Ba kịch bản từ ảnh hưởng mức áp thuế của Mỹ

Google News

Chuyên gia BĐS Trần Xuân Lượng đã đưa ra nhận định và phân tích về tác động của việc Mỹ áp mức thuế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có thể lên đến 46% đối với nền kinh tế và thị trường BĐS.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế và có hiệu lực từ ngày 9/4, trong đó Việt Nam chịu mức thuế lên tới 46%.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đánh giá thị trường BĐS Việt Nam đưa ra nhận định về ba kịch bản bi quan, lạc quan và trung tính từ ảnh hưởng của mức áp thuế của Mỹ đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng.
Theo TS Trần Xuân Lượng, kịch bản bi quan sẽ có khả năng suy giảm đầu tư và khó khăn kinh tế.
Ba kich ban tu anh huong muc ap thue cua My
Tiến sĩ Trần Xuân Lượng 
Các doanh nghiệp FDI trong các ngành xuất khẩu sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc duy trì sản xuất và cạnh tranh, đặc biệt trong các ngành dệt may, giày dép, điện tử. Điều này sẽ dẫn đến sự giảm sút trong dòng tiền FDI, ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và giảm nhu cầu đầu tư vào thị trường BĐS.
Về tác động đến thị trường BDS, theo TS Trần Xuân Lượng, mức áp thuế 46% mà Mỹ áp với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ làm giảm đầu tư FDI vào BĐS công nghiệp.
Phân tích về việc này, theo ông Lượng, khi các doanh nghiệp FDI cắt giảm sản xuất và xuất khẩu, nhu cầu về BĐS công nghiệp sẽ giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển của các khu công nghiệp và các dự án cơ sở hạ tầng.
Tác động thứ hai đến thị trường BĐS là sẽ giảm tiêu dùng và đầu tư. Bởi mức thu nhập của người lao động giảm sẽ dẫn đến sự suy giảm trong mức tiêu dùng (C) và đầu tư (I), đặc biệt là trong các phân khúc BĐS không thiết yếu, làm giảm nhu cầu đối với nhà ở cao cấp và các dự án thương mại.
Trong kịch bản bi quan, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự suy giảm đáng kể trong các ngành xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, khiến cho thị trường BĐS gặp khó khăn lớn, đặc biệt là các phân khúc cao cấp và công nghiệp.
TS Trần Xuân Lượng cũng đưa ra kịch bản lạc quan khi Việt Nam vươn mình nhờ nội lực và chính sách cải cách tích cực. Kịch bản lạc quan cho rằng mặc dù thuế quan Mỹ sẽ tạo ra sự suy giảm trong xuất khẩu và giảm đầu tư FDI, nhưng Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp chuẩn bị và cải cách sâu rộng, giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng và duy trì sự phát triển bền vững.
Theo phân tích của TS Lượng, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng và tăng cường nội lực gồm: Cải cách hành chính và phân cấp: Chính phủ thực hiện cải cách hành chính, sáp nhập các tỉnh thành và tăng năng suất lao động. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí và tạo ra sự linh hoạt trong việc triển khai các dự án BĐS mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tăng cường đầu tư nội địa: Chính phủ thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, bao gồm tín dụng ưu đãi và giảm thuế cho các dự án nhà ở xã hội. Dòng tiền từ khối ngoại có thể chuyển sang khối nội nếu các chính sách hỗ trợ đầy đủ và hợp lý.
Kiều hối ổn định: Dòng kiều hối ổn định từ người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục duy trì tiêu dùng và đầu tư trong nước, đặc biệt là trong phân khúc nhà ở xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn cho thị trường BĐS.
Trong kịch bản lạc quan, Việt Nam sẽ tận dụng được nội lực và sự chuẩn bị của Chính phủ để duy trì ổn định nền kinh tế và phát triển bền vững. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và phát triển nhà ở xã hội sẽ giúp thị trường BĐS tiếp tục phát triển trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động.
Đối với kịch bản trung tính, sự tăng trưởng hỗn hợp và thách thức đan xen. Kịch bản trung tính là tình huống mà nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ, nhưng sẽ không gặp phải một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn sẽ đối mặt với sự tăng trưởng chậm lại và một số thách thức trong việc duy trì ổn định, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.
Theo kịch bản này, tác động đến nền kinh tế do giảm đầu tư FDI và xuất khẩu. Thuế quan sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và đầu tư FDI, nhưng không đến mức làm suy giảm toàn bộ nền kinh tế. Các doanh nghiệp FDI sẽ phải cắt giảm một số khoản đầu tư và điều chỉnh chiến lược sản xuất, dẫn đến sự giảm sút trong các dự án bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, sự suy giảm này sẽ không quá nghiêm trọng, và các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tận dụng các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy đầu tư vào các phân khúc BĐS khác.
Tăng trưởng GDP giảm, nhưng vẫn ổn định: Tăng trưởng GDP sẽ không tăng trưởng mạnh mẽ như trước, nhưng vẫn giữ được mức độ ổn định. Mức tiêu dùng (C) và đầu tư (I) sẽ giảm nhẹ nhưng không giảm quá sâu, nhờ vào các biện pháp kích thích từ Chính phủ, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhà ở xã hội và hạ tầng công cộng.
Tác động đến thị trường BĐS, phân khúc nhà ở xã hội và cơ sở hạ tầng ổn định. Mặc dù thị trường BĐS cao cấp và công nghiệp bị ảnh hưởng, nhưng phân khúc nhà ở xã hội và các dự án cơ sở hạ tầng vẫn sẽ duy trì ổn định. Chính phủ sẽ đẩy mạnh đầu tư công vào các dự án này để đảm bảo cung ứng đủ nguồn cung nhà ở cho người dân, đặc biệt là trong bối cảnh suy giảm tiêu dùng.
Dự án BĐS thương mại bị chững lại: Các phân khúc nhà ở cao cấp và các dự án BĐS thương mại sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư, do nhu cầu giảm và sức mua yếu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong nước có thể vẫn duy trì một số dự án nhằm khai thác những nhu cầu thực tế về nhà ở và các khu công nghiệp.
Trong kịch bản trung tính, thị trường BĐS sẽ gặp một số khó khăn, nhưng không phải là khủng hoảng toàn diện. Chính phủ sẽ cần tiếp tục duy trì các chính sách ổn định kinh tế và hỗ trợ thị trường BĐS, đặc biệt là trong các phân khúc nhà ở xã hội và hạ tầng.
Từ những phân tích trên, TS Trần Xuân Lượng cho rằng, đối với kịch bản bi quan, thuế quan Mỹ có thể gây ra sự suy giảm mạnh trong đầu tư FDI, giảm thu nhập của người dân và làm giảm nhu cầu tiêu dùng, từ đó tạo ra áp lực lớn đối với thị trường BĐS, đặc biệt là trong các phân khúc cao cấp và công nghiệp.
Trong kịch bản lạc quan, Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng những cải cách sâu rộng và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để duy trì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. Dòng kiều hối ổn định và các chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội sẽ là động lực chính giúp thị trường BĐS duy trì sự ổn định trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Kịch bản trung tính dự đoán sự tăng trưởng ổn định, nhưng chậm lại. Mặc dù thị trường BĐS sẽ gặp một số khó khăn, các phân khúc nhà ở xã hội và cơ sở hạ tầng sẽ tiếp tục duy trì ổn định nhờ vào các chính sách của Chính phủ. Các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội phát triển các dự án thay thế đầu tư FDI.
“Dù có những thách thức, nhưng với sự chuẩn bị từ Chính phủ và khả năng tự cung tự cấp của nền kinh tế, Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì sự ổn định và phát triển trong thời gian tới”, TS Trần Xuân Lượng bày tỏ tin tưởng.
Hải Ninh