Tin tức 24h: Miền Bắc có 3 ngày dưới 2 độ C, khả năng mưa tuyết và băng giá

Google News

Đợt không khí lạnh tăng cường từ đêm mai (7/2) có cường độ rất mạnh khiến nền nhiệt toàn miền giảm sâu, rét buốt bao phủ, vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.

Miền Bắc có 3 ngày dưới 2 độ C, khả năng mưa tuyết và băng giá

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay bộ phận không khí lạnh mạnh đã báo đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng gần sáng và sáng 7/2, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi có gió giật cấp 6.

Khoảng gần sáng và sáng 7/2, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi có gió giật cấp 6.

Mưa tuyết và băng giá có thể xuất hiện vào cao điểm không khí lạnh cuối tuần này.

Đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 10/2. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dòng xiết trong đới gió Tây trên cao nên từ đêm 6/2 đến sáng 8/2, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rải rác; từ ngày 7-9/2, khu vực từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào, cục bộ có nơi mưa to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.

Cơ quan khí tượng nhận định, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với dòng xiết trong đới gió tây trên cao nên từ đêm nay đến ngày 8/2, miền Bắc và Thanh Hóa có mưa rải rác; từ ngày 7 - 9/2, khu vực từ Nghệ An đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào, có nơi mưa to và dông.

Đáng chú ý, từ ngày 7 - 9/2 là thời điểm không khí lạnh ảnh hưởng mạnh nhất, vùng núi cao miền Bắc có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá. Hiện tượng này sẽ ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện đề nghị các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, cần triển khai phương án ứng phó với rét, trong đó đặc biệt tăng cường hướng dẫn việc bảo đảm sức khỏe cho người dân, học sinh tại các trường nội trú, không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người.

Các chuyên gia nhận định, trong tháng 2/2025, không khí lạnh tiếp tục tác động đến thời tiết nước ta với tần suất nhiều hơn so với trung bình nhiều năm, nhất là trong nửa cuối tháng, gây nhiều ngày rét đậm, rét hại ở miền Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An.

Bao giờ Hà Nội công bố môn thứ ba thi vào lớp 10?

Chia sẻ trên VietnamNet, đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, vào cuối tháng 3/2025 đơn vị này sẽ công bố môn thi thứ ba vào lớp 10.

Để các trường THCS thuận lợi trong công tác dạy và học; học sinh chủ động trong học và ôn, ngay từ cuối tháng 8/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa các môn: Toán; Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Tin học, Giáo dục công dân; đồng thời khẳng định đó là căn cứ để xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, vào cuối tháng 3/2025 đơn vị này sẽ công bố môn thi thứ ba vào lớp 10. Ảnh minh họa: TL

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội các trường THCS chỉ đạo tổ chuyên môn nghiên cứu, áp dụng cấu trúc định dạng đề thi phù hợp với từng môn học để học sinh lớp 9 làm quen; tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; khuyến khích xây dựng thư viện số về đề kiểm tra, khảo sát, chia sẻ với các cơ sở giáo dục trên địa bàn để cùng trao đổi, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá.

Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố thông báo về việc lựa chọn môn thi thứ ba trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2025-2026.

Các tỉnh như: TPHCM, Bình Dương, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lâm Đồng, Hải Phòng, Thái Bình, Đồng Nai Quảng Nam, Khánh Hòa, Tiền Giang, Cần Thơ, Hải Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… đã 'chốt' môn thi thứ 3 kỳ thi vào lớp 10 năm học tới là môn tiếng Anh.

Sát ngày Thần Tài, giá vàng có diễn biến lạ

Chiều 6-2, giá vàng thế giới chỉ điều chỉnh giảm nhẹ về quanh 2.863 USD/ounce. Mức giảm chưa tới 10 USD/ounce so với buổi sáng, nhưng thị trường vàng trong nước đã có những động thái lạ khi giá vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn 99,99 đồng loạt lao dốc mạnh.

Công ty SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, Mi Hồng "quay xe" hạ giá vàng miếng SJC về mức thấp hơn cả triệu đồng so với buổi sáng. Theo đó, giá vàng miếng SJC mua vào còn 86,9 triệu đồng/lượng, bán ra 90,1 triệu đồng/lượng, giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với buổi sáng. Mi Hồng bán ra vàng miếng còn 88,7 triệu đồng/lượng.

Biên độ chênh lệch giá mua – bán giãn rộng lên mức kỷ lục, 3,2 triệu đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng nhẫn và vàng trang sức 99,99 các loại cũng giảm mạnh, khi các doanh nghiệp giao dịch mua vào 86,9 triệu đồng/lượng, bán ra 90 triệu đồng/lượng, giảm 600.000 đồng/lượng so với sáng nay.

Đây là diễn biến khá lạ và ngược với xu hướng điều chỉnh tăng trong những ngày qua. Đáng chú ý, những năm trước, thị trường vàng thường giảm trong ngày Thần Tài và tăng mạnh trước ngày Thần Tài, khá lạ so với những năm trước.

Khách mua vàng tại chi nhánh Công ty PNJ ở quận 3, sáng 6-2 (mùng 9 Tết)

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho biết dù giá vàng thế giới vẫn duy trì ở mốc cao, chưa có sự điều chỉnh đáng kể, nhưng giá vàng trong nước đã lao dốc khi lực bán trên thị trường áp đảo. 

"Những người bán vàng là những người đã mua vàng ở vùng giá 83-86 triệu đồng/lượng, nay chốt lời mạnh từ chiều hôm qua tới nay. Trong khi những người mua vàng chủ yếu số lượng ít hơn, để lấy may ngày Thần Tài. Lực cung nhiều hơn khiến giá giảm nhanh" – ông Phương nói.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhu cầu mua vàng tại một số điểm kinh doanh ở TP HCM sáng nay cũng vắng hơn so với những ngày trước.

Tại chi nhánh Công ty PNJ ở quận 3, TP HCM, sáng nay khách chủ yếu tới mua vàng trang sức, vàng nhẫn trơn và các sản phẩm vàng may mắn. Vàng miếng SJC loại 1 lượng được công ty trưng bày chờ khách mua, trong khi vàng miếng loại 1 chỉ, 2 chỉ thì hết hàng.

Giá vàng miếng SJC bất ngờ lao dốc trong chiều nay

Anh Nguyễn Thanh (ngụ quận 1, TP HCM) cho biết vừa mua 2 chỉ vàng nhẫn trơn để lấy may đầu năm. Do mua vàng dịp Thần Tài với mong muốn đem lại may mắn nên anh không quan tâm tới giá vàng.

Theo các chuyên gia, nếu mua vàng để đầu tư dịp Thần Tài thì nên cân nhắc vì giá vàng đang ở vùng đỉnh và khả năng điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng nóng. Còn nếu mua vàng để lấy may mắn với số lượng ít thì không cần lưu tâm về giá.

Vi phạm giao thông giảm mạnh sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168

Phương tiện vi phạm bị CSGT niêm phong.

Giảm gần 3.000 trường hợp không tuân thủ đèn tín hiệu

Ngày 6/2, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 1/1 - 31/1, sau 1 tháng triển khai thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP (viết tắt là Nghị định 168) tình hình trật tự an toàn giao thông đã có những chuyển biến tích cực.

Cụ thể, toàn quốc xảy ra 1.702 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, làm 917 người chết, 1.163 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2024, giảm 26,29% về số vụ, giảm 1,72% về số người chết, giảm 37,71% số người bị thương.

Riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, toàn quốc xảy ra 445 vụ TNGT, làm chết 209 người, bị thương 373 người (so với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, 36,69% số vụ, giảm 37,61% số người chết, giảm 38,34% số người bị thương).

Bên cạnh đó, thống kê từ ngành Y tế cho thấy, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, số ca khám cấp cứu nghi do TNGT giảm 11%, số ca tử vong nghi do TNGT giảm 28,9%, đáng lưu ý là số lượng người bệnh bị tai nạn nặng phải mổ cấp cứu do tai nạn giảm đáng kể.

Không chỉ giảm số vụ tai nạn giao thông, trong 1 tháng qua, số trường hợp vi phạm giao thông cũng giảm rõ rệt. Trong đó, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 327.349 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ chuyên môn 27.820 trường hợp, 28.762 GPLX bị trừ điểm, tạm giữ 1.823 ô tô, 93.766 mô tô. So với thời gian trước liền kề, xử phạt giảm 48.160 trường hợp (giảm 12,8%).

Đáng chú ý, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn 70.426 trường hợp (giảm 10.484 trường hợp), vi phạm tốc độ 73.043 trường hợp (giảm 1.545 trường hợp), người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy 589 trường hợp (giảm 161 trường hợp), vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng 4.531 trường hợp (giảm 3.564 trường hợp), chở quá số người quy định 2.695 trường hợp (giảm 2.299 trường hợp).

Vi phạm phần đường, làn đường 11.572 trường hợp (giảm 5.097 trường hợp), không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông 5.106 trường hợp (giảm 2.957 trường hợp), không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông 276 trường hợp (giảm 127 trường hợp), vi phạm về mũ bảo hiểm 33.193 trường hợp (giảm 10.362 trường hợp)...

CSGT dừng kiểm tra xe hợp đồng ở Hà Nội.

Tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Theo đại diện Cục CSGT, sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có thể thấy rõ ràng nhất là việc xử lý vi phạm đã giảm đáng kể so với thời gian trước liền kề.

“Điều này cho thấy ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân đã được nâng cao, tự giác chấp hành ngay cả khi không có lực lượng CSGT” – đại diện Cục CSGT nói và cho biết, tại các nút giao, người dân đã tuân thủ nghiêm chỉnh hiệu lệnh đèn tín hiệu, xếp hàng trật tự, không còn tình trạng điều khiển phương tiện dừng đỗ chen lấn vào các làn đường, chiều đường…

Từ việc người dân chấp hành các quy định về TTATGT, không còn tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, chỉ xuất hiện cục bộ, sau từ 2 - 3 nhịp đèn tín hiệu có thể lưu thông, khách quốc tế đánh giá cao việc chấp hành của người dân.

Đại diện Cục CSGT cho biết, thời gian tới lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông. Đồng thời việc xử lý vi phạm được thực hiện theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” từ đó tạo lập và hình thành văn hóa tham gia giao thông “văn minh”, “hiện đại” và “an toàn”.

“Đơn vị cũng tham mưu cho Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương rà soát hoàn thiện yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với sự phát triển của tình hình kinh tế, xã hội và tốc độ gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông” – đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.

Mâu thuẫn việc phân chia đất đai, con trai phóng hoả đốt nhà khiến mẹ ruột bị bỏng nặng

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau thông tin, vừa khởi tố, bắt tạm giam Phan Tấn Sơn (45 tuổi, ngụ xã Hòa Thành, TP Cà Mau) để điều tra về hành vi "giết người".

Bị can Sơn chính là người phóng hỏa đốt nhà khiến mẹ ruột bị bỏng nặng.

Mâu thuẫn việc phân chia đất đai, con trai phóng hoả đốt nhà khiến mẹ ruột bị bỏng nặng. Ảnh minh họa

Theo cơ quan công an, vào khoảng 2h30 ngày 30/1 (tức mùng 2 Tết), căn nhà của bà P.M.C. (46 tuổi, ngụ ấp Cái Ngang, xã Hòa Thành, TP Cà Mau) bất ngờ bốc cháy do bị tạt xăng và phóng hỏa từ bên ngoài.

Thời điểm xảy ra vụ cháy, trong nhà có 6 người.

Vụ việc khiến 3 người bị thương gồm: Bà L.K.A. (72 tuổi, mẹ ruột bị can Sơn) bị bỏng nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau, sau đó chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ; Bà P.V.D. (chị ruột bà C.) bị bỏng tay và chân, hiện điều trị tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau và bà C. bị bỏng ở chân.

Vụ cháy cũng làm hư hỏng nhiều tài sản trong nhà.

Qua điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau xác định nghi phạm gây ra vụ phóng hỏa là ông Sơn. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do mâu thuẫn trong việc phân chia đất đai trong gia đình.

Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc.

H.A