Sản phụ tố Bệnh viện C: Thai 25 tuần sinh non… nuôi dưỡng tốt?

Google News

Trẻ sinh non có tuần tuổi thai càng thấp nguy cơ gặp biến chứng và tỷ lệ tử vong càng cao. Đối với các trường hợp sinh non trước 32 tuần tuổi, cả mẹ và bé đều có nguy cơ đối diện rủi ro.

Thông tin về việc sản phụ Q.A (Bắc Giang) tố bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Trung ương tắc trách, khiến sản phụ gặp nguy hiểm, mất con, đang gây xôn xao dư luận những ngày qua. Bệnh viện nhận định, sản phụ Q.A khi đó mang thai chưa đủ 25 tuần, dọa sinh “cực non”, đau bụng ra máu, kèm theo có rỉ ối, nguy cơ nhiễm khuẩn ối rất cao. Trong trường hợp này, khả năng bảo toàn thai, cứu sống là thách thức rất lớn ngay cả đối với trung tâm y tế hàng đầu thế giới.
San phu to Benh vien C: Thai 25 tuan sinh non… nuoi duong tot?
Ảnh minh họa. 
Thế nào là sinh non và sinh cực non?
Theo BSCKI. Lê Thị Ngọc Dung, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, một hành trình mang thai của mẹ bầu sẽ kéo dài khoảng 40 tuần. Đây là khoảng thời gian cần thiết để thai có thể phát triển hoàn thiện các cơ quan, sẵn sàng bước ra thế giới bên ngoài, sống sót và phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân, trẻ được sinh ra sớm hơn, ở tuổi thai từ khoảng 22 tuần đến trước 37 tuần.
Sinh non muộn: Trẻ được sinh ra từ 34 – 36 tuần 6 ngày tuổi thai.
Sinh non trung bình: Trẻ được sinh ra từ 32 – 33 tuần 6 ngày tuổi thai.
Sinh rất non: Trẻ được sinh ra từ 28 – 31 tuần 6 ngày tuổi thai.
Sinh cực non: Trẻ được sinh trước 28 tuần tuổi thai.
Sinh non khiến cả mẹ và bé đối mặt với nhiều rủi ro nguy hiểm về sức khỏe và tính mạng. Trẻ sinh non có tuần tuổi thai càng thấp, cơ hội sống sót càng nhỏ, nguy cơ tiềm ẩn càng cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi là sinh non. Ước tính, trên thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non, tức trung bình cứ 10 trẻ ra đời sẽ có 1 trẻ sinh non.
Trẻ sinh non 25 tuần có nuôi được không?
Theo BSCKI. Lê Thị Ngọc Dung, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, phần lớn trẻ sinh non 25 tuần tuổi đều có thể nuôi sống khi được chăm sóc y tế tích cực ngay từ những giây phút đầu đời. Tuy nhiên, trẻ vẫn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn do sinh non, có thể chỉ ảnh hưởng khi trẻ còn nhỏ hoặc có thể kéo dài suốt cả cuộc đời.
Vấn đề về phổi: Loạn sản phế quản phổi, tổn thương phổi…
Vấn đề về tim mạch: Còn ống động mạch, huyết áp thấp sau sinh…
Vấn đề về não bộ: Thiếu oxy và thiếu máu não, khuyết tật học tập hoặc vận động, u não, xuất huyết não thất…
Vấn đề về mắt: Giảm thị lực, bệnh lý võng mạc, thậm chí là mù loà…
Nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng ruột.
San phu to Benh vien C: Thai 25 tuan sinh non… nuoi duong tot?-Hinh-2
Ảnh minh họa. 
Xử lý thế nào khi thai dọa sinh non?
Theo BS.CKII Trần Thị Mỹ Phượng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Hùng Vương, cho biết, dọa sinh non sẽ có những triệu chứng như sản phụ đau ở vùng bụng dưới, bụng cảm giác căng lên, đau liên tục, nằm nghỉ ngơi vẫn không hết đau mặc dù trước đó không bị đau lưng hoặc ra máu âm đạo, tiết dịch bất thường (dịch trong như nước hoặc dịch như thạch có lẫn máu)… Khi có những triệu chứng này mẹ bầu nên bình tĩnh đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế gần nhất bằng phương tiện có sẵn, không cần đợi ô tô để đến thăm khám.
Tại các trung tâm có phòng khám Sản phụ khoa sẽ đánh giá, nếu quá nặng sẽ chuyển lên tuyến trên. Khoa học hiện nay đã phát triển, có nhiều phương pháp để ngăn chặn dọa sanh non như bác sĩ điều trị nhiễm trùng, giảm gò tử cung bằng nhiều nhóm thuốc, nếu bệnh lý từ cổ tử cung sẽ đặt vòng nâng hoặc khâu vòng cổ tử cung tùy theo chỉ định.
Theo BS.CKII Hồ Viết Thắng - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Hùng Vương cho biết, dọa sinh non hay chuyển dạ sinh non đôi khi không có dấu hiệu. Có những trường hợp có thể phát hiện nguy cơ sinh non ngay khi chưa có thai, ví dụ có bệnh lý nhân xơ, đa nhân xơ tử cung, tử cung bất thường. Hoặc có thể phát hiện triệu chứng của nguy cơ sinh non khi thai phụ chưa phát hiện, ví dụ từng khoét chóp cổ tử cung. Vì vậy, khi có thai hoặc chuẩn bị có thai chị em phụ nữ nên thăm khám để bác sĩ phát hiện những mẹ bầu nào nằm trong nhóm nguy cơ sinh non để có thể can thiệp trước khi có triệu chứng xảy ra. Nếu đợi đến có triệu chứng mới can thiệp thì đôi khi sẽ trễ.
Giang Thu/ VietnamDaily