tương đương giá dịp cận Tết. Các loại thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt bò, hải sản… vẫn “nhỉnh” hơn so với ngày thường trong năm.

Rau xanh là mặt hàng bán chạy nhất sau Tết

Từ các khu chợ lớn như chợ Hôm (Hai Bà Trưng), chợ đầu mối Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Thanh Hà (Hoàn Kiếm),... đến các chợ dân sinh khác trên địa bàn Hà Nội, hàng hóa được bày bán chủ yếu là thực phẩm tươi sống, các loại rau củ, hoa quả,… 

Về giá thực phẩm, thịt lợn dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/kg tùy từng loại, thịt bò từ 270.000 - 400.000 đồng/kg, gà ta sống từ 140.000 - 170.000 đồng/kg, giá gà làm sẵn từ 160.000 - 200.000 đồng/kg…  Nhìn chung, các mặt hàng thực phẩm ở một số chợ dân sinh có giảm nhẹ so với thời điểm cận Tết.

Giá thủy, hải sản vẫn giữ ở mức cao, tương đương với thị trường ngày 28, 29 tháng Chạp. Cụ thể, tôm sú (loại 26-30 con/kg) từ 450.000 - 600.000 đồng/kg; cá chép, trắm cỏ 150.000 - 180.000 đồng/kg... Các loại bún, bánh phở 20.000 đồng/kg, đắt hơn ngày thường khoảng từ 20% đến 30%. 

Các loại thực phẩm tươi sống cũng là mặt hàng được ưa chuộng sau Tết

Tại các chợ Thành Công (Ba Đình), Khâm Thiên, Kim Liên, Ngã Tư Sở (Đống Đa), giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh vẫn ở mức cao, nhưng đã giảm xuống thấp hơn so với ngày cận Tết. Rau cải xanh, cải cúc, rau cần có giá từ 15.000 đồng/bó, cải xoong 20.000 đồng/bó, nấm kim châm 15.000 đồng/gói, dứa 18.000 - 20.000 đồng/quả,… 

Do trong kỳ nghỉ dài, mọi mặt hàng vẫn được cung cấp đầy đủ nên nhu cầu tiêu dùng những ngày đầu năm của người dân không quá cao, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, rau củ quả, dịch vụ ăn uống. Đặc biệt là đồ cúng lễ như cau, giò chả, xôi đĩa các loại,... vẫn giữ mức giá cao dù đã hết Tết. 

Đồ cúng lễ bày bán sẵn tại các khu chợ phục vụ nhu cầu người dân

Hoa tươi cũng là mặt hàng được người dân sắm sửa nhiều sau Tết để cắm trên bàn thờ phục vụ suốt tháng Giêng. Tại các khu chợ dân sinh, giá hoa hồng (loại có cành lộc) dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/cành, hoa hồng loại thường 80.000 - 120.000 đồng/chục, hoa cúc đại đóa 90.000 - 120.000 đồng/chục, hoa ly 280.000 - 360.000 đồng/chục,... Hoa bưởi đầu mùa được nhiều vị khách lựa chọn để thắp hương trên ban thờ gia tiên, đi lễ chùa hoặc trưng trong nhà, có giá từ 40.000 đồng/bó nhỏ.

Hoa tươi vẫn có giá khá cao, chỉ giảm nhẹ so với cận Tết

Tại các khu chợ, cau vẫn là mặt hàng bán chạy, đặc biệt là cau đẹp. Hiện tại, mỗi quả cau kèm lá trầu có giá 30.000 đồng, đắt gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần ngày thường. Những ngày sát Tết Ất Tỵ, giá cau đã "phi mã" lên mức này và hiện vẫn chưa giảm. Đây được đánh giá là mặt hàng đắt nhất tại các chợ, do nhu cầu mua sắm chuẩn bị rằm tháng Giêng và lễ chùa trong dịp đầu năm mới.

Cau là mặt hàng được nhiều gia đình lựa chọn phục vụ cúng lễ trong tháng Giêng

Theo các tiểu thương, dù nhiều người đã đi làm trở lại nhưng lượng thực phẩm vẫn chưa được tiêu thụ mạnh, vì còn trữ nhiều đồ ăn từ Tết hoặc đem thực phẩm từ quê lên. Dự báo, sức mua sẽ tăng trưởng mạnh hơn từ sau rằm tháng Giêng, đây là thời điểm nhiều người lao động và sinh viên trở lại thành phố sau kỳ nghỉ dài. 

THẢO ANH