Theo các nghiên cứu gần đây cho thấy 90% trẻ xuất huyết não thường xảy ra vào lúc 30 - 40 ngày tuổi, mà nguyên nhân là do thiếu vitamin K. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Nguyên nhân gây thiếu vitamin K ở trẻ
Có 2 loại vitamin K dạng tự nhiên
Vitamin K1: Có nhiều trong các loại rau xanh (cải, bông cải…), dầu thực vật (dầu đậu nành), trái cây (bơ, kiwi, nho…). Tuy nhiên, chỉ 5 - 10% lượng vitamin K1 được hấp thu ở đường tiêu hóa từ nguồn thực phẩm. Vitamin K1 giữ vai trò hoạt hóa yếu tố đông máu ở gan.
Vitamin K2: Được tạo ra bởi các loại vi khuẩn có ích ở trong ruột. Tăng cường chức năng của tế bào nội mô mạch máu, chống xơ vữa động mạch, chống tắc nghẽn mạch, tránh nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực.
Nguyên nhân gây thiếu vitamin K ở trẻ nhỏ có nhiều, trong đó do nguồn cung cấp từ chế độ ăn thiếu vitamin K. Trẻ sơ sinh không có dự trữ đủ vitamin K, vì lượng vitamin K chuyển từ mẹ qua rau thai sang thai nhi rất ít, lượng vitamin K có trong sữa mẹ chỉ từ 2 - 15 microgam/ lít. Trẻ bú mẹ, nhất là trẻ sinh non có tỷ lệ xuất huyết do thiếu vitamin K nhiều hơn. Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ của người ăn uống kiêng khem cũng dễ bị thiếu vitamin K, một chế độ ăn không hợp lý, thiếu thành phần dinh dưỡng giàu vitamin K cũng là một nguyên nhân.
Vitamin K được tổng hợp nhiều từ vi khuẩn đường ruột, trẻ sơ sinh vi khuẩn của đường ruột chưa đầy đủ và trẻ nhỏ sử dụng nhiều kháng sinh phổ rộng cũng là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin K nội sinh.
Vitamin K được hấp thu ở đường ruột, các tình trạng kém hấp thu, tiêu chảy kéo dài, tắc mật, xơ hóa nang tụy, bệnh chảy máu đường tiêu hóa... đều làm giảm hấp thu vitamin K.
Mẹ dùng một số thuốc có tác dụng kháng đông và chống co giật như phenytoin, primidon, phenobarbital có thể gây giảm protheomnin máu và giảm các yếu tố đông máu VII, IX, và X ở huyết tương của trẻ sơ sinh.
|
Thiếu vitamin K nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
|
Thiếu vitamin K ở trẻ sẽ gây hệ lụy gì?
Theo nghiên cứu có đến 90% trẻ xuất huyết não do thiếu vitamin K thường xảy ra vào lúc 30 - 40 ngày tuổi, mà nguyên nhân là do thiếu vitamin K. Các trẻ bị xuất huyết não dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn còn cao (tỉ lệ tử vong là 25 - 40%, di chứng là 40 - 50%). Các di chứng hay gặp nhất gồm có: Teo não, não úng thủy, não bé, động kinh, bại não hoặc dị tật về phát triển tâm thần vận động.
Khoảng 50% trẻ sơ sinh lúc 5 ngày tuổi có thiếu vitamin K qua phát hiện xét nghiệm thời gian prothrombin kéo dài.
Tùy theo từng nguyên nhân gây thiếu vitamin K có thể dẫn đến những biểu hiện lâm sàng khác nhau như:
Bệnh xuất huyết sớm ở trẻ sơ sinh (0 - 24 giờ tuổi): Xuất huyết phổi, xuất huyết nội sọ, xuất huyết tiêu hóa.
Bệnh xuất huyết sơ sinh kinh điển (1 - 7 ngày tuổi): Xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết dưới da…
Bệnh xuất huyết muộn (ở trẻ nhỏ 7 ngày - 3 tháng, kinh điển là 30 - 45 ngày, có thể muộn hơn đến 12 tháng); Xuất huyết nội sọ, xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa…
Chẩn đoán và điều trị thiếu vitamin K
Nếu trẻ có các biểu hiện lâm sàng như: Trẻ sơ sinh có thể bỏ bú, tình trạng lơ mơ hoặc kích thích, khóc thét, co giật, có thể có xuất huyết dưới da, chảy máu rốn, da xanh, nhợt nhạt, thóp phồng… Các bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm đông máu. Từ đó xác định chẩn đoán thiếu vitamin K.
Tùy từng trường hợp các bác sĩ sẽ chỉ định thích hợp, trong đó có thể là tiêm vitamin K trong những trường hợp trẻ có thiếu vitamin K đơn thuần.
Truyền huyết tương tươi đông lạnh trong những trường hợp nặng hoặc trẻ cần phẫu thuật mà có rối loạn đông máu do thiếu vitamin K.
Lời khuyên dành cho cha mẹ
Để dự phòng thiếu hụt vitamin K cho trẻ, trong thời gian mang thai và cho con bú, bà mẹ nên được ăn uống đầy đủ: Thịt, cá, tôm, cua, ốc, ếch, hoa quả, rau xanh các loại… Đối với trẻ trong giai đoạn ăn dặm cũng cần có chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, giàu vitamin K.
Tóm lại: Bệnh xuất huyết do thiếu vitamin K phổ biến ở trẻ sơ sinh và có thể gây hậu quả nghiêm trọng như xuất huyết não. Các trẻ bị xuất huyết não dù được điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong hoặc để lại di chứng vẫn còn cao (tỉ lệ tử vong là 25 - 40%, di chứng là 40 - 50%). Vì vậy, ngay sau khi sinh trẻ thường được dự phòng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh theo đúng Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành tại Quyết định số 4128/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ Y tế.
Khuyến cáo thực hành tốt nhất là tất cả trẻ sơ sinh nhận được một liều vitamin K tiêm bắp thường quy trong vòng 6 giờ đầu sau khi sinh với liều lượng như sau:
Đối với trẻ > 1.500 gram: Tiêm bắp 1 mg vitamin K1.
Đối với trẻ ≤ 1.500 gram: Tiêm bắp 0,5 mg vitamin K1.
Trong quá trình nuôi và chăm sóc trẻ, nếu thấy trẻ có biểu hiện nghi ngờ thiếu vitamin K, gia đình không được tự ý bổ sung vitamin K cho trẻ, mà cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Theo BS Nguyễn Thị Bích / Sức khỏe & Đời sống