Trái nhung, hay còn gọi là trái xay nhung, là loại quả rừng đặc sản nổi tiếng của vùng núi miền Trung, Tây Nguyên. Mỗi năm, mùa trái nhung chỉ kéo dài từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9 dương lịch, đúng vào thời điểm giao mùa của mùa thu.
Theo tìm hiểu, trái nhung mọc nhiều ở Gia Lai và rải rác ở một số cánh rừng rậm phía Bắc thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên), Quảng Ngãi. Trước đây, trái nhung chỉ được ăn chơi cho vui, ít ai để ý và gần như không được đem ra buôn bán. Thế nhưng ngày nay, nó đã trở thành một loại quả lạ, một đặc sản đắt đỏ được người dân thành thị rất ưa chuộng.

Trái nhung có vẻ ngoài bắt mắt, được người thành phố yêu thích
Trái nhung có hình bầu dục dẹt, kích thước khoảng 2cm, lớp vỏ màu đen mịn như nhung khi còn trên cây. Sau khi hái, vỏ dần chuyển sang màu nâu hoặc vàng mơ, trông rất lạ mắt. Thịt quả màu vàng đậm, mềm xốp, vỏ mỏng và giòn, chỉ cần ấn nhẹ là vỡ. Khi ăn, trái nhung có vị chua dịu, nhai kỹ sẽ cảm nhận được hậu ngọt thanh mát, lan dần nơi cổ họng, khiến nhiều người, đặc biệt là các chị em, say mê loại quả này.
Từng gây “sốt” thị trường vào năm 2018 với giá lên đến nửa triệu đồng mỗi kg, hiện nay giá trái nhung vẫn giữ mức khá cao, dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng/kg tùy thời điểm và độ chín của quả. Trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử, trái nhung được nhiều nơi bày bán và thu hút sự chú ý của người thành phố.
Ngoài ăn tươi, trái nhung còn được chế biến thành món nhung ngào đường (rim đường), một món ăn vặt cuốn hút với chị em thành phố. Sau khi bóc lớp vỏ mỏng, người ta trộn thịt quả với đường, muối và chút ớt khô, tạo nên hương vị vừa chua chua, ngọt ngọt, cay cay và mằn mặn, rất bắt miệng.

Quả có vị chua ngọt hấp dẫn
Cây nhung thuộc họ thân gỗ, cao vút, có thể đạt tới 30-40m. Vì vậy, việc thu hái trái cũng khá vất vả và nguy hiểm. Đến mùa, những người đàn ông trong xã thường băng rừng, vượt núi để hái trái mang về bán cho thương lái. Họ thường phải leo trực tiếp lên cây để hái từng quả chín, hoặc dùng những cây tre dài làm móc để với tới những cành cao. Dù bằng cách nào thì đây cũng là công việc đầy gian truân và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Không chỉ là món ăn vặt dân dã, trái nhung còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Phần cơm quả có tác dụng nhuận tràng, hỗ trợ hệ tiêu hóa rất hiệu quả. Người ta thường chế biến thành cao nhung bằng cách nghiền phần thịt quả với nước, lọc lấy dịch rồi nấu cô đặc trên lửa nhỏ. Để phát huy công dụng tốt nhất, nên dùng cao nhung từ 2 đến 3 lần mỗi ngày.

Trái nhung được làm thành nhiều món ăn vặt hấp dẫn
Bên cạnh đó, trái nhung còn được dùng để ngâm rượu, một phương pháp phổ biến ở một số vùng Tây Nguyên. Quả được bóc vỏ, sau đó ngâm với rượu nếp có nồng độ từ 25-30 độ. Rượu trái nhung sau khi ủ lâu sẽ thơm, đậm vị và được xem như một loại thuốc bổ giúp kích thích tiêu hóa, tăng cảm giác ngon miệng.
H.A