Tại nước ta, chưa có số liệu thống kê chính thức, song ước tính có khoảng 5 triệu người bị bệnh thận và mỗi năm có thêm khoảng gần 10 nghìn ca suy thận, cùng với gần 1 triệu người suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu.
Suy thận có 2 loại: Suy thận cấp và suy thận mạn, trong chuyên môn hay gọi là tổn thương thận cấp và bệnh thận mạn.
Suy thận cấp là sự suy giảm nhanh chức năng thận trong vài ngày đến vài tuần. Sau điều trị có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận.
Còn suy thận mạn, đó là một quá trình tiến triển dài và không phục hồi. Mục tiêu điều trị nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý tại thận, bệnh lý ở cầu thận chiếm 40%, gồm:
Viêm cầu thận cấp, hội chứng thận hư, viêm cầu thận mạn, viêm cầu thận do các bệnh hệ thống.
Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là hai nguyên nhân làm tổn thương thận gây suy thận mạn tính.
Bệnh ống kẽ thận mạn do nguyên nhân nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn.
Người bệnh bị nhiễm độc trong thời gian kéo dài hoặc một số thuốc sử dụng để chữa trị các rối loạn bệnh lý cũng có thể làm tổn thương thận, dẫn đến suy thận mạn.
Bên cạnh đó, việc nhịn tiểu (phụ nữ hay nhịn hơn nam) cộng với cấu tạo giải phẫu của phụ nữ, cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu. Ngoài ra, người bị tiểu đường, người suy thận, người phải chạy thận cũng dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn người bình thường.
Thói quen ăn mặn, ăn nhiều mì chính, lối sống thiếu khoa học, như khi biết bị bệnh nhưng không điều trị, điều trị nhưng không tuân thủ chỉ định của bác sĩ… làm bệnh tiến triển nhanh.
 |
Tháp chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy thận mạn/Ảnh Bệnh viện Bạch Mai |
Bệnh nhân suy thận mạn có các hội chứng chuyển hóa gây ảnh hướng đến tình trạng dinh dưỡng như suy dinh dưỡng do thiếu protein - năng lượng, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa canxi, magie, phospho... Ngược lại, chế độ ăn phù hợp giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân, qua đó nâng cao hiệu quả của các biện pháp điều trị, giúp bệnh nhân có tiên lượng bệnh tốt hơn.
ThS.BS Nguyễn Thị An Thuỷ - Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra sáu nguyên tắc mà người bệnh suy thận mạn cần tuân thủ.
Nguyên tắc 1: Đảm bảo đủ năng lượng. Người bệnh cần nạp 35-45 kcal/kg/ngày để phòng ngừa suy dinh dưỡng. Do thường gặp tình trạng chán ăn, nên ưu tiên thực phẩm giàu năng lượng nhưng ít đạm như khoai lang, miến dong.
Nguyên tắc 2: Kiểm soát lượng đạm. Chỉ nên nạp 0.8g protein/kg/ngày, ưu tiên đạm chất lượng cao từ trứng, sữa và cá. Điều này giúp giảm gánh nặng cho thận trong việc đào thải các sản phẩm chuyển hóa từ protein.
Nguyên tắc 3: Hạn chế muối. Lượng natri tiêu thụ nên dưới 2g/ngày, tránh đồ hộp và thức ăn mặn để giảm phù và kiểm soát huyết áp cao.
Nguyên tắc 4: Kiểm soát kali. Cần tránh rau xanh đậm, trái cây khô, đậu đỗ vì thận suy không thể lọc được kali dư thừa, dễ gây loạn nhịp tim nguy hiểm.
Nguyên tắc 5: Giảm phốt pho. Hạn chế thịt đỏ, lòng đỏ trứng, hạt sen khô để phòng ngừa loãng xương.
Nguyên tắc 6: Cân bằng nước. Lượng nước tiêu thụ cần được điều chỉnh tùy theo giai đoạn bệnh, mức độ phù và lượng nước tiểu. Nhu cầu nước trung bình trong ngày đối với bệnh nhân suy thận bằng tổng lượng nước tiểu, lượng dịch mất đi do nôn, ói và thêm khoảng 300-500ml.
Bình Nguyên