Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 hằng năm luôn là thời điểm lý tưởng để mọi người tạm gác lại công việc, lên kế hoạch đi du lịch hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời, tận hưởng những khoảnh khắc thư giãn cùng gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, tháng 4-5 cũng là thời điểm giao mùa. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, dịp lễ 30/4-1/5 năm nay, thời tiết có sự phân hóa rõ rệt giữa các vùng miền: miền Bắc có mưa dông, miền Trung và miền Nam nắng nóng gay gắt, độ ẩm cao. Điều này kéo theo các vấn đề sức khỏe như: say nắng, cảm lạnh hay dị ứng da,... Do đó, việc chuẩn bị kỹ lưỡng và nhận biết các nguy cơ sức khỏe là vô cùng quan trọng để đảm bảo chuyến đi chơi lễ trọn vẹn niềm vui.
Những vật bất ly thân khi đi chơi lễ
1. Kem chống nắng
Với nền nhiệt cao, ánh nắng gay gắt và cường độ tia UV mạnh vào dịp 30/4 – 1/5, kem chống nắng là món đồ bắt buộc phải có trong vali du lịch. Dù ở miền Trung nắng nóng kéo dài hay miền Nam oi bức, tia cực tím vẫn có thể gây ra bỏng rát, sạm nám và tăng nguy cơ ung thư da nếu tiếp xúc lâu dài mà không bảo vệ đúng cách. Việc phơi nắng nhiều còn làm tăng nguy cơ sốc nhiệt và viêm da do cháy nắng.

Kem chống nắng là vật bất li thân trong mọi chuyến du lịch. (Ảnh minh họa).
Để phòng tránh, nên dùng kem chống nắng phổ rộng (broad-spectrum), chỉ số SPF từ 30 trở lên, chống được cả UVA và UVB. Khi hoạt động ngoài trời nhiều giờ, bạn cần thoa lại sau mỗi 2–3 tiếng, đặc biệt là sau khi đổ mồ hôi hoặc bơi lội. Không nên chỉ bôi mỗi mặt. Các vùng như: cổ, tai, mu bàn tay cũng rất dễ tổn thương.
Ngoài dạng kem, bạn có thể mang thêm dạng xịt hoặc thỏi để tiện sử dụng lại khi đang di chuyển. Kem chống nắng không chỉ giúp bạn tránh làn da bị đen sạm, bong tróc mà còn giảm nguy cơ phát ban nhiệt, cháy nắng sâu gây sốt. Một lọ kem nhỏ nhưng là "lá chắn sống" bảo vệ bạn khỏi những tác hại vô hình mà thời tiết mang lại.
2. Khẩu trang và nước rửa tay khô
Với thời tiết ẩm ở miền Bắc, nắng nóng kèm mưa dông ở miền Trung và nhiệt độ cao tại miền Nam, môi trường không khí trong dịp nghỉ lễ rất dễ phát sinh các loại vi khuẩn, nấm mốc và bụi mịn. Đây là điều kiện lý tưởng cho các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, viêm họng, viêm xoang, đặc biệt ở những nơi đông người như sân bay, bến xe, chợ đêm hay khu du lịch.
Vì vậy, khẩu trang và nước rửa tay khô là hai món đồ không thể thiếu trong hành trang của bạn. Khẩu trang giúp bảo vệ đường hô hấp khỏi khói bụi, vi khuẩn, và còn hạn chế lây nhiễm bệnh cúm, cảm – những bệnh thường bùng phát trong môi trường ẩm thấp hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột (như ra vào máy lạnh). Nên chọn khẩu trang vải kháng khuẩn, chất liệu thoáng mát để đeo lâu không bị bí bách, nhất là khi trời oi.

Nước rửa tay khổ giúp giữ vệ sinh sau khi tiếp xúc với quá nhiều đồ vật. (Ảnh minh họa).
Bên cạnh đó, nước rửa tay khô giúp tiêu diệt vi khuẩn nhanh chóng khi bạn không có điều kiện rửa tay bằng xà phòng – một việc quan trọng khi dùng bữa, sờ vào tay vịn, cửa thang máy, hay tiền mặt. Với việc suy giảm miễn dịch do thay đổi môi trường, một thói quen vệ sinh nhỏ có thể giúp bạn tránh xa những cơn sốt, cảm cúm hay tiêu chảy trong hành trình.
3. Thuốc và bộ sơ cứu cá nhân
Sự thay đổi về thời tiết, nhiệt độ và thói quen sinh hoạt trong những ngày nghỉ lễ là nguyên nhân phổ biến gây ra rối loạn tiêu hóa, dị ứng, cảm cúm, chuột rút, thậm chí là tụt huyết áp hoặc đau đầu.
Đặc biệt với người có bệnh nền như: cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, nắng nóng và mệt mỏi có thể làm tình trạng chuyển biến nặng. Vì vậy, bộ thuốc và dụng cụ sơ cứu cá nhân cần được chuẩn bị sẵn, gọn gàng và dễ lấy.
Trong đó nên có thuốc hạ sốt, giảm đau, tiêu hóa, chống dị ứng, thuốc cảm, băng cá nhân, thuốc sát trùng, dầu gió và viên chống say tàu xe. Nếu có người trong đoàn đang điều trị bệnh mãn tính, cần mang đủ liều thuốc theo đơn và giấy tờ y tế cần thiết.

Mang theo một hộp y tế mini khi đi chơi xa là điều cần thiết. (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, kem chống côn trùng cắn hoặc thuốc trị dị ứng ngoài da cũng quan trọng, đặc biệt nếu bạn đến nơi có nhiều cây cối, rừng núi hoặc gần sông hồ - những nơi dễ bị côn trùng đốt gây mẩn ngứa, viêm da. Việc xử lý nhanh tại chỗ các tình huống như trầy xước, bỏng nắng, chóng mặt hay tiêu chảy sẽ giúp chuyến đi không bị gián đoạn. Bộ thuốc sơ cứu không chiếm nhiều chỗ, nhưng lại là “bảo hiểm sức khỏe” cần có để bạn tự tin khám phá mọi hành trình.
4. Mũ rộng vành và kính râm
Mũ rộng vành và kính râm vì thế không chỉ là công cụ để “sống ảo” mà thực sự là lớp bảo vệ cần thiết. Mũ rộng vành có thể che nắng cho toàn bộ vùng mặt, gáy, cổ - những vị trí dễ bị cháy nắng và mất nước. Nên chọn mũ nhẹ, thoáng khí, và dễ gấp để tiện mang theo trong balo.
Trong khi đó, mắt là bộ phận rất nhạy cảm với ánh sáng mạnh. Tiếp xúc lâu với tia cực tím có thể gây viêm giác mạc, mỏi mắt, nhức đầu, thậm chí là hư tổn võng mạc lâu dài. Một chiếc kính râm đạt chuẩn có khả năng chống tia UV sẽ giúp bảo vệ mắt khỏi những tổn thương vô hình.
Đặc biệt nếu lái xe máy, ô tô hoặc tham gia hoạt động như đi bộ đường dài, kính râm sẽ giúp mắt dễ chịu, cải thiện tầm nhìn và tránh hiện tượng lóa sáng nguy hiểm. Sự kết hợp giữa kính râm và mũ rộng vành không chỉ bảo vệ sức khỏe mà còn giúp bạn duy trì phong thái thoải mái, tươi tắn suốt cả ngày dài dưới nắng.

Mũ rộng vành và kính râm là lớp bảo vệ cần thiết khi đi ra ngoài.(Ảnh minh họa).
5. Quần áo phù hợp và giày dép thoải mái
Với nhiệt độ ngoài trời cao và độ ẩm thay đổi giữa các vùng miền, mặc sai loại quần áo trong dịp lễ dễ khiến bạn bị mất nước, nổi rôm sảy, viêm da hoặc kiệt sức. Những bộ đồ bó sát, chất vải dày hoặc khó thấm hút mồ hôi sẽ nhanh chóng khiến bạn cảm thấy ngột ngạt, nhất là khi di chuyển ngoài trời hoặc tham gia hoạt động thể chất.
Do đó, nên ưu tiên những bộ trang phục có chất liệu nhẹ, thoáng như: cotton, linen, với thiết kế rộng rãi để cơ thể dễ điều hòa nhiệt. Chọn đúng chất liệu quần áo còn giúp bạn tránh được nấm da và kích ứng.
Về giày dép, nên mang giày thể thao nhẹ, mềm, có đế đàn hồi tốt nếu bạn phải đi bộ hoặc leo núi. Nếu đi biển hoặc nơi có nước, sandal chống trượt sẽ là lựa chọn hợp lý. Việc mang giày không phù hợp có thể dẫn đến đau chân, trượt ngã, thậm chí bong gân nhẹ, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của chuyến đi.
Ngoài ra, đừng quên một bộ đồ dự phòng và dép nhẹ để dùng trong khách sạn hoặc buổi tối nghỉ ngơi. Trang phục phù hợp giúp cơ thể dễ thích nghi với thời tiết, tránh các phản ứng tiêu cực và giữ được sự linh hoạt, thoải mái suốt hành trình.

Trước khi đi, bạn nên tìm hiểu thời tiết và chọn trang phục phù hợp để tiện bề hoạt động. (Ảnh minh họa).
6. Nước uống và viên bù điện giải
Đổ mồ hôi nhiều khi vận động, đi bộ, leo núi hoặc đơn giản là di chuyển giữa trời nắng sẽ làm cơ thể nhanh chóng mất nước và khoáng chất thiết yếu. Tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến kiệt sức, choáng váng, tụt huyết áp, chuột rút hoặc rối loạn điện giải, nhất là ở người lớn tuổi và trẻ em.
Chính vì vậy, trong chuyến đi, bạn cần chuẩn bị đầy đủ nước uống cá nhân, ưu tiên chai nhỏ tiện mang theo, dễ cất vào balo hoặc túi xách. Ngoài nước lọc thông thường, nên mang theo viên bù điện giải hoặc gói bù khoáng để hòa tan khi cảm thấy mệt, mất sức.
Với người dễ bị chuột rút, đau đầu, khô miệng hay tim đập nhanh khi nắng nóng, việc sử dụng đúng lúc viên bù điện giải sẽ giúp bạn duy trì thể lực ổn định và tránh được rủi ro sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang thêm nước trái cây tươi hoặc nước dừa giúp làm mát cơ thể. Hãy nhớ, không nên chờ đến lúc khát mới uống, vì lúc đó cơ thể đã thiếu nước. Uống đều đặn, từng ngụm nhỏ suốt cả ngày là cách tốt nhất để duy trì năng lượng, đặc biệt trong những ngày lễ nắng gắt và oi bức.
AN THANH