"Lộc trời" xuất hiện trong hang đá ở Quảng Nam, xưa không ai biết nay thành đặc sản lạ, dân rọi đèn pin bắt về bán 900.000 đồng/kg

Google News

Thứ đặc sản này chỉ có ở Cù Lao Chàm, vô cùng hiếm và đắt đỏ được nhiều người tìm mua trong những năm gần đây.

Nếu đến Cù Lao Chàm (Quảng Nam) vào đúng mùa, du khách sẽ thấy người dân bày bán một loại cua có màu sắc lỳ lạ, đó là con cua đá.

Cua đá có tên khoa học là Gecarcoidea lalandii, là một sinh vật biển đặc biệt. Khác với những loài cua sống dưới nước, cua đá sống chủ yếu trong các hang hốc ven sông, khu vực núi đá có lùm cây, đặc biệt tập trung ở Hòn Lao - đảo lớn nhất trong cụm đảo Cù Lao Chàm. Với bộ vỏ màu tím đậm, thân hình to bằng nắm tay, chúng nhanh nhẹn, khỏe mạnh và có khả năng leo trèo cực kỳ linh hoạt. Điều đó khiến cho việc săn bắt chúng không hề dễ dàng.

Cua đà là đặc sản nổi tiếng ở Cù Lao Chàm

Một điểm đặc biệt nữa là cua đá ăn thực vật, chủ yếu là các loại lá cây, trong đó có nhiều loại cây thuốc nam. Nhờ đó, thịt cua chắc, ngọt thanh, không tanh và có mùi thơm rất riêng. Nhiều người dân địa phương truyền tai nhau rằng, cua đá sống ở càng cao trên núi thì thịt càng dai và ngọt hơn, tạo nên sức hấp dẫn khó cưỡng cho thực khách.

Mùa sinh sản của cua đá kéo dài từ tháng 7 đến hết tháng 2 năm sau, trong thời gian này việc khai thác bị nghiêm cấm để bảo vệ số lượng loài. Ngoài thời gian đó, việc săn bắt cua cũng phải tuân thủ quy trình kiểm định gắt gao. Sau khi được bắt vào ban đêm, khoảng từ 10 giờ tối đến 3 giờ sáng, cua sẽ được đưa về điểm tập kết để đo kích thước. Những con có chiều ngang mai từ 7cm trở lên mới được dán tem hợp pháp.

Tem này dán ngay trên mai cua rất chắc, không thể bong tróc và sẽ theo cua đến tận bàn ăn. Những con không được dán tem (còn gọi là “cua lụi”) nếu bị phát hiện sẽ bị tịch thu và thả về rừng. Các nhà hàng hay người dân buôn bán cua không tem đều bị xử phạt nặng, thậm chí có thể bị tước giấy phép kinh doanh nếu tái phạm. Chính sự nghiêm ngặt này khiến cua đá trở thành đặc sản quý hiếm và có giá trị cao.

Cua đá được người dân Cù Lao Chàm chế biến thành nhiều món ngon như rang muối, nướng, kho, nấu bún riêu, nhưng phổ biến nhất vẫn là canh cua đá nấu rau rừng, món ăn giản dị nhưng đầy đặn hương vị núi rừng hòa quyện biển cả.

Ngoài ra, cua đá hấp sả là món ăn được nhiều du khách yêu thích. Khi được hấp cách thủy khoảng nửa giờ, thân cua chuyển sang màu đỏ hồng rực rỡ, vỏ bóng loáng. Khi ăn kèm với rau húng, rau răm và chấm muối tiêu chanh, vị ngọt đậm của cua hòa cùng hương thơm của rau gia vị tạo nên dư vị vương vấn nơi cuống họng, khiến thực khách khó quên.

Vì sản lượng ít, thời gian khai thác bị giới hạn và quy định nghiêm ngặt nên giá cua đá không hề rẻ. Có thời điểm, giá cua đá Cù Lao Chàm lên tới 900.000 đồng/kg, một người dân bắt được khoảng 5kg cua trong đêm mưa có thể thu về hơn 4 triệu đồng, một khoản thu không nhỏ với cư dân đảo.

Dù đắt đỏ nhưng cua đá vẫn luôn là món đặc sản được săn lùng. Những năm gần đây, ở Cù Lao Chàm hay tại một số cửa hàng hải sản, cua đá được rao bán, thời điểm khan hiếm giá có thể lên tới 2 triệu đồng/kg.

H.A