Nàng dâu hiếu thảo dùng nửa đời người gánh vác 2 thế hệ người thân

Google News

Suốt 36 năm qua, người phụ nữ mạnh mẽ ấy đã âm thầm gánh vác, chăm sóc cho 2 thế hệ người thân, vượt qua bao khó khăn, thử thách.

Giữa khung cảnh thanh bình của thôn La Gia Phản, trấn Long Tuyền, huyện Nghi Lăng, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, khi ánh chiều tà vừa nhuộm vàng những mái nhà, bà Xiong Zhaozhen, người phụ nữ với trái tim nhân hậu, lại tất tả với guồng quay lo toan thường nhật.

"Bí thư Chen à, xin ông giúp một tay, mời bác sĩ gia đình của trạm y tế đến nhà tôi khám sức khỏe cho cha mẹ chồng tôi được không?" Cuộc gọi khẩn cầu bí thư thôn, ông Chen Zhichun vang lên trong không gian tĩnh lặng, mở đầu cho một câu chuyện hiếu thảo lay động lòng người kéo dài suốt 36 năm ròng rã. 

Kim đồng hồ quay ngược về mùa hè oi bức năm 2002, khi chồng bà, ông Tian Guohu đột ngột qua đời. Hung tin này đã khiến cả gia đình bà Xiong chao đảo. Đối diện với nỗi đau mất mát 2 con trai của bố mẹ chồng, đứa con trai nhỏ lại mới chỉ 12 tuổi, người phụ nữ 28 tuổi Xiong Zhaozhen nghiến chặt vạt áo đưa ra một quyết định. Trước những lời mai mối về cuộc hôn nhân mới ở phố thị, Xiong Zhaozhen tuyên bố: "Con sẽ ở lại và người đến với con phải ở rể".

"Cha mẹ đã mất mát quá nhiều, nếu tôi cũng rời đi, họ sẽ sống ra sao?"

Bà Xiong Zhaozhen (thứ nhất bên trái) tận tình chăm sóc 2 cụ già.

Quyết tâm sắt đá ấy đã cảm hóa trái tim người đàn ông hiện tại của bà, ông Li Zibing. Năm 2004, ông mang theo hành trang và cả tấm lòng chân thành bước vào mái nhà đặc biệt này, cùng vợ gánh vác trách nhiệm nặng nề, chăm sóc 6 người lớn tuổi. Hạnh phúc đơm hoa khi họ có thêm một cô con gái ngoan hiền.

Mỗi ngày, khi ánh bình minh còn chưa ló rạng, Li Zibing đã vội vã đến nhà máy rượu làm việc. Mọi việc trong nhà từ lớn đến nhỏ đều do một tay bà Xiong Zhaozhen quán xuyến.

Chiếc đồng hồ trên tường lặng lẽ đếm nhịp thời gian tảo tần của người phụ nữ ấy: 4 giờ sáng thức dậy chuẩn bị bữa ăn cho chồng, 6 giờ đã xong xuôi 2 bữa cho cha mẹ chồng, 7 giờ nhẹ nhàng đỡ cha mẹ dậy, 8 giờ lại tất bật với những công việc làm thuê kiếm thêm thu nhập. Khi hoàng hôn buông xuống, 19 giờ, bà ân cần lau mình cho cha chồng. Thời gian rảnh hiếm hoi, bà lại miệt mài với 200 mẫu vườn quýt trước nhà.

Năm 2019, khi mẹ chồng bà mắc bệnh hiểm nghèo, bà đã không quản ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Bằng tình yêu và sự chăm sóc tận tâm, bà Xiong Zhaozhen đã kéo dài sự sống cho mẹ thêm hơn 400 ngày, vượt xa lời tiên lượng “chỉ còn 3 tháng” của bác sĩ.

Xiong Zhaozhen chăm sóc vườn quýt 200 mẫu trước nhà.

Ký ức về những ngày tháng dịch bệnh căng thẳng vẫn còn in đậm trong tâm trí người hàng xóm Wu Jiazhen: "Năm đó, cha chồng sốt cao đến 40 độ, chồng và con trai đều phải cách ly, bản thân bà ấy cũng ho đến không thở nổi".

Nhưng Xiong Zhaozhen vẫn kiên cường đưa cha đến bệnh viện. Bà tỉ mỉ lau rửa thân thể cho cha mỗi ngày, thay đổi món ăn để cha ngon miệng hơn. Khi bệnh viện không còn giường trống, bà lặng lẽ tựa lưng vào chiếc ghế lạnh lẽo bên giường bệnh suốt đêm, cứ như vậy ròng rã nửa tháng trời.

Dưới bàn tay chăm sóc tận tâm của bà Xiong Zhaozhen, người cha 93 tuổi giờ đây vẫn minh mẫn, khỏe mạnh.

"Tôi hưởng phúc của các con, con dâu đối xử với tôi chẳng khác nào con ruột", ông nói.

Với cha mẹ chồng hiện tại, Xiong Zhaozhen cũng luôn một lòng kính trọng, tranh thủ mọi khoảnh khắc rảnh rỗi cùng chồng mang quà đến thăm nom. Mỗi khi nhắc đến người con dâu hiếu thảo này, hai cụ không ngớt lời ca ngợi, ánh mắt rạng ngời niềm hạnh phúc: "Con trai ta chọn vợ không sai!"

Tổ ấm hiếu thảo ấy giờ đây đã nảy mầm xanh tươi. Người con trai trở về quê hương lập nghiệp, mang trong mình tâm niệm làm tròn chữ hiếu với ông bà như mẹ đã chăm sóc. Cô con gái ngoan ngoãn đỗ đại học và luôn đạt thành tích xuất sắc. Câu chuyện về bà Xiong Zhaozhen đã lan tỏa khắp vùng quê, khơi dậy một phong trào "kính lão yêu trẻ", làm dịu đi những mâu thuẫn trong cộng đồng.

"Nửa đời người, cô ấy đã dùng hành động để chứng minh đạo lý “kính người già như kính cha mẹ mình””, bí thư thôn xúc động nói.

Trên bức tường vôi sờn cũ nhà Xiong Zhaozhen, tấm giấy chứng nhận "Người tốt Hồ Bắc" và bằng khen "Gia đình văn hóa" đã phai màu thời gian, minh chứng cho sức mạnh phi thường của một người phụ nữ nông thôn dùng đôi vai mềm yếu nâng đỡ một tượng đài tinh thần về lòng hiếu thảo và tình thân ái.

Khi ánh chiều tà dần tắt, khói bếp lại nhẹ nhàng bay lên, bà Xiong Zhaozhen ân cần dìu 2 người già ra bàn ăn. Dưới ánh đèn vàng ấm áp, tiếng chén đũa khẽ khàng hòa cùng tiếng cười nói tạo nên một khúc nhạc gia đình bình dị mà sâu lắng.

BẢO BẢO