Loại quả xưa rụng đầy không ai biết đến, nay thành đặc sản có hương vị lạ người thành phố ưa chuộng, ai ăn cũng mê

Google News

Loại quả này có vị chua, được dùng làm gia vị cho nhiều món ăn đặc sản ở vùng đất An Giang. Mấy năm nay, chúng được vào nhà hàng, quán ăn, được du khách gần xa biết đến.

Vào mỗi mùa nước nổi, người dân An Giang lại mong chờ sự xuất hiện của trái bứa, một loại quả dân dã gắn liền với ký ức và ẩm thực miền Tây. Khi nước bắt đầu “đứng” cũng là lúc bứa vừa đủ độ già, được dùng làm gia vị cho các món ăn đậm đà hương vị quê nhà như canh chua, cá kho hay làm nước chấm thơm nức cho các món nướng.

Trái bứa ở An Giang có vị chua và mùi thơm đặc trưng

Cây bứa có tên khoa học Garcinia Cambogia, là loài cây gỗ mọc hoang phổ biến ở nhiều vùng thuộc tỉnh An Giang. Khi trưởng thành, cây thường cao từ 5 đến 7 mét, riêng những cây lâu năm có thể vươn tới độ cao 15 mét. Một số cây bứa cổ thụ đã tồn tại hàng trăm năm, vẫn sinh trưởng khỏe mạnh và tiếp tục cho trái mỗi mùa.

Trái bứa từng rất phổ biến, nhà nào cũng có vài cây, thậm chí người ta còn có thể ghé xin nhau một cách dễ dàng. Thế nhưng, theo thời gian, những gốc bứa dần vắng bóng, nhường chỗ cho nhà cửa, đường sá. Hiện nay, mỗi mùa bứa, người dân tranh thủ hái bán, thành đặc sản nổi tiếng khắp nơi.

Bứa thường ra trái từ tháng 6 âm lịch, kéo dài trong khoảng 3 tháng, có cây cho trái đến tận Tết. Vào mùa bứa giá chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, nhưng khi trái bắt đầu hiếm, giá có thể tăng gấp đôi. Loại cây hoang dã này sống khỏe, đặc biệt thích nghi tốt ở vùng đất ẩm. Cây cao, gai góc, tán rộng và trái nhỏ màu xanh rải rác khắp cành. Khi chín, trái chỉ hơi ngả màu, rất khó phân biệt nếu không quen.

Chúng được sử dụng làm gia vị cho nhiều món ăn đặc sản ở vùng đất này

Chị Nga (ở Châu Đốc, An Giang) chia sẻ, để nhận biết trái chín chỉ cần bóp nhẹ vỏ và kiểm tra lớp mủ bên ngoài. Những người có kinh nghiệm chỉ cần liếc mắt là biết trái nào nên hái để chế biến món ăn.

Nói đến trái bứa An Giang không thể không nhắc đến món cá linh kho bứa, món ăn nổi tiếng làm nên hồn cốt ẩm thực mùa nước nổi. Khi nồi cá hay mắm bắt đầu sôi, người ta thả vào vài trái bứa tươi, thêm chút ớt hiểm cho dậy mùi. Đợi trái bứa mềm, người nấu mới dầm ra như cách dầm me, để vị chua ngấm đều từng thớ cá. Vị chua thanh xen lẫn cái mằn mặn, ngòn ngọt và cay nồng tạo nên thứ nước kho đậm đà, ăn một lần là nhớ mãi. Thực khách có thể thêm hay bớt bứa tùy khẩu vị, thậm chí dầm vào chén nước mắm chấm rau, càng làm tăng thêm độ hài hòa.

Món ăn này càng thêm trọn vị khi ăn kèm với rau sống đặc trưng miền Tây: bông điên điển, bông súng, chuối chát, rau ghém, bắp chuối… Tất cả đều là quà tặng từ thiên nhiên, góp phần tạo nên bữa cơm đậm chất hương đồng cỏ nội.

Bà con chẻ mỏng trái bứa, phơi khô để sử dụng dần trong năm

Không chỉ dùng để nấu ăn, trái bứa già còn có thể chế biến thành gia vị chấm đặc biệt. Theo đó, chỉ cần băm nhuyễn bứa già với tỏi, ớt, thêm đường và bột ngọt là đã có hỗn hợp đậm đà. Có thể bảo quản hỗn hợp này trong tủ lạnh, khi dùng chỉ cần thêm nước mắm hoặc ướp cùng món ăn tùy ý, vừa tiện lợi, vừa giữ được hương vị trái bứa quanh năm.

PHÚ NGUYỄN