Món ăn, bài thuốc đơn giản phòng tránh cảm cúm

Google News

Cảm cúm là nhóm bệnh truyền nhiễm phát sinh ở cả bốn mùa trong năm nhưng thường gặp nhiều hơn vào hai mùa đông và xuân.

Đông y cho rằng, để phòng tránh cảm mạo, bao gồm cả cảm thông thường và cảm mạo dịch (còn gọi là cảm cúm, bệnh cúm...) cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp khác nhau.
Bài thuốc từ đồ ăn, thức uống
Cần chú ý ăn uống điều độ, cân bằng, đủ chất và đảm bảo vệ sinh. Không ăn nhiều đồ sống lạnh, không lạm dụng kem và nước đá. Không để lâm vào tình trạng quá đói hoặc rối loạn tiêu hoá. Tuỳ theo điều kiện thời tiết và thể chất mà sử dụng các loại rau quả, thực phẩm có tác dụng phòng ngừa bệnh như: tía tô, kinh giới, hương nhu, gừng tươi, hành, tỏi, bạc hà, rau thơm, rau húng…
Ngoài ra, có thể sử dụng một số món ăn - bài thuốc sau đây:
Mã thầy 40g, rửa sạch, bỏ vỏ và thái mỏng, lê 30g, rửa sạch, bỏ hạt và thái mỏng, gừng tươi 30g. Tất cả sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày.
Tỏi không hạn chế số lượng, thường xuyên ăn hàng ngày hoặc ít nhất mỗi ngày ăn 2 tép tỏi.
Tỏi 100g, gừng tươi 100g, dấm 500 ml. Gừng tươi rửa sạch thái mỏng, tỏi tách nhánh bỏ vỏ, cho cả hai thứ vào ngâm với dấm trong 30 ngày. Mỗi ngày, sau khi ăn uống 10ml dấm thuốc, hoặc ăn gừng và tỏi cùng với các món ăn với lượng vừa phải.
Lá trà tươi 10g, gừng tươi bỏ vỏ 10 lát, hai thứ đem sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày.
Hành tăm cả rễ hoặc hành ăn 20g, gừng tươi 10g, gạo nếp 50g (hoặc gạo tẻ thay thế). Hành và gừng rửa sạch, giã nhỏ để sẵn. Đem gạo nếp ninh thành cháo, khi được bỏ hành và gừng vào quấy đều, múc ra một bát. Ăn lúc đang nóng, ăn xong trùm chăn nằm cho vã mồ hôi, khi mồ hôi ra đều thì bỏ chăn ra, lau khô thân mình, hết sức tránh gió.
Bạc hà tươi 30g (nếu khô dùng 10g), gạo tẻ 60g, đường phèn vừa đủ. Đem bạc hà sắc trong 5 phút, bỏ bã lấy nước, cho gạo vào nồi ninh thành cháo, khi chín đổ nước sắc bạc hà vào, đun một lát là được, chế thêm đường phèn, chia ăn 2 lần trong ngày, ăn nóng.
Đậu xanh 50g, gạo tẻ 100g, đường phèn lượng vừa đủ. Đem đậu xanh và gạo ninh thành cháo, chế thêm đường, chia ăn vài lần trong ngày.
Gừng tươi bỏ vỏ 50g, trứng vịt 2 quả, rượu trắng 20 ml. Gừng thái chỉ, đem đun sôi với 200ml nước, tiếp đó đập trứng vịt vào, quấy đều, bỏ rượu và chế thêm gia vị vừa đủ, ăn nóng.
Mon an, bai thuoc don gian phong tranh cam cum
 Cháo đậu xanh rất tốt để phòng ngừa và phục hồi cảm cúm - Ảnh minh họa
Lạc quan, mặc ấm... để hàn tà không xâm nhập
Theo Đông y, nguyên nhân gây nên cảm mạo thường có hai yếu tố: Chính khí (sức đề kháng) của cơ thể giảm sút; Các tà khí (mầm bệnh) như phong, hàn, thấp, thử, nhiệt xâm nhập vào cơ thể. Trong đó, vai trò của chính khí là rất quan trọng.
Bởi vậy, với quan điểm "chính khí tồn nội, tà bất khả can” (cơ thể có đủ sức đề kháng thì mầm bệnh không thể xâm nhập gây bệnh), đông y cho rằng, để phòng tránh cảm mạo một cách hữu hiệu cần phải thực hành đồng thời nhiều biện pháp.
Cụ thể, về sinh hoạt cần chú ý giữ cho đời sống tinh thần, tình cảm luôn cân bằng, lạc quan và thư thái.
Giữ nếp sinh hoạt hàng ngày điều độ, tránh làm việc quá sức, chú ý đảm bảo giấc ngủ, giữ gìn môi trường sống và vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Thuận theo sự biến đổi của khí hậu, thời tiết mà thay đổi nếp sinh hoạt cho phù hợp nhằm tăng cường khả năng thích ứng của cơ thể đối với môi trường tự nhiên.
Chú ý mặc ấm, giữ ấm vùng hầu họng, nhất là khi thời tiết thay đổi và trong lúc ngủ vào ban đêm. Nếu dùng điều hoà nên để ở nhiệt độ vừa phải. Nơi ở nên thông thoáng, tiếp xúc được nhiều với ánh sáng mặt trời.
Để chủ động phòng tránh được tà khí xâm nhập và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, có thể dùng 5ml dấm chua và 15g bạc hà cho vào nồi không đậy nắp, đóng hết các cửa rồi đun lên để xông, làm liên tục 3 ngày để ngăn ngừa dịch cảm cúm. Hoặc có thể dùng các loại tinh dầu hương nhu, bạc hà, ngải cứu, thương truật, long não... phun xịt xông phòng để tiêu độc.
Thường xuyên ra ngoài hoạt động, không nên suốt ngày ở trong phòng kín có máy lạnh. Tuỳ theo tuổi tác và thể chất mà lựa chọn các phương pháp tập luyện thể dục thể thao, khí công dưỡng sinh, tự xoa bóp và day bấm huyệt...
Để phòng ngừa cảm mạo có hiệu quả nên tập thở theo phương pháp dưỡng sinh cổ truyền: Chọn tư thế ngồi hoặc nằm, lưỡi uốn chạm nhẹ vào hàm ếch, thả lỏng toàn thân tuần tự từ đầu, gáy, thân, tay, chân...
Tập trung ý nghĩ vào huyệt Đan điền (vùng dưới rốn). Tiếp đó, thở sâu bằng bụng theo nguyên tắc "sâu, dài, đều đặn và nhẹ nhàng", có nghĩa là khi hít vào thì bụng phình lên, khi thở ra thì bụng hóp lại. Thở ra bằng miệng, hít vào bằng mũi.
Thời gian thở ra dài bằng 1 - 2 lần thời gian hít vào. Làm đều đặn mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Khi mới tập mỗi lần làm 10 biến, sau đó tăng dần lên tùy theo tình trạng cụ thể của mỗi người.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện TƯQĐ 108)
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn