Tin từ Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ vừa cho biết, mới tiếp nhận một bệnh nhân nam (44 tuổi, trú tại xã Long Cốc, Tân Sơn) nhập viện lúc 11h40 ngày 30/04/2025 tại khoa Truyền Nhiễm. Qua thăm khám bệnh nhân được xác định nhiễm giun rồng Dracunculus – một căn bệnh ký sinh trùng hiếm gặp, nguy hiểm, từng được loại trừ tại Việt Nam. Được biết, giun rồng trưởng thành có thể dài tới 1,2 mét, chui ra khỏi cơ thể qua da, gây viêm, đau dữ dội, nguy cơ nhiễm trùng nặng nếu không được xử lý đúng cách.
Thời điểm đến khám, bệnh nhân có tổn thương ở nhỏ trên cơ thể và xuất hiện ký sinh trùng màu trắng hở một phần ra ngoài vết thương. Qua xét nghiệm, ký sinh trùng được xác định là giun rồng. Được biết, đây không phải lần đầu tiên địa phương này phát hiện người dân nhiễm giun rồng. Trong 5 năm từ 2021 đến nay Việt Nam đã ghi nhận 24 ca bệnh giun rồng trong đó huyện Tân Sơn phát hiện 06 ca.

Hình ảnh giun rồng được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh. Ảnh: TTYT Tân Sơn.
Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng - trưởng khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét, Côn trùng và Ký sinh trùng Trung ương, bệnh do "giun rồng" không có thuốc điều trị, không có vắc xin, người nhiễm bệnh phải đợi đến khi "giun rồng" chui ra khỏi da thông qua các vết thương hở hoặc vết phồng rộp trên da.
Khi "giun rồng" chui ra thì người bệnh/cơ quan y tế sẽ quấn cẩn thận để kéo giun ra, nhưng phải làm sao để giun không bị đứt và lấy ra dần dần, có trường hợp phải trên 1 ngày giun mới chui ra khỏi da hoàn toàn.
Ngoài cách này thì hoàn toàn không nên phẫu thuật hoặc làm đứt "giun rồng", do khi đứt có thể có hàng triệu ấu trùng "giun rồng" giải phóng vào vùng da thịt người bệnh, có thể gây nhiễm tiếp hoặc gây phản ứng viêm rất mạnh và từng có bệnh nhân gặp tình trạng này.

Một số món ăn đặc sản là nguyên nhân gây nhiễm giun rồng. Ảnh minh họa.
Về nguyên nhân gây bệnh, PGS Dũng cảnh báo, thói quen ăn thịt động vật được chế biến thành những món đặc sản như rắn, ếch nhái chưa nấu chín, gỏi cá, uống nước lã có nhiễm ấu trùng. Để phòng bệnh, người dân tuyệt đối không ăn cá sống, đồ tái, gỏi. Uống nước đun sôi, tránh dùng nước giếng, nước suối chưa lọc kỹ. Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ.
Khi có dấu hiệu mụn nước, sưng tấy da ở các chi, sốt không rõ nguyên nhân, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Phòng bệnh là biện pháp duy nhất hiệu quả hiện nay. Hãy chủ động bảo vệ bản thân và gia đình trước căn bệnh ký sinh nguy hiểm này.
LÊ PHƯƠNG.