Cây dại cho hoa và quả đẹp mắt lên chậu thành bonsai, toả mùi thơm nức mũi, có cây 200 triệu đồng

Google News

Cây hồng ngọc mai được ưa chuộng trên thị trường cây cảnh bởi bộ rễ nổi đẹp mắt, hoa và quả màu sắc ấn tượng lại còn mang nhiều ý nghĩa về phong thuỷ.

Cây hồng ngọc mai có tên khoa học là Malpighia glabra, tên tiếng Anh là Wild Crapemyrtle, xuất xứ từ khu vực Tây Ấn Độ và Nam Mỹ. Loài cây này đã được du nhập vào Việt Nam từ lâu. Trong giới chơi cây cảnh, hồng ngọc mai còn được gọi là sơ ri nho, sơ ri kiểng hay sơ ri cảnh, thường được trồng chủ yếu để trang trí.

Hồng ngọc mai cho hoa đẹp mắt và toả mùi thơm đặc trưng

Cây có những chiếc lá nhỏ, mặt trên nhẵn còn mặt dưới thì nhám. Những chiếc lá thuôn dài, xanh biếc cùng với những bông hoa màu hồng nhỏ li ti tạo nên một bức tranh phong cảnh bình yên. Hoa có nhụy vàng, mọc thành từng chùm và mang một mùi hương rất dễ chịu. Mỗi năm cây ra hoa một lần, thường thì chúng ra hoa vào mùa xuân. Khi còn non, quả có màu xanh, và khi chín, màu quả chuyển sang đỏ, bóng mượt. Quả hồng ngọc mai có thể ăn được, tuy nhiên nhiều người cho rằng nó không ngon bằng sơ ri Việt Nam.

Một nét nổi bật tạo ấn tượng nhất chính là dáng cây với phần rễ nổi. Rễ có thể xoắn ôm vào đá tạo ra những hình thù lạ mắt, có một không hai. Cây càng lâu năm càng có giá trị lớn. 

Những chậu hồng ngọc mai đẹp mắt được tung ra thị trường

Trong phong thủy, hồng ngọc mai là biểu tượng cho sự giàu có, sung túc, phúc lộc viên mãn. Cây thường được dùng để trang trí nhà cửa vào dịp Tết đến xuân về với mong muốn cầu chúc một năm mới may mắn, an khang, thịnh vượng.

Trên thị trường cây cảnh, hồng ngọc mai rất được ưa chuộng, giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/chậu. Năm 2019, anh Phong (Yên Dũng, Bắc Giang) sở hữu chậu hồng ngọc mai kích thước khủng, tuổi đời 200 năm. Thời điểm đó có người hỏi mua giá 200 triệu đồng nhưng anh không đồng ý bán. 

Chậu hồng ngọc mai của anh Phong được trả 200 triệu nhưng anh không đồng ý bán

Tại xã Phương Trà, tỉnh Đồng Tháp, anh Thái được biết đến là người gắn bó nhiều năm với nghề trồng bonsai, đặc biệt là kiểng hồng ngọc mai – một giống cây đang được giới chơi kiểng ưa chuộng bởi vẻ đẹp độc đáo và giá trị kinh tế cao.

Sở hữu hàng trăm phôi và hàng chục cây thành phẩm, anh Thái chia sẻ rằng hồng ngọc mai không quá khó chăm sóc, đặc biệt rất siêng ra hoa và có khả năng đậu nhiều trái. Giá của các phôi cây tại vườn anh dao động từ 100.000 đồng đến 1,5 triệu đồng tùy kích cỡ, trong khi những cây thành phẩm có hình dáng đẹp có thể bán với giá từ 5 triệu đến 15 triệu đồng mỗi cây.

Để tạo ra một cây hồng ngọc mai bonsai hoàn chỉnh, người trồng phải kiên trì qua nhiều công đoạn công phu. Từ khâu đào phôi, cắt tỉa và trồng theo định hướng, đến việc chọn và nuôi chi cành sao cho tỷ lệ hài hòa với thân cây, tất cả đều cần sự tỉ mỉ và thời gian dài. Theo anh Thái, phải mất ít nhất 3 năm để một cây đạt đến độ hoàn thiện.

Giai đoạn vất vả nhất chính là nuôi dưỡng chi cành, bởi chúng phát triển chậm hơn nhiều loại bonsai khác. Ngoài ra, cây cũng dễ bị nhiễm tuyến trùng ở rễ. Để khắc phục, anh Thái sử dụng thuốc đặc trị và chú trọng đến chất trồng – đảm bảo phải thoáng khí và thoát nước tốt để cây sinh trưởng khỏe mạnh. Cần kiểm soát lượng nước vừa đủ, thay lá khi lá già và xấu. Còn muốn cây đậu trái nhiều phải chăm sóc cây cho nhiều hoa, sử dụng thuốc kích thích đậu trái.

Tại Hưng Yên, anh Nguyễn Mạnh Dũng cũng là một người chơi kiểng kỳ cựu, sở hữu hàng chục cây bonsai hồng ngọc mai có giá trị cao, mỗi cây mang một dáng thế riêng biệt. Gắn bó với giống kiểng này hơn mười năm, anh Dũng đặc biệt yêu thích hồng ngọc mai vì nhiều ưu điểm nổi bật: hoa thơm, bộ rễ đẹp khi tạo dáng bonsai, và vẻ ngoài thu hút.

“Hồi mới bắt đầu trồng hồng ngọc mai, tôi gặp khá nhiều khó khăn. Cây con phát triển chậm, thân thì cứng, rất khó uốn dẻo. Nhưng sau này, khi trồng nâng cao bầu đất mới phát hiện cây có bộ rễ dài, khỏe và rất tiềm năng để tạo dáng. Theo kinh nghiệm của tôi, nuôi cây khoảng một năm, thân to cỡ ngón tay là có thể bắt đầu uốn được”, anh Dũng chia sẻ.

Để tạo hình cho cây, anh Dũng sử dụng dây nhôm để uốn chi và thân. Tuy nhiên, có một mẹo quan trọng mà anh nhấn mạnh: “Phải để cây hơi thiếu nước, sau đó đem phơi nắng nhẹ để phần thân mềm hơn. Khi đó uốn sẽ dễ và hạn chế gãy cành".

H.A