3 trẻ trong một gia đình ở Hà Nội mắc cúm A, trong đó 2 trường hợp bị biến chứng nặng phải nhập viện

Google News

Sau khi bị sốt, đau tức ngực nên gia đình đã đưa 3 trẻ đi khám, qua xét nghiệm xác định cả 3 trẻ đều mắc cúm A, trong đó 2 trẻ đã có biến chứng phải nhập viện điều trị.

3 trẻ trong một gia đình đều mắc cúm A, diễn biến nhanh

Theo đó, 3 trường hợp là chị em trong một gia đình, trước khi đến viện trẻ có biểu hiện sốt cao, dùng hạ sốt không đáp ứng, ho khan nhiều, đau tức ngực trái và ra nhiều dịch mũi. Trước đó gia đình đã cho uống hạ sốt nhưng không đáp ứng, các triệu chứng xuất hiện đột ngột nên gia đình đã đưa đến viện thăm khám.

Qua xét nghiệm test nhanh cúm cho kết quả cho thấy, cả 3 trẻ dương tính với cúm A. Trong đó, 2 bé gái có tình trạng nặng hơn, được chỉ định nhập viện do biến chứng viêm phổi, với các bilan viêm tăng cao, bao gồm bạch cầu (BC) tăng và CRP cao. Chụp CT phổi có hình ảnh tổn thương viêm phổi. Riêng bé trai do triệu chứng nhẹ hơn, được kê đơn thuốc điều trị và theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Sau khi nhập viện hai bé gái được điều trị theo phác đồ bao gồm kháng sinh, thuốc hạ sốt, chăm sóc hỗ trợ hô hấp và theo dõi sát tình trạng viêm phổi. Hiện tình trạng sức khỏe của các bé đã ổn định. Hình ảnh chụp CT phổi sau điều trị không còn tổn thương, chức năng hô hấp cải thiện tốt, sức khỏe gần như hồi phục hoàn toàn.

Trẻ nhỏ nguy cơ mắc cúm A và gây biến chứng rất cao, nhất là viêm phổi. Ảnh: BSCC.

ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc - Chuyên khoa Nhi cho biết, cúm A là loại cúm mùa phổ biến nhất, chiếm tới 75% các trường hợp nhiễm cúm ở người. Bệnh lây qua đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi hoặc ho, virus trong cơ thể sẽ phát tán ra ngoài theo tuyến nước bọt với phạm vi lên tới 2m. Người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, hoặc trò chuyện trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

Bác sĩ Ngọc cảnh báo, phần lớn bệnh nhân mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai và những người mắc các bệnh lý nền) có nguy cơ gặp phải các biến chứng như: viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan, thậm chí là sảy thai.

Một trong những điều quan trọng nhất khi đối phó với bệnh dịch do virus cúm là chẩn đoán nhanh chóng và kịp thời. Khi xuất hiện các triệu chứng cấp tính nghi ngờ nhiễm cúm, người bệnh cần đến cơ sở y tế để thăm khám, xác định bệnh và can thiệp điều trị phù hợp. Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến lâm sàng nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm do cúm gây ra”, bác sĩ Ngọc cho hay.

5 điều nhất định phải nhớ để phòng ngừa bệnh cúm A

Bác sĩ Ngọc khuyến cáo, trẻ nhỏ, người có bệnh nền, cao tuổi, suy giảm miễn dịch cần đặc biệt cẩn trọng trước nguy cơ nhiễm cúm. Đồng thời, để phòng bệnh hiệu quả, người dân nên tuân thủ 5 biện pháp quan trọng sau đây:

+ Tiêm phòng: Tiêm vắc-xin cúm hằng năm là cách hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân và gia đình. Vắc-xin giúp cơ thể xây dựng hệ miễn dịch chống lại các chủng virus cúm phổ biến trong năm đó.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất. Ảnh minh họa. 

+ Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, hoặc dung dịch rửa tay có cồn. Tránh chạm vào mặt, đặc biệt là mắt, mũi và miệng.

+ Tránh tiếp xúc với người bệnh: Hạn chế tiếp xúc gần với người đang bị cúm. Nếu bạn bị cúm, hãy ở nhà để tránh lây lan sang người khác.

+ Vệ sinh môi trường sống: Thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, bàn làm việc, điện thoại. Virus cúm có thể sống trên các bề mặt này trong một thời gian dài, do đó việc vệ sinh kỹ càng là rất cần thiết.

+ Tăng cường sức đề kháng: Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc và giảm stress để tăng cường hệ miễn dịch. Một cơ thể khỏe mạnh là cách tốt nhất để chống lại bệnh tật.

LÊ PHƯƠNG.