“Bom nổ chậm” với sức khỏe từ những món ăn chỉ vài nghìn đồng
Vài năm trở lại đây, "xiên bẩn" là món ăn vặt vỉa hè được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là học sinh và sinh viên. Điểm nổi bật của món ăn vặt này là đa dạng lựa chọn như ăn buffet nhưng giá lại cực rẻ chỉ từ 2.000 đến 10.000 đồng/xiên. Các món đồ này được gọi tên là tôm viên, cá viên, bò viên, gà viên, phô mai chiên... đây đều là những thực phẩm đắt tiền nếu mua hàng tươi sống.
Dù là món ăn được nhiều người yêu thích, có giá rẻ bất ngờ và được đánh giá là ngon miệng, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, món ăn này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe cả trẻ nhỏ và người trưởng thành.
ThS.BSNT Đặng Thị Tâm - Chuyên khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Medlatec) cho biết, ngay trong tên gọi “xiên bẩn” đã cho thấy đây là thực phẩm kém vệ sinh, có thể chứa các tác nhân sinh học gây bệnh như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm, mốc. Ngoài ra còn có thể chứa hóa chất, phẩm màu độc hại, chất bảo quản, kháng sinh cấm hoặc hóa chất vượt quá nồng độ giới hạn cho phép. Sự tiêu thụ những sản phẩm này gây nhiều hậu quả lên sức khỏe.

Các loại xiên bẩn giá 2k được quảng cáo rất nhiều, thậm chí giá rẻ còn kèm theo khuyến mại. Ảnh minh họa.
“Việc sử dụng các sản phẩm này, có thể gây ngộ độc cấp tính như buồn nôn, đau bụng hoặc các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, rối loạn cảm giác… những trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, đa số các thực phẩm không gây ngộ độc ngay, mà nó tác động từ từ gây hậu quả nặng nề cho người sử dụng. Khi được tích lũy dần dần trong cơ thể qua thời gian, chúng sẽ trở thành “quả bom hẹn giờ” gây ra những hậu quả nghiêm trọng và không thể phục hồi”, bác sĩ Tâm cảnh báo.
Những chất độc tiềm ẩn trong món buffet vạn người mê
Theo bác sĩ Tâm, các chất độc có thể xuất hiện trong xiên bẩn và gây ảnh hưởng tới sức khỏe bao gồm:
- Kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen (thạch tín): Có thể nhiễm từ nguồn nước, đất ô nhiễm, hoặc do chế biến thực phẩm bằng dụng cụ không an toàn. Những kim loại nặng có khả năng tích tụ lâu dài trong gan, thận, hệ thần kinh và gây ra các vấn đề như: Suy gan, suy thận, thoái hóa hệ thần kinh trung ương, sa sút trí tuệ, bệnh Parkinson, mất ngủ, lo âu, suy giảm trí nhớ. Thậm chí suy tủy xương dẫn tới thiếu máu, giảm bạch cầu.
- Kháng sinh hoặc thuốc kích thích tăng trọng của gia súc: Tích tụ dần trong cơ thể có thể gây bệnh như rối loạn nhịp tim, thậm chí, kích thích hệ thần kinh làm lo âu, mất ngủ, căng thẳng, sau đó có thể gây suy nhược thần kinh. Bên cạnh đó cơ thể dễ bị đề kháng với các loại kháng sinh làm cho điều trị các bệnh sau này gặp trở ngại.
- Thuốc bảo vệ thực vật: Sử dụng không đúng liều lượng, tồn dư trong rau củ quả, ngũ cốc, trái cây... Có thể gây rối loạn nội tiết, tổn thương gan, thận và hệ miễn dịch.
- Aflatoxin - độc tố vi nấm: Thường xuất hiện trong ngô, lạc, đậu nành, các loại hạt bị mốc. Đây là một trong những chất gây ung thư gan mạnh nhất được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo. Aflatoxin không bị phá hủy ở nhiệt độ nấu ăn thông thường, nên rất dễ tích lũy nếu không được phát hiện sớm.

Các loại "xiên bẩn" ngoài không rõ ràng nguồn gốc, chất lượng, khi chế biến còn có nguy cơ gây độc vì dùng dầu mỡ lại nhiều lần. Ảnh minh họa.
Với những chất độc có thể xuất hiện như trên, việc tiêu thụ thực phẩm chứa các độc chất này dù không liên tục nhưng trong thời gian dài có thể dẫn đến:
- Ung thư (đặc biệt là ung thư gan, đại tràng, dạ dày).
- Rối loạn chức năng cơ thể không rõ nguyên nhân (đau đầu kéo dài, mất ngủ, suy nhược, rối loạn tiêu hóa mạn...).
- Rối loạn nội tiết, giảm khả năng sinh sản, vô sinh.
- Dị tật bẩm sinh ở thai nhi nếu người mẹ nhiễm độc khi mang thai.
Làm sao để lựa chọn thực phẩm an toàn?
Từ những phân tích trên, bác sĩ Tâm khuyến cáo, mỗi người dân cần nhận thức được để có cách lựa chọn thực phẩm tốt nhất nhằm đảm bảo sức khỏe. Trong đó, việc cần thiết phải làm mỗi ngày là ưu tiên thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Khi chọn mua thực phẩm, cần ưu tiên các loại tươi mới, đảm bảo vệ sinh, và có thông tin rõ ràng về nguồn gốc sản xuất. Thực phẩm sạch không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe mà còn hạn chế nguy cơ ngộ độc và các bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm.
Cách lựa chọn thực phẩm an toàn được bác sĩ Tâm tư vấn như sau:
- Chọn nơi mua uy tín: Mua tại các siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm sạch, hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ, hoặc các địa chỉ có chứng nhận an toàn thực phẩm từ cơ quan chức năng.
- Truy xuất nguồn gốc: Ưu tiên thực phẩm có tem nhãn để truy xuất được nguồn gốc, nơi sản xuất, ngày thu hoạch và thông tin kiểm định chất lượng.
- Nên dùng các loại thực phẩm theo mùa.

Bác sĩ Tâm khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe ưu tiên hàng đầu là lựa chọn thực phẩm tươi sống, theo mùa. Ảnh minh họa.
- Không dùng thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, mốc, biến màu. Nấm mốc có thể xuất hiện dưới dạng lớp lông trắng, xanh, đen hoặc xám trên bề mặt bánh mì, trái cây, gạo, lạc, đậu…Tuyệt đối không cắt bỏ phần mốc để ăn phần còn lại, vì độc tố có thể đã lan rộng trong toàn bộ thực phẩm.
- Kiểm tra kỹ bao bì, hạn sử dụng và thành phần: Tránh mua sản phẩm có bao bì rách, móp méo, hoặc đã hết hạn, đọc kỹ thành phần để tránh chất bảo quản, phẩm màu, phụ gia gây hại.
- Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh. Thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, snack, thực phẩm đông lạnh, và thức ăn nhanh chứa nhiều chất bảo quản, hóa chất và muối. Thức ăn nhanh thường chứa nhiều chất béo xấu (transfat), đường và muối cao, gây hại cho sức khỏe nếu ăn quá thường xuyên. Chế biến thực phẩm bằng phương pháp luộc, hấp, nướng thay vì chiên sẽ giúp giảm thiểu lượng dầu mỡ và giữ lại nhiều dưỡng chất hơn.
LÊ PHƯƠNG.