Chiều 31/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đã có trao đổi bên hành lang Quốc hội về Dự thảo Luật này.
|
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về Luật BHYT(sửa đổi). Ảnh: Mai Loan. |
Nhiều điểm mới thuận lợi cho người dân
Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) lần này có ý nghĩa thế nào đối với người dân, thưa bà?
Tỷ lệ BHYT đã được bao phủ 93,35% trên địa bàn toàn quốc. Riêng với một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, tỷ lệ BHYT bao phủ khoảng 94,5%. Điều đó cho thấy, người dân đến các cơ sở khám, chữa bệnh đã phần lớn sử dụng BHYT.
Việc sửa đổi Luật BHYT có ý nghĩa rất quan trọng. Luật đã hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc khám chữa bệnh BHYT cũng như cho các cơ sở khám, chữa bệnh tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Đây là những mục tiêu, chính sách rất quan trọng đã được đề ra trong nhóm chính sách xây dựng Luật BHYT sửa đổi.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận và sẽ thực hiện bấm nút thông qua Luật BHYT, tôi rất hy vọng, Luật BHYT sẽ được thông qua.
Đâu là những điểm mới trong Luật BHYT (sửa đổi) giúp tăng quyền lợi của người dân, thưa đại biểu?
Luật BHYT (sửa đổi) đã có những nội dung rất mới, như tăng quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia BHYT, hay là thanh toán chi phí về thuốc, vật tư trong việc điều chuyển thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với nhau. Hoặc là việc tăng chi phí dự toán, thanh toán BHYT cho người dân. Đây là những nội dung rất quan trọng và tạo điều kiện cho người dân được khám, chữa bệnh tại các cấp phù hợp với tình trạng bệnh tật của mình.
Dự thảo Luật cũng đã có quy định đối với khám chữa bệnh ban đầu để phù hợp với Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới được Quốc hội thông qua 1/1/2023. Tôi cho rằng, đây là những nội dung rất quan trọng của Luật BHYT (sửa đổi) lần này.
Cần có quy định rõ hơn về thông tuyến khám, chữa bệnh
Theo bà, những nội dung, quy định nào cần được quan tâm, làm rõ hơn, để khi Luật được thông qua thì có thể áp dụng ngay vào thực tiễn?
Chúng tôi kỳ vọng, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục quan tâm tới những nội dung để làm rõ hơn việc phải đưa vào mức thanh toán BHYT với những dịch vụ khám sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh về ung thư, về máu. Hoặc quy định về việc thông tuyến, bệnh nhân có thể tự đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở các cấp khám bệnh, chữa bệnh cao hơn ban đầu trong trường hợp mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo.
Đồng thời, Ban soạn thảo cũng cần quy định làm rõ hơn những nội dung liên quan đến việc thanh toán những chi phí về thuốc, trang thiết bị y tế khi mà điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo tính khả thi cũng như trong quá trình thực hiện tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Luật BHYT sửa đổi lần này đã tạo những điều kiện rất thuận lợi cho người dân. Theo đó, người dân có thể khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp diễn biến tình hình bệnh tật của mình. Chúng tôi cũng cần Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. Phạm vi được hưởng này rất quan trọng, bảo đảm mức đóng giống nhau thì mức hưởng phải được bình đẳng và minh bạch.
Chúng tôi cũng hy vọng, ngoài việc người dân được hưởng khi thực hiện khám, chữa bệnh thì có những tổ chức hành nghề người dân cần được thụ hưởng như khám chữa bệnh từ xa hay khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình đều được bảo hiểm y tế thanh toán. Hoặc những trường hợp bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu, được vận chuyển cấp cứu cũng được BHYT thanh toán.
Hay những trường hợp người dân đi khám sàng lọc dự phòng cũng được BHYT thanh toán. Một số nước đã tổ chức thực hiện mô hình này. Nếu chúng ta thực hiện sàng lọc, dự phòng tốt cho người dân thì sẽ giảm chi phí cho các bệnh viện tuyến trên cũng như giảm chi phí y tế cho xã hội. Đây là những mục tiêu cần hướng tới và những nội dung cần đưa ra tại Luật BHYT (sửa đổi).
Ngoài ra, để thuận lợi cho người dân hơn nữa, Luật BHYT sửa đổi cũng cần quy định rõ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các cấp khám bệnh, chữa bệnh, từ đó, các cơ sở này sẵn sàng đón tiếp người dân và người dân sẽ biết mình sẽ khám bệnh ở đâu, ở cấp nào. Đây là những nội dung tạo rất nhiều thuận lợi cho người dân.
Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Điều hành phiên thảo luận chiều nay, 31/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, cùng với sự phát triển xã hội, quá trình tổ chức thi hành Luật BHYT phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập đã được Chính phủ nhận diện đầy đủ trong Báo cáo tổng kết thi hành luật, về nguyên tắc để giải quyết căn cơ những vướng mắc, bất cập này, phải sửa đổi toàn diện Luật BHYT. Đây là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội phân tích trong thảo luận tổ. Tuy nhiên, vì lý do khách quan để tạo sự thống nhất, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực về cấp khám chữa bệnh quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và tháo gỡ ngay một số vướng mắc, khó khăn lớn trong thực tiễn, tạo điều kiện cho Nhân dân, nhất là những người mắc bệnh nặng, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Mời quý độc giả xem video Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội về Luật BHYT(sửa đổi) Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan