Khi nào cần đi khám dinh dưỡng để con không bị "nấm lùn"? Chuyên gia đưa "chỉ điểm" quan trọng nhất để can thiệp kịp thời

Google News

Với trẻ nhỏ, sự phát triển về chiều dài/chiều cao và cân nặng ở từng lứa tuổi là rất quan trọng, do vậy khi thấy bất thường cần đưa trẻ đi khám càng sớm, càng tốt. Tuy nhiên, làm sao để theo dõi và nhận biết trẻ đang có vấn đề về sự phát triển này thì không phải ai cũng biết.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám dinh dưỡng?

Chiều dài/chiều cao và cân nặng của trẻ là một trong những “thước đo” để đánh giá tình trạng phát triển, cũng như tình trạng hấp thu dinh dưỡng của trẻ. Đa số các bậc phụ huynh chỉ quan tâm đến chiều dài/chiều cao, cân nặng của trẻ khi con có vấn đề như suy dinh dưỡng quá mức hoặc thừa cân béo phì. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều này là đúng nhưng chưa đủ.

PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, không chỉ trẻ thừa cân, béo phì hay suy dinh dưỡng mới cần đưa đi khám, mà cần khám dinh dưỡng định kỳ cho trẻ 2-3 lần/năm. Khi trẻ được khám định kỳ, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng tăng trưởng và phát triển của trẻ, phát hiện sớm những vấn đề về thiếu vi chất dinh dưỡng, kém hấp thu… mà trẻ có thể gặp phải, đây là những vấn đề khó có thể phát hiện bằng quan sát bề ngoài.

Trẻ ăn nhưng không hấp thu hoặc biếng ăn cần phải đi khám dinh dưỡng sớm. Ảnh minh họa. 

Ngoài khám sức khỏe định kỳ, khi trẻ gặp một số tình trạng cần phải đưa trẻ đi khám dinh dưỡng càng sớm càng tốt để có điều chỉnh hợp lý. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng, khi trẻ gặp một số tình trạng sau thì cần đi khám càng sớm càng tốt:

- Suy dinh dưỡng;

- Thừa cân, béo phì;

- Có vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, nôn trớ;

- Trẻ có vấn đề về kém hấp thu, chậm tăng cân, da xanh xao, suy dinh dưỡng;

- Sức đề kháng kém, rụng tóc nhiều, gặp vấn đề về vận động như chậm bò, chậm biết đi, ngủ hay giật mình cũng cần phải đưa đi khám dinh dưỡng.

Chiều dài/chiều cao và cân nặng là “chỉ điểm” quan trọng về sức khỏe của trẻ

PGS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng, để biết được trẻ thiếu hụt dinh dưỡng hay loại vi chất nào thì cần được thực hiện những xét nghiệm chuyên sâu, nhưng có một cách đơn giản để theo dõi sự phát triển của con, đó là chỉ số chiều dài/chiều cao, cân nặng.

Trong quá trình chăm sóc trẻ, các gia đình hãy theo dõi chiều dài/chiều cao, cân nặng của con rồi đối chiếu theo chuẩn tăng trưởng của WHO. Trường hợp, chiều dài/chiều cao và cân nặng của trẻ ở trong ngưỡng bình thường thì không đáng lo ngại, nhưng khi thấy không tăng hoặc tăng quá nhanh… ở ngưỡng cảnh báo về suy dinh dưỡng hay thừa cân, béo phì thì cần điều chỉnh chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và đưa đi khám sớm.

Các gia đình có trẻ nhỏ cần phải theo dõi chiều cao, cân nặng theo bảng tiêu chuẩn của WHO. 

Hiện có không ít phụ huynh chỉ lo lắng khi con bị thừa cân, béo phì còn các vấn đề khác ít được quan tâm lớn vì cho rằng “sau này khắc lớn”. Tuy nhiên, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng hiện vẫn còn khá phổ biến, thậm chí ngay cả trẻ béo phì cũng là một dạng suy dinh dưỡng. Hay nhiều trẻ dù gia đình có điều kiện, ăn uống nhiều những vẫn bị suy dinh dưỡng.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ suy dinh dưỡng ngoài vấn đề về chất lượng và số lượng bữa ăn nghèo nàn (chủ yếu ở vùng khó khăn), nguyên nhân còn có thể đến từ khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của trẻ kém; trẻ cai sữa mẹ sớm, ăn dặm không phù hợp; trẻ bị ép ăn dẫn đến tấm lý sợ ăn, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thu.

Trẻ suy dinh dưỡng thường có cân nặng và chiều dài/chiều cao không đạt chuẩn theo khuyến cáo, nguy hiểm hơn nếu không được can thiệp kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ. Theo đó, trẻ suy dinh dưỡng thường có hệ miễn dịch suy yếu, dễ nhiễm trùng, đến sự phát triển thể chất và trí tuệ bị kìm hãm. Thiếu vi chất cần thiết như kẽm, sắt, vitamin còn dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, như thị lực kém, xương yếu và trí nhớ suy giảm.

Do vậy, việc theo dõi chiều dài/chiều cao và cân nặng của trẻ để đưa đi khám kịp thời, đúng thời điểm là rất quan trọng. Để trẻ không bị ảnh hưởng đến sự phát triển, Bộ Y tế khuyến cáo, cần chăm sóc dinh dưỡng ngay từ khi con trong bào thai, cùng với đó là nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, kết hợp chăm sóc đúng đủ theo khuyến cáo cho các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt giai đoạn 1,000 ngày vàng và tiền dậy thì, dậy thì.

Để trẻ phát triển chiều cao và cân nặng cần phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân bằng và đa dạng. Ảnh minh họa. 

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, cần đảm bảo và cân bằng dinh dưỡng qua từng giai đoạn phát triển, nhất là bổ sung đa dạng các nhóm thực phẩm để trẻ nhận đủ dinh dưỡng. Theo đó, cần phối hợp 15-20 loại thức ăn từ 4 nhóm chất dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày. Tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng.

Cuối cùng, cần phải cho trẻ vận động, sinh hoạt khoa học nhất là việc tránh xa thiết bị điện tử và cần cho trẻ ngủ sớm, ngủ đủ, đúng giờ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ được đi ngủ và ngủ sâu giấc vào khung từ 21 giờ tối đến 2 giờ khuya, cơ thể giải phóng ra lượng hormone tăng trưởng nhiều nhất, cao gấp 5 - 7 lần ban ngày. Do đó, bố mẹ nên cho trẻ đi ngủ trước 9 giờ tối và có thể thức dậy sau 7 giờ sáng tùy độ tuổi. Nếu ngủ khuya hơn và thức dậy sớm hơn thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình tăng trưởng chiều cao lẫn phát triển trí tuệ.

LÊ PHƯƠNG.