Bên lề buổi làm việc với huyện Cần Giờ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã chia sẻ với báo chí về các lực lượng chi viện giúp TP chống dịch.
Tất cả những người đến giúp TP đều là ân nhân
Theo ông, Bộ Y tế với TP luôn gắn bó cả về tinh thần và trách nhiệm, quan điểm, cùng nhau ứng phó với dịch bệnh thời gian qua.
Theo ông, từ cán bộ y tế, nhân viên cho đến đội ngũ y bác sĩ, tất cả đều có tâm huyết, trách nhiệm và hành động chung sức, chung lòng để thực hiện các biện pháp mà Chính phủ chỉ đạo, Bộ Y tế đã giao.
|
Bí thư Nguyễn Văn Nên. |
Ông Nên cũng cho rằng ngay khi bắt đầu triển khai kế hoạch phòng, chống dịch, các lực lượng y tế được Bộ tăng cường đã có mặt, nhất là Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và các lực lượng gắn bó từ đó tới bây giờ.
"Có thể nói, chủng Delta lan nhanh, bùng phát nhanh, vượt sức chống chịu của đội ngũ y tế thành phố, nếu như không có sự tăng cường, ủng hộ của Bộ Y tế thì không thể có được kết quả ngày hôm nay", ông Nên khẳng định.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh mà “nhà mình có đại sự” như thế, tất cả những người đến giúp TP đều là ân nhân. Tuy nhiên, theo ông, dù TP hay Bộ Y tế có phối hợp, lo cỡ nào đi nữa, những cái thiếu sót, sơ suất, hạn chế là không tránh khỏi.
“Đảng bộ và nhân dân TP luôn trân trọng ghi nhận, mang ơn và tri ân, và cũng xin thông cảm, mong muốn được chia sẻ về những việc còn chưa trọn vẹn”, ông Nên nói.
Trước buổi làm việc với huyện Cần giờ, Bí thư Nguyễn Văn Nên và Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác đã ghé thăm Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ.
Nói chuyện với cán bộ bệnh viện, người đứng đầu Thành ủy cho biết, TP đang tập trung vượt qua chặng đường khó khăn. Đây là tuần thứ 3 trong đợt cao điểm thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Theo ông Nên, trong những việc thành phố đã làm được, có sự cố gắng, đóng góp một phần của Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ.
Ông khẳng định, lãnh đạo TP luôn sát cánh với bệnh viện, nhưng cũng thừa nhận có lúc sự quan tâm tới đời sống đội ngũ y bác sĩ chưa tròn. Vì vậy, ông yêu cầu lãnh đạo huyện Cần Giờ phải luôn sát cánh cùng bệnh viện, cái gì ngoài thẩm quyền thì báo cáo lên TP, trong thẩm quyền thì phải lo ngay.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, để chuẩn bị những kịch bản cho giai đoạn bình thường mới, cần phải củng cố hệ thống y tế từ cơ sở; TP và Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị cho chiến lược lâu dài.
"Qua thời gian vật lộn căng thẳng, cam go với dịch, chúng ta đã có nhiều bài học xương máu. Khi TP trở lại trạng thái bình thường mới chúng ta phải củng cố lực lượng y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, để có thể chủ động trong bối cảnh khi các lực lượng chi viện rút về", Bí thư Nên cho hay.
Sau 15/9 chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội
"Sau 15/9, TP.HCM chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội theo thẻ xanh, thẻ vàng", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh đức nói như vậy trong buổi tọa đàm Kiểm soát dịch bệnh, tối 12/9 trên VTV1.
Ông khẳng định, tinh thần là đến cuối tháng 9 TP vẫn giãn cách theo Chỉ thị 16. Một số địa phương vẫn duy trì Chỉ thị 16+ và một số nơi có tình hình tương đối ổn định như huyện Cần Giờ, Củ Chi có thể áp dụng Chỉ thị 16- hoặc Chỉ thị 15+.
|
Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức.
|
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết, TP và nhiều tỉnh phía Nam đang nghiên cứu cơ chế cấp "thẻ xanh COVID-19", "thẻ vàng COVID-19" hoặc là hình thức tượng tự để tạo điều kiện cho một số người thuộc nhóm an toàn hoạt động theo tinh thần "an toàn đến đâu mở rộng đến đó".
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế cùng các lực lượng đang chuẩn bị đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu, hoàn thiện công nghệ thông tin, mục đích là cả nước sử dụng một công cụ, ứng dụng duy nhất sau khi dữ liệu được đồng bộ.
Ông Đức cũng cho biết, địa phương sẽ có thẻ xanh, thẻ vàng, sẽ được cập nhật tự động. Tuy nhiên, không phải ai cũng tiếp cận được công nghệ nên TP đang tham vấn chuyên gia, nghĩ thêm hình thức khác để tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo quyền lợi như nhau.
"Tuy nhiên, sau 15/9, TP.HCM chưa thể nới lỏng giãn cách xã hội theo thẻ xanh, thẻ vàng", Phó chủ tịch TP.HCM cho hay.
Ông Đức cũng cho biết, một trong những tiêu chí quan trọng để có "thẻ xanh COVID-19" là người dân đã tiêm 2 mũi vắc xin được ít nhất 2 tuần. Vì sau 2 tuần, kể từ thời điểm tiêm mũi 2, cơ thể mới bắt đầu đủ kháng thể để bảo vệ.
Cũng thông tin tại buổi tọa đàm, ông Đức cho biết, đến nay, TP.HCM đã tiêm khoảng 7,8 triệu mũi vắc xin, trong đó, hơn 1,3 triệu người đã tiêm 2 mũi, trong số này có nhiều người lớn tuổi hoặc có bệnh lý nền. Đây là nhóm có nguy cơ cao, được thành phố khuyến cáo hạn chế ra đường, kể cả người đã tiêm 2 mũi.
Theo ông đức, đối tượng tiêm 2 mũi thời gian qua chủ yếu tập trung nhiều cho nhóm yếu thế nên số người dự kiến được nhận thẻ xanh không quá lớn. Qua đó, TP dự định sau 15/9 chưa thể triển khai thẻ xanh, thẻ vàng, mà phải một thời gian, khi nào sẵn sàng, thành phố mới triển khai.
Trước đó, bên lề buổi làm việc với huyện Cần Giờ, Bí thư thành ủy Nguyễn văn nên cho biết, TP.HCM chưa thể hoàn thành mục tiêu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ đề ra, chỉ có một số quận, huyện hoàn thành, một số quận, huyện khác thì tiệm cận tới.
Do đó, TP.HCM phải “xin thêm” thời gian, có thể tới hết tháng 9 để tập trung thực hiện mục tiêu này.
Theo Hồ Văn/Vietnamnet