Ẩm thực Việt Nam được đánh giá là một trong những nền ẩm thực lành mạnh trên thế giới với sự cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng, khẩu phần nhiều rau xanh và chất xơ. Tuy nhiên, thói quen nêm nếm gia vị đậm đà vẫn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ suy giảm sức khỏe cho người dân.
Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2015 trên toàn quốc, trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4 gam muối/ngày. Con số này vượt xa ngưỡng khuyến nghị của WHO là 5 gam muối/ngày, tức trung bình đa số người Việt đang ăn mặn gấp đôi so với khuyến cáo.
Lợi ích của thói quen ăn uống giảm mặn
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, ăn mặn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của nhiều bệnh mạn tính. Với chế độ ăn mặn hiện tại, người Việt có nguy cơ đối mặt những hệ lụy xấu về sức khoẻ. Trong đó, tim mạch là cơ quan có thể chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất. Do đó, nếu duy trì thói quen giảm mặn thì lợi ích đầu tiên có thể nhắc đến chính là giảm nguy cơ các bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, và đột quỵ.
Giảm mặn trong khẩu phần cũng giúp chúng ta hạn chế mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa như sức khỏe đường ruột kém, ợ nóng, loét dạ dày tá tràng, bệnh suy thận cũng như gây hại cho hệ xương khớp.
Ăn mặn dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe thể chất. Ảnh: Shutterstock.
Để bắt đầu xây dựng lối sống lành mạnh hơn cho sức khỏe, mỗi người cần hiểu rõ giá trị dinh dưỡng của các loại thực phẩm nạp vào cơ thể hàng ngày. Trong đó, giảm mặn không chỉ là giảm lượng muối tinh, mà bao gồm muối trong tất cả loại gia vị sử dụng trong chế biến hoặc thực phẩm chứa nhiều natri trong khẩu phần. Bên cạnh hạn chế các thực phẩm chứa nhiều muối, việc thay đổi thói quen nêm nếm trong bữa ăn hàng ngày là phương pháp đơn giản mà hữu hiệu giúp gia đình bạn giảm lượng muối tiêu thụ, duy trì sức khỏe tốt.
Giảm mặn một chút, khỏe thêm nhiều chút
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mỗi người trưởng thành nên tiêu thụ dưới 2.000 mg natri mỗi ngày, tương đương với 5 gam muối (một thìa cà phê đầy muối). Với những mẹo nội trợ dưới đây, bạn sẽ dễ dàng thực hiện thông điệp “Cho bớt muối - Chấm nhẹ tay - Giảm ngay đồ mặn” của Bộ Y tế mà vẫn đảm bảo bữa cơm nhà ngon tròn vị:
- Nêm nếm giảm mặn: Theo Cục Y Tế dự phòng, hầu hết lượng natri nạp vào hàng ngày của người Việt là từ gia vị thêm vào trong khi nấu ăn. Để bắt đầu giảm mặn, bạn nên ghi nhận lượng muối mà gia đình đang tiêu thụ, từ đó giảm dần định lượng trong khi nêm nếm về mức khuyến cáo của WHO. Trong quá trình nấu, nếm thử thức ăn trước khi thêm gia vị cũng là cách để điều tiết lượng muối thêm vào.
Một gợi ý khác để bạn gia tăng hương vị cho món ăn trong quá trình giảm mặn là tận dụng vị tự nhiên từ thực phẩm. Bạn có thể sử dụng các loại sấu, me, khế tạo độ chua; ớt, tiêu, hoa hồi cho vị cay; mía, thơm tạo độ ngọt; khổ qua, trà xanh, vỏ cam quýt tạo vị đắng; thịt tươi, xương hầm cho vị mặn tự nhiên hay các loại gia vị, thảo mộc tự nhiên như quế, gừng để kích thích vị giác.
Tận dụng hương vị tự nhiên trong thực phẩm để gia tăng vị ngon, giảm dùng gia vị. Ảnh: Unsplash.
Với các gia đình không có nhiều thời gian, những gói gia vị “tất cả trong một” như Knorr cũng là giải pháp. Theo công bố của hãng, hạt nêm Knorr chỉ chứa 46% muối trong công thức, cùng vị ngọt chiết xuất từ xương ống, thịt thăn giúp món ăn mặn vừa phải nhưng vẫn tròn vị ngon. Bao bì mỗi sản phẩm hướng dẫn định lượng nêm nếm phù hợp để người dùng kiếm soát lượng muối theo khuyến nghị.
- Pha chén chấm vừa phải, chấm nhẹ tay: Bát gia vị chấm là một phần không thể thiếu trên mâm cơm người Việt. Tuy nhiên, bạn nên pha loãng, hoặc thêm vào chén gia vị các thành phần khác như chanh, giấm, tỏi ớt để giảm bớt vị mặn, đồng thời giúp hương vị hài hòa hơn. Bên cạnh đó, Cục Y tế Dự phòng cũng gợi ý người dân chấm nhẹ tay để giảm lượng muối tiêu thụ.
- Hạn chế đồ nhiều muối: Hạn chế sử dụng thực phẩm mặn chế biến sẵn. Thay vào đó, bạn nên tăng cường các loại thực phẩm chứa hàm lượng muối thấp trong thực đơn như đồ tươi sống, rau xanh nhiều chất xơ hay trái cây để bổ sung đầy đủ các nhóm chất, đảm bảo dinh dưỡng toàn diện cho gia đình.
Chế độ ăn với lượng muối phù hợp sẽ cung cấp vừa đủ lượng natri mà cơ thể cần. Việc giảm mặn tuy khó nhưng cần thiết khi xét đến lợi ích về sức khỏe. Bạn cần lưu ý hạn chế lượng muối tiêu thụ ngay từ chính thói quen ăn uống, nêm nếm hàng ngày, đồng thời dù sử dụng loại gia vị nào cũng cần đúng hàm lượng khuyến nghị để bắt đầu hành trình ăn khỏe, sống vui cho cả gia đình.
Theo PV/Tạp chí Du lịch TP.HCM