Khoai vạc là một trong những loại khoai phổ biến ở nước ta. Khoai vạc còn có tên gọi khác là khoai mỡ, khoai tím, củ cái, củ mỡ, củ cầm, củ tía, khoai ngà..., tên khoa học Dioscorea alata. Bên ngoài củ khoai vạc có phần xù xì hơi giống khoai sọ. Bên trong lại màu tím giống khoai lang tím.

Không cao sang hay đắt đỏ, khoai vạc mọc lên từ những luống đất nghèo, được vun xới bởi bàn tay lam lũ của người nông dân. Khi đến mùa, từng củ khoai vạc tím ngắt được đào lên từ lòng đất, rửa sạch rồi luộc lên, mùi thơm ngọt lan tỏa khắp gian bếp nhỏ.
Nhớ về củ khoai vạc, bạn Ngọc Anh (ở Hà Tĩnh) kể: "Ngày trước, hầu như nhà nào ở quê cũng trồng vài khóm khoai vạc trong vườn. Có củ to bằng bắp chân, đến mùa thu hoạch thì mang về luộc ăn thay cơm. Thời ấy còn khó khăn, khoai vạc là món ăn nuôi lớn bao thế hệ".
Theo thời gian, khoai vạc trở thành đặc sản lạ miệng được người thành phố săn tìm. Những món chè, bánh, súp, cháo từ khoai vạc xuất hiện ngày càng nhiều trong các nhà hàng, quán ăn.
“Mình thường ra chợ gần nhà mua khoai vạc về nấu chè. Món chè có màu tím tự nhiên, bùi bùi và thơm nhẹ, ai trong nhà cũng mê. Còn những ngày bận rộn, chỉ cần rửa sạch rồi luộc lên là có món ăn ngon. Nếu muốn nhớ về hương vị tuổi thơ, bạn thử chấm khoai vạc luộc với đường, vừa ăn vừa như sống lại những ngày xưa cũ, thấy lòng nhẹ tênh và vui đến lạ", Ngọc Anh nói thêm.
Trên thị trường, khoai vạc được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Từ khoai vạc có thể làm thành các món như luộc, hấp, chiên, làm chè, làm bánh, nấu canh xương...

Không chỉ là loại thực phẩm dễ chế biến với vị thơm ngọt, ngậy béo, khoai vạc còn được biết đến như một loại củ giàu dinh dưỡng. Trung bình trong 100gr khoai vạc đã nấu chín có chứa 27gr carbohydrate, 140 calo, 4gr chất xơ, 0,1gr chất béo, 1gr chất đạm, cùng nhiều vi chất như 4% vitamin A, 40% vitamin C, 4% sắt, 2% canxi, 13,5% kali, 0,83% natri,… và đặc biệt là anthocyanin – một chất chống oxy hóa mạnh mà không phải thực phẩm nào cũng có.
Với thành phần dinh dưỡng nổi bật, khoai vạc mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể cho con người.
Kiểm soát đường huyết
Các flavonoid trong khoai vạc đã được chứng minh là có khả năng giảm đường huyết ở người mắc tiểu đường tuýp 2. Chúng giúp giảm stress oxy hóa và cải thiện tình trạng kháng insulin bằng cách bảo vệ các tế bào sản xuất insulin trong gan.
Một nghiên cứu trên 20 con chuột cũng chỉ ra rằng chiết xuất khoai vạc với liều lượng cao giúp giảm cảm giác thèm ăn và hỗ trợ giảm cân, đồng thời cải thiện đáng kể khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu khác cho thấy việc bổ sung khoai vạc làm chậm tốc độ hấp thu đường vào máu, từ đó giúp điều hòa đường huyết hiệu quả hơn.
Giúp hạ huyết áp
Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ chính của các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Khoai vạc nhờ chứa lượng chất chống oxy hóa dồi dào, có thể hỗ trợ giảm huyết áp. Một số nghiên cứu cho thấy tác dụng này của khoai vạc tương tự như thuốc ức chế men chuyển – loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát huyết áp.
Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa trong khoai vạc có thể ngăn cản quá trình chuyển hóa angiotensin 1 thành angiotensin 2 – một hợp chất gây tăng huyết áp.
Bảo vệ tế bào
Anthocyanin – hợp chất tạo màu tím cho khoai vạc – là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tác hại của các gốc tự do, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư và tim mạch.

Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa
Hàm lượng chất xơ cao trong khoai vạc hỗ trợ hoạt động tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón và cải thiện sức khỏe đường ruột.
Chống viêm tự nhiên
Anthocyanin và flavonoid trong khoai vạc có tác dụng chống viêm rõ rệt, giúp làm dịu các triệu chứng viêm và hỗ trợ điều trị những bệnh lý liên quan đến viêm nhiễm.
Tăng cường chức năng hô hấp
Khoai vạc tím giàu vitamin A và C – hai loại vitamin giúp tăng sức đề kháng, hỗ trợ phòng ngừa các bệnh lý hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn.
Hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột
Khoai vạc chứa tinh bột kháng – một loại tinh bột không bị tiêu hóa ở ruột non, là nguồn dinh dưỡng tốt cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh và cải thiện tiêu hóa.
Hỗ trợ giảm cân
Khoai vạc chứa một loại chất xơ gọi là glucomannan, có khả năng tạo gel trong dạ dày, giúp kéo dài cảm giác no và làm giảm cảm giác thèm ăn – một yếu tố thuận lợi cho việc giảm cân tự nhiên.
Tốt cho tim mạch
Khoai vạc giàu vitamin B6, giúp giảm nồng độ homocysteine – một axit amin có thể gây hại cho thành mạch nếu tồn tại với nồng độ cao trong máu. Ngoài ra, khoai vạc chứa nhiều kali – khoáng chất giúp điều hòa huyết áp, hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Việc loại bỏ natri dư thừa trong máu là một yếu tố quan trọng để bảo vệ tim mạch, và khoai vạc có thể đóng vai trò hỗ trợ trong cơ chế này.
Hỗ trợ xương khớp
Theo Đông y, khoai vạc có tính bình, vị ngọt, lành tính và không gây độc hại. Việc sử dụng khoai vạc có thể giúp cải thiện tình trạng đau nhức cơ, đau dây thần kinh hay đau bụng. Đặc biệt, khoai vạc rất hữu ích cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nhờ khả năng chống viêm.
Ngoài ra, khoai vạc chứa nhiều canxi và mangan – hai khoáng chất quan trọng giúp cải thiện tình trạng xương yếu, đau khớp, loãng xương và làm răng chắc khỏe.
H.A