Gan được ví như "máy lọc" của cơ thể – đảm nhiệm hơn 500 chức năng quan trọng, trong đó nổi bật nhất là lọc máu, chuyển hóa chất dinh dưỡng và đào thải độc tố. Mỗi ngày, gan phải tiếp nhận và xử lý hàng loạt chất từ thực phẩm đưa vào cơ thể, kể cả dưỡng chất lẫn chất độc. Vì vậy, những gì ta ăn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe chung mà còn tác động trực tiếp đến lá gan.
Nhiều người thường nghĩ rượu bia mới gây hại gan, nhưng thực tế, không ít món ăn quen thuộc trên mâm cơm hằng ngày cũng âm thầm “bào mòn” gan nếu sử dụng thường xuyên hoặc sai cách. Điều đáng nói là phần lớn các tổn thương gan diễn ra âm thầm, không triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu, đến khi phát hiện thì bệnh đã ở mức nghiêm trọng.
Do đó, nhận diện và hạn chế sớm những thực phẩm gây hại cho gan là cách đơn giản nhưng hiệu quả để bảo vệ lá gan khỏe mạnh, tránh các biến chứng như viêm gan, gan nhiễm mỡ, xơ gan,...

Nhiều món ngon trên mâm cơm có thể gây hại cho lá gan. (Ảnh minh họa).
1. Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ
Những món chiên rán, xào nhiều dầu như: gà rán, khoai tây chiên, cá chiên, hay các loại thịt rim, kho với lượng mỡ lớn thường là lựa chọn phổ biến trên mâm cơm gia đình. Tuy nhiên, chính những món ăn thơm ngon này lại là gánh nặng cho gan. Khi cơ thể hấp thụ quá nhiều chất béo bão hòa, gan phải hoạt động liên tục để xử lý và thải độc.
Về lâu dài, điều này làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, viêm gan, và thậm chí là xơ gan. Ngoài ra, dầu mỡ sau khi bị đun nấu ở nhiệt độ cao có thể tạo ra các chất oxy hóa có hại, làm tổn thương tế bào gan. Một chế độ ăn chứa nhiều dầu mỡ còn làm tăng cholesterol xấu, gây rối loạn chuyển hóa, tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh gan mạn tính.

Các món ăn nhiều dầu mỡ không tốt cho gan. (Ảnh minh họa).
Việc hạn chế thực phẩm chiên rán, thay bằng phương pháp hấp, luộc, hoặc sử dụng dầu thực vật không bão hòa là cách hiệu quả để bảo vệ gan. Trong thời đại thức ăn nhanh và tiện lợi lên ngôi, mỗi người nên chủ động điều chỉnh khẩu phần dầu mỡ hàng ngày để duy trì một lá gan khỏe mạnh.
2. Dưa chua, cà muối
Dưa chua, cà muối là những món ăn dân dã, góp mặt thường xuyên trong mâm cơm Việt. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng nếu sử dụng không đúng cách, món ăn này có thể trở thành mối nguy hại cho lá gan. Nếu không đảm bảo đúng kỹ thuật hoặc vệ sinh, dưa cà muối có thể chứa lượng nitrit cao - một hợp chất có thể kết hợp với amin trong thực phẩm để tạo thành nitrosamine. Đây là chất được chứng minh có khả năng gây các bệnh nan y liên quan đến gan và dạ dày.
Ngoài ra, với dưa cà chưa muối đủ độ, tức còn vị hăng cay và chưa vàng đều, lượng nitrit càng cao hơn. Chưa kể, nếu muối trong các dụng cụ nhiễm kim loại nặng hoặc dùng muối i-ốt cao, các phản ứng sinh học phức tạp có thể khiến sản sinh thêm các chất gây hại, gây hại lâu dài cho tế bào gan. Việc ăn dưa chua quá mặn cũng góp phần tăng huyết áp, giữ nước trong cơ thể, từ đó gây áp lực gián tiếp lên chức năng gan và thận.
Không thể phủ nhận độ hấp dẫn của dưa cà trong bữa ăn, nhưng hãy chọn sản phẩm được muối đúng kỹ thuật, ăn với lượng vừa phải, và tuyệt đối tránh dùng dưa còn cay, hăng – để bảo vệ gan khỏi những tổn thương âm thầm nhưng dai dẳng.

Ăn nhiều dưa chua có thể trở thành mối nguy hại cho lá gan. (Ảnh minh họa).
3. Thịt đỏ
Thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, thịt dê vốn là nguồn cung cấp protein và sắt dồi dào. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ lại có thể khiến gan rơi vào trạng thái quá tải. Nguyên nhân là vì quá trình chuyển hóa protein và chất béo bão hòa trong thịt đỏ đòi hỏi gan hoạt động liên tục và mạnh mẽ. Đặc biệt với người ít vận động, chế độ ăn nhiều thịt đỏ có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo ở gan, làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ không do rượu – một trong những bệnh lý gan phổ biến hiện nay.
Ngoài ra, thịt đỏ còn chứa purin, khi chuyển hóa sẽ tạo ra acid uric, dễ dẫn đến bệnh gút và ảnh hưởng gián tiếp đến gan. Chưa kể, các nghiên cứu còn chỉ ra mối liên hệ giữa việc ăn quá nhiều thịt đỏ với nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch. Nó có thể làm trầm trọng thêm tình trạng gan nếu không được kiểm soát. Để đảm bảo sức khỏe gan, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ quá 500g/tuần và ưu tiên đạm thực vật, cá hoặc thịt trắng như gà,.. Sự cân bằng không chỉ tốt cho gan mà còn giúp duy trì thể trạng và hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Thịt đỏ bổ dưỡng nhưng tiêu thụ quá nhiều thịt đỏ lại có thể khiến gan rơi vào trạng thái quá tải. (Ảnh minh họa).
4. Măng tươi
Măng tươi thường được yêu thích bởi vị giòn, đắng nhẹ và có thể chế biến thành nhiều món ngon như măng xào, măng hầm giò heo, bún măng vịt. Tuy nhiên, trong măng tươi, đặc biệt là măng đắng chứa một lượng đáng kể cyanide (tiền chất của acid hydrocyanic).
Khi vào cơ thể, chất này có thể chuyển hóa thành cyanide – một hợp chất cực độc, gây tổn hại trực tiếp đến tế bào gan và hệ thần kinh. Nếu ăn măng không được luộc kỹ, hoặc ăn quá thường xuyên, gan phải liên tục giải độc cho cơ thể, lâu ngày có thể suy yếu chức năng. Đặc biệt, với người có bệnh lý gan sẵn như viêm gan, xơ gan,… ăn măng có thể khiến bệnh nặng hơn.
Ngoài ra, nhiều loại măng bán ngoài chợ còn được ngâm hóa chất để giữ màu trắng đẹp, hoặc tẩy mùi hăng, điều này khiến gan càng thêm “vất vả” trong việc phân giải độc tố. Một số trường hợp ngộ độc măng đã được ghi nhận, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người già có cơ địa nhạy cảm.
Nếu không thể từ bỏ hoàn toàn món măng, bạn nên ngâm măng qua đêm và luộc kỹ nhiều lần trước khi chế biến, đồng thời không ăn măng liên tục nhiều ngày. Gan là cơ quan dễ tổn thương nhưng lại ít kêu than, vì vậy, hãy yêu thương gan bằng cách thận trọng với từng món ăn quen thuộc.

Măng tươi không được xử lý đúng cách có thể gây tổn hại trực tiếp đến tế bào gan và hệ thần kinh. (Ảnh minh họa).
5. Thịt nướng
Không thể phủ nhận sức hút khó cưỡng của các món thịt nướng, từ thịt nướng kiểu Hàn, xiên que vỉa hè đến thịt nướng gia đình. Nhưng cũng chính cách chế biến này khiến thực phẩm trở thành “con dao hai lưỡi” với lá gan.
Khi thịt, đặc biệt là thịt đỏ được nướng ở nhiệt độ cao, các axit amin và creatine trong thịt phản ứng sinh ra hợp chất heterocyclic amines (HCAs) được chứng minh có khả năng gây ra các bệnh nguy hiểm về gan, đại tràng. Đồng thời, lớp cháy xém trên bề mặt thịt là kết quả của phản ứng Maillard đẹp mắt nhưng lại chứa polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) - chất độc hại không kém. Cả hai chất này đều là gánh nặng với gan.
Với việc phải phân giải các độc chất thường xuyên, gan có thể bị tổn thương tế bào, gây viêm và lâu dài dẫn đến xơ hóa. Ngoài ra, thịt nướng còn thường được ướp muối, đường, dầu – những gia vị khiến gan phải làm việc cật lực hơn.
Hơn nữa, việc ăn thịt nướng kèm rượu bia – một thói quen phổ biến – lại càng khiến gan bị “tấn công” từ nhiều phía. Để giảm nguy cơ, nên hạn chế ăn thịt nướng quá thường xuyên, tránh ăn phần cháy đen và ưu tiên cách nướng chín kỹ nhưng không để khét.
AN THANH