Ở nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Kiên Giang hay các tỉnh miền núi phía Bắc có một loại dứa mọc tự nhiên ven các con suối hoặc trong rừng thứ sinh, được gọi là dứa rừng hay dứa dại.
Loài cây này nổi bật bởi khả năng sinh tồn mạnh mẽ trong mọi kiểu khí hậu. Nhờ vào đặc tính đó, dứa dại hiện diện ở khắp nơi trên thế giới, nhất là các quốc gia châu Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka… Mặc dù có ngoại hình tương tự như dứa trồng thông thường, nhưng phần ruột bên trong của dứa dại lại khác biệt hoàn toàn. Các múi dứa xếp chặt thành từng khối, có màu đỏ hoặc trắng tùy từng loại.

Cây dứa dại cao trung bình từ 1-2 mét, lá dài và viền lá có gai nhọn như gai trên mắt quả dứa. Khi còn non, quả có màu xanh đậm; khi chín chuyển sang vàng nhạt, toả mùi thơm dịu như dứa trồng. Các múi dứa có kích thước bằng ngón tay út, liên kết chặt chẽ với nhau, không có khe hở và trọng lượng quả dao động từ 0,8 đến 2 kg – to hơn nhiều so với dứa thông thường.
Dứa dại có vị ngọt, mọng nước, thơm nhưng không chua gắt, rất được người đi rừng ưa chuộng như một thức quà giải khát tự nhiên. Với trẻ em miền núi, đây là loại trái cây gắn bó với tuổi thơ, thay thế cho những món ăn vặt thường thấy. Tuy nhiên, người chưa quen ăn có thể bị ngứa lưỡi nếu ăn tươi trực tiếp.
Ngoài việc ăn sống, dứa dại còn được dùng để chế biến thành dược liệu. Người dân thường phơi khô múi dứa, hoặc dùng quả chín để nấu nước uống thay trà. Nước dứa dại chín có hương thơm nhẹ, vị ngọt thanh, dễ uống và tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, quả dứa cũng được ngâm rượu.

Tại nhiều vùng như huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), mùa thu hoạch dứa dại thường bắt đầu sau Tết Nguyên đán, kéo dài từ tháng 1 đến khoảng tháng 5 âm lịch. Trước kia, loại quả này chỉ mọc hoang và ít người quan tâm, nhưng hiện nay dứa dại đã trở thành sản phẩm được nhiều người tìm mua vì giá trị dược liệu của nó.
Dứa tươi thường được bán sỉ với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Nếu sơ chế kỹ lưỡng, rửa sạch lớp bụi phấn trắng ngoài vỏ, tách từng mắt rồi phơi khô và sao vàng, giá có thể lên đến 100.000 đồng/kg.
Các tác dụng của quả dứa dại đối với sức khỏe
Hỗ trợ tim mạch
Quả dứa dại chứa hàm lượng chất xơ dồi dào, có vai trò tích cực trong việc cải thiện tuần hoàn máu và bảo vệ sức khỏe tim mạch. Việc tiêu thụ đủ chất xơ, đặc biệt từ các loại trái cây, đã được chứng minh là có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu công bố năm 2013 cho thấy rằng bổ sung chất xơ từ trái cây giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, qua đó khuyến khích việc đưa thực phẩm giàu chất xơ như dứa dại vào chế độ ăn hàng ngày.
Tăng cường năng lượng
Dứa dại là nguồn dinh dưỡng lý tưởng giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động hiệu quả. Với hàm lượng vitamin cao, loại quả này góp phần làm tinh thần phấn chấn, tăng mức năng lượng tự nhiên. Một ly nước ép dứa dại kết hợp với nước dừa vào buổi sáng là lựa chọn tốt để khởi đầu một ngày đầy năng lượng.

Cải thiện hệ tiêu hóa
Giống như nhiều loại trái cây khác, dứa dại giàu chất xơ, có lợi cho hệ tiêu hóa. Chất xơ hỗ trợ hoạt động của đường ruột, giúp phòng ngừa và điều trị các vấn đề như táo bón, đầy hơi, chướng bụng hay tiêu chảy. Việc bổ sung đủ chất xơ còn có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như ung thư đại trực tràng.
Giảm đau bụng kinh
Trong y học dân gian, dứa dại thường được sử dụng để làm dịu các cơn đau bụng kinh. Nhiều phụ nữ tin rằng loại quả này giúp giảm bớt sự khó chịu trong những ngày hành kinh.
Giúp thư giãn và giảm căng thẳng
Theo quan niệm truyền thống của người dân Hawaii, dứa dại không chỉ có lợi về mặt thể chất mà còn mang lại tác dụng tích cực đối với tinh thần. Loại quả này thường được sử dụng như một phương pháp tự nhiên để thư giãn, xoa dịu tinh thần, giảm lo âu và căng thẳng sau một ngày dài.
Lưu ý
Mặc dù dứa dại được biết đến với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, song việc sử dụng nó không nên tùy tiện. Cần có sự tư vấn từ bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa những rủi ro có thể phát sinh. Để đảm bảo an toàn khi dùng loại dược liệu này, bạn cần lưu ý một số vấn đề quan trọng sau:
- Tính chất hàn có mặt ở hầu hết các bộ phận của cây dứa dại, vì vậy không thích hợp với người có cơ địa tỳ vị hư hàn.
- Lớp phấn trắng bao quanh quả dứa dại có chứa độc, nếu không sơ chế kỹ càng, có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc, nặng hơn là gây tổn thương thận. Trước khi dùng, phải rửa sạch kỹ nguyên liệu để loại bỏ hết độc tố còn sót lại.
- Phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi thuộc nhóm không nên sử dụng dứa dại.
H.A