Hành trình 15 năm đồng hành cùng con trong cuộc chiến không lời: “Mẹ chỉ muốn con được hạnh phúc”

Google News

Chị Vũ Thị Hải Yến không biết rõ từ khi nào mình bắt đầu hành trình đồng hành cùng con như một người thầy, người bạn, một “trợ lý đặc biệt” suốt 24 giờ mỗi ngày. Mọi thứ đến như một dòng chảy, chậm rãi, âm thầm, đầy hoang mang nhưng cũng không thiếu phần hạnh phúc.

Chiều Sài Gòn nghiêng nghiêng nắng, ánh sáng vàng nhạt len qua ô cửa nhỏ, rọi lên bàn tay thon gầy của chị Vũ Thị Hải Yến (51 tuổi). Ngồi trên chiếc ghế gỗ, chị đưa đôi mắt dịu dàng dõi theo cậu con trai Tưởng Vũ Minh Quân (15 tuổi) đang cắm cúi tô màu cho bức tranh. Tay em đưa nét chậm rãi, kỹ lưỡng đến lạ, một gam xanh da trời lặng lẽ phủ lên lớp màu cũ, kiên trì như thể phải đúng màu ấy, đúng cách ấy thì bức tranh ấy mới được “sinh ra” đúng nghĩa.

Những bước đầu khó khăn

Chị Yến là mẹ của ba đứa con và chị hạnh phúc vì điều đó. Tuy nhiên, cậu con trai út của chị - Minh Quân, lại mắc hội chứng tự kỷ. Cuộc sống của em là những mảnh ghép puzzle lộn xộn, khó đoán định. Để sắp xếp lại thế giới của con trai, đó là cả một hành trình dài và gian nan đối với người mẹ này.

Nhớ lại ngày Minh Quân hai tuổi rưỡi, chị Yến bắt đầu nhận ra những khoảng lặng khác thường trong thế giới của con. Ở cái tuổi mà những đứa trẻ thường bi bô tập nói, với Minh Quân chỉ có sự im lặng. Chị đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán Minh Quân bị dính thắng lưỡi. Sau tiểu phẫu nhỏ, em bắt đầu bập bẹ được vài chữ rời rạc nhưng cũng đủ khiến chị Yến vỡ òa hạnh phúc. Song, niềm vui ấy sớm biến thành lo lắng khi Minh Quân chỉ dừng lại ở những từ đơn rời rạc, không thể nói thành câu, không thể diễn đạt điều em cần.

Chị kiên nhẫn học cùng Minh Quân để hiểu và yêu con nhiều hơn. (Ảnh: NVCC).

Trong nỗi lo lắng và bất an, chị Yến đưa Minh Quân trở lại bệnh viện lần thứ hai. Sau một vài bài kiểm tra, bác sĩ kết luận Minh Quân bị chậm nói, có những đứa trẻ đến 5 - 6 tuổi mới bắt đầu cất lời. Bác sĩ khuyên chị nên cho con tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn để kích thích ngôn ngữ và phát triển giao tiếp.

Nghe lời bác sĩ, từ lúc Minh Quân 3 tuổi đến khi lên 6 tuổi, chị Yến dành thời gian để đưa con ra ngoài nhiều hơn. Ban đầu là những buổi dạo chơi công viên để con làm quen với âm thanh của thiên nhiên, tiếng cười nói của mọi người và cảm nhận sự chuyển động của thế giới. Sau đó, chị bắt đầu cho Minh Quân tham gia các lớp học kỹ năng, lớp vận động, âm nhạc và cả lớp học tương tác dành riêng cho trẻ chậm phát triển ngôn ngữ.

“Dù đã có kết luận của bác sĩ, nhưng trực giác của người mẹ cho tôi biết con khác thường. Con không tập trung, sợ tiếng ồn, thích chơi một mình, có thể sao chép lại tất cả các chữ mà tôi dạy con nhưng con không hiểu nghĩa, cũng không biết diễn đạt thành câu hoàn chỉnh. Điều duy nhất khiến tôi tin rằng con chỉ chậm nói thôi là con học toán rất nhanh, con không bị rập khuôn bởi một phép toán nào cả”, chị Yến trải lòng.

Thế nhưng, niềm tin của chị dần bị bào mòn qua từng cột mốc phát triển mà Minh Quân không thể theo kịp. Minh Quân 7 tuổi, chị Yến phải đối diện với sự thật: Minh Quân không thể vào lớp 1 như những đứa trẻ bình thường. Tất cả những cố gắng, hy vọng chị vun đắp suốt mấy năm trời, giờ lại chùng xuống trước cánh cổng trường tiểu học, nơi con trai chị chưa thể bước qua.

Dẫu vậy, chị Yến vẫn chờ đợi sự thay đổi từ con trai. Chờ đến khi Minh Quân 8 tuổi, chút hy vọng cuối cùng của chị Yến cũng tan vỡ. Dựa trên các triệu chứng của Minh Quân, chị Yến tìm kiếm thông tin và dần đối diện với một cụm từ khiến tim chị thắt lại: tự kỷ. Chị Yến tâm sự, lúc đầu chưa hiểu tự kỷ là gì nên chị tiếp nhận nó một cách khá bình thản. Chị đinh ninh rằng, con sẽ khỏi, sẽ có thuốc điều trị căn bệnh này như bao căn bệnh khác. Cho đến khi hiểu rõ về tự kỷ không có thuốc đặc trị, hội chứng sẽ theo con mình suốt đời, người mẹ này như rơi đến tận cùng của nỗi thất vọng và đau khổ.

Có lúc chị muốn buông xuôi. Nhưng rồi, hình ảnh Minh Quân ngồi chăm chú ghép những con số, ánh mắt con sáng lên khi giải được một bài toán, lại níu chị đứng dậy. “Tôi tự nhắc mình, con vẫn đang ở đây, vẫn sống và vẫn có thể cười. Điều đó đủ để tôi bắt đầu lại, dù chỉ là những bước thật nhỏ”, chị Yến nói.

Minh Quân là cậu bé sống tình cảm, biết quan tâm đến mọi người. (Ảnh: NVCC).

Chị bỏ hết mọi kỳ vọng, tập yêu những thứ chưa hoàn hảo của con. Chị gom từng tia hy vọng, từng mảnh thông tin ít ỏi, tự học cách đồng hành cùng con. Chị học về can thiệp sớm, tìm đến các nhóm phụ huynh có con tự kỷ, lặng lẽ quan sát con, ghi chú từng thay đổi dù là nhỏ nhất. Mỗi tiến bộ của Minh Quân, dù chỉ là con nhìn vào mắt mẹ lâu hơn một chút, gọi “mẹ” rõ hơn một âm, cũng trở thành niềm vui không gì đo đếm được.

“Tôi nghĩ, mỗi đứa trẻ đều có một cánh cửa riêng để bước vào thế giới. Có bé cần một chìa khóa, có bé cần phá vỡ rào cản, có bé lại cần thời gian. Minh Quân của tôi thì cần tất cả, chìa khóa, thời gian và cả một trái tim đủ kiên nhẫn để chờ đợi. Nhưng điều đó không sao cả, bởi vì nếu ví cuộc đời như một bản nhạc dài, thì con chỉ đang chơi ở tiết tấu của riêng mình thôi”, chị Yến tâm sự.

Mẹ chỉ cần con hạnh phúc

Hành trình làm mẹ chưa bao giờ dễ dàng, nhưng làm mẹ của những đứa trẻ tự kỷ còn khó khăn gấp vạn lần. 7 năm treo hy vọng, 15 năm đồng hành cùng con trên con đường đầy thử thách, với chị Vũ Thị Hải Yến, mỗi ngày là một cuộc chiến đầy kiên nhẫn và quyết tâm. Những năm tháng ấy không chỉ là nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho con, mà còn là hành trình để chính chị học cách hiểu và yêu thương con một cách trọn vẹn.

Minh Quân không thể theo học ở các trường bình thường, chị Yến cho con trải nghiệm ở nhiều nơi khác nhau. Chị bắt đầu từ các trung tâm dành cho trẻ đặc biệt, nơi các giáo viên hiểu rõ về các vấn đề mà Minh Quân gặp phải và giúp con hòa nhập với thế giới xung quanh. Sau đó, chị tiếp tục cho con tham gia các lớp kỹ năng xã hội, nơi con học cách giao tiếp và tương tác với bạn bè.

Chị Yến đưa Minh Quân tham gia nhiều hoạt động để em có thêm trải nghiệm. (Ảnh: NVCC).

Không dừng lại ở đó, chị còn cho Minh Quân học tại các lớp năng khiếu, nơi con có thể phát huy khả năng sáng tạo và đam mê riêng biệt. Dù Minh Quân có những khó khăn, nhưng chị luôn tin rằng mỗi lớp học là một cơ hội, là một bước tiến trong hành trình giúp con khám phá thế giới, phát triển bản thân và cảm nhận được sự yêu thương từ mọi người xung quanh. Những niềm vui nhỏ, những tiến bộ dù là nhỏ nhất của con, đều là động lực để chị tiếp tục kiên trì.

“Tôi cho con trải nghiệm tất cả mọi thứ trong khả năng. Môn nào con thích, tôi sẽ tiếp tục cho con theo học, cho con tự do khám phá những điều con thích. Tôi chỉ mong sau này, khi tôi không còn sức khỏe để theo con 24/24, thì con vẫn biết con phải làm gì, đi đâu. Tôi không thể ở bên con mãi, nhưng tôi hy vọng tình yêu và những bài học tôi trao sẽ đồng hành với con suốt cuộc đời”, chị Yến giãi bày.

9 tuổi, 10 tuổi, 11 tuổi,... rồi cứ thế lớn dần, chặng đường đẫm nước mắt và dường như vô phương hướng ấy dần trở nên xán lạn hơn. Mẹ và con cùng nhau luyện nói từng chữ, từng câu, nhận diện từ màu sắc, hình dạng đến đặc điểm của từng đồ vật, cây cối, hoa quả. Chị Yến chẳng thể nhớ nổi mất bao lâu để Minh Quân ghi nhớ tên đồ vật, cũng không nhớ mất bao lâu con bắt đầu nhận ra được sự khác biệt giữa những vật dụng đơn giản trong nhà. Chỉ biết rằng, Minh Quân đã bắt đầu hòa nhập, không phải với thế giới ồn ào ngoài kia, mà là với chính những gì đơn giản và thân thuộc nhất.

"Con biết tự chăm sóc bản thân, biết những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, con cũng biết phụ mẹ các việc nhỏ như nhặt rau, dọn bàn ăn. Minh Quân khéo tay, con biết làm đồ thủ công tái chế từ chai, lọ, dây cói,... Mỗi lần nhìn con làm được một việc gì đó, dù đơn giản, tôi cũng cảm thấy rất vui. Những bước tiến nhỏ đó là dấu hiệu rằng con vẫn đang phát triển mỗi ngày”, chị Yến chia sẻ.

Không giỏi giao tiếp, nhưng Minh Quân sống rất tình cảm và biết quan tâm đến mọi người. (Ảnh: NVCC).

Có thể so với các bạn cùng trang lứa,em chưa được nhanh nhẹn và giỏi giao tiếp, nhưng Minh Quân lại rất tình cảm, đặc biệt là với mẹ. “Lúc nào có chuyện gì vui con cũng đều chia sẻ với mẹ, không phải là lời nói mà là hành động. Con nhảy cẫng lên, ôm vai mẹ khi con hoàn thành xong một món đồ con thích hay khi con được cô khen. Đôi khi, trong lớp có bạn bị ốm, con cũng sẽ đến hỏi thăm. Con ấm áp vô cùng”, chị Yến vui vẻ kể lại.

15 năm với nhiều biến động, có cả những nụ cười và những giọt nước mắt, chị Yến tạm yên lòng với những gì mình đang có. Điều mà chị cần ở Minh Quân không phải là một cậu bé thiên tài hay một người đầy nghị lực trong mắt người khác, đơn giản chỉ là được nhìn em mạnh khỏe mỗi ngày và được nghe những lời em nói.

“Chẳng sao nếu con không hoàn hảo bởi vì mỗi người đều có những cách riêng để tỏa sáng. Dù con có là ai, dù con có thể đi chậm hơn các bạn khác. Và dù con có sống trong thế giới của riêng mình, chỉ cần con cảm thấy bình yên, hạnh phúc và được yêu thương, thì đó là tất cả những gì tôi mong mỏi”, chị Yến bày tỏ.

Giống như một tranh còn dang dở, tương lai của Minh Quân sẽ tiếp tục được tô điểm với những sắc màu tươi sáng. Rồi sẽ có một ngày, bức tranh ấy hoàn toàn đủ đầy và đẹp đẽ theo cách của riêng em.

AN THANH