"Lộc trời" chui lên từ bùn đất chỉ có ở Quảng Ninh, xưa không ai biết nay thành đặc sản người thành phố ưa chuộng, 600.000 đồng/kg

Google News

Loài này ẩn mình dưới lớp bùn lầy của những cánh rừng ngập mặn ở Quảng Ninh, được người dân địa phương ví như "lộc biển" vì thơm ngon và có giá đắt đỏ.

Mấy năm gần đây, trên chợ mạng hoặc một số cửa hàng hải sản ở Quảng Ninh có bán một loài trông rất giống với sá sùng, đó là con sâu đất. Loài này ẩn mình dưới lớp bùn lầy của những cánh rừng ngập mặn, trước đây không ai biết đến nay lọt vào danh sách đặc sản "đắt xắt ra miếng" ở Quảng Ninh. 

Sâu đất sống ẩn mình dưới lớp bùn lầy của những cánh rừng ngập mặn ở Quảng Ninh

Khác với sá sùng, sâu đất cư trú ở những vùng bãi triều ven biển, nơi có phù sa, rừng sú vẹt và dòng nước mặn trong lành. Chúng có ngoại hình khá giống sá sùng nhưng nhỏ hơn, với màu nâu sẫm đặc trưng. Điểm đặc biệt là sâu đất chỉ được tiêu thụ ở dạng tươi, không phơi khô như sá sùng, vì thịt mềm và dễ bị teo nếu để lâu.

Theo tài liệu sinh học, sâu đất còn có tên gọi khác là giun biển, tên khoa học là Antillesoma antillarum, thuộc họ Phascolosomatidae. Cơ thể chúng trơn, hình ống, có phần vòi dài phía đầu dùng để đào bới, kiếm ăn. Đây là loài lưỡng tính, không phân biệt giới tính, sống chủ yếu dưới lớp bùn dày 10-30 cm.

Khác với sá sùng, sâu đất chỉ ăn lúc tươi chứ không phơi khô

Cứ mỗi khi thủy triều rút, để lộ bãi bùn rộng mênh mông, cũng là lúc dân ven biển Vân Đồn, Cẩm Phả… lại tay cuốc, tay xô rảo bước đi "săn lộc biển". Nghề bắt sâu đất tưởng dễ mà khó, đòi hỏi phải có kinh nghiệm cùng con mắt tinh tường và đôi tay nhanh nhẹn.

Người săn sâu đất thường nhận biết "hang" của chúng qua các lỗ nhỏ có ụ bùn trồi lên, đó là dấu hiệu cho thấy bên dưới là con sâu béo mẫm. Khi đã xác định được vị trí, họ phải cuốc thật nhanh tay vì chỉ cần chậm một nhịp, con vật sẽ kịp chui sâu hơn để trốn thoát. Mỗi buổi đi săn có thể thu hoạch được 2-5kg sâu đất tùy theo con nước và kinh nghiệm người bắt.

Chị Mai (một người dân ở Vân Đồn) chia sẻ: "Muốn bắt được nhiều sâu đất phải đi đúng con nước, chọn nơi đất mịn, bùn xốp. Những chỗ có nhiều ụ bùn nhỏ thường có con to, thịt dày".

Sau khi bắt về, sâu đất được rửa sạch để loại bỏ bùn cát, sau đó chế biến ngay để giữ vị ngọt tự nhiên. Người miền Bắc thường xào sâu đất với su hào, rau sam hoặc nấu canh; trong khi miền Nam lại ưa kiểu xào với cải chua, cần tây hay mướp hương. Một số nhà hàng còn biến tấu món này thành sâu đất chiên mắm, nướng mọi hay nấu cháo hải sản.

Ở Quảng Ninh, sâu đất được ví như lộc trời, làm thành nhiều món ngon và đắt đỏ

Không chỉ ngon miệng, sâu đất còn được ghi nhận trong y học cổ truyền như một loại "sâm biển". Với vị mặn, tính hàn, nó có tác dụng bổ âm, giải nhiệt, hỗ trợ điều trị các chứng ho khan, phế hư, đổ mồ hôi trộm, tiểu đêm…

Nhờ hương vị đặc biệt và giá trị dinh dưỡng cao, sâu đất được nhiều nhà hàng, quán ăn tại các thành phố lớn thu mua với giá từ 500.000 đến 600.000 đồng/kg. Vào cao điểm lễ Tết, mức giá có thể đội lên đến 900.000 đồng/kg, khiến loài giun nhỏ bé này trở thành “lộc trời” mang lại thu nhập cho người dân miền biển.

H.A