Gặp thầy giáo mỹ thuật ở Hà Nội mê “thổi hồn” cho rác: Đưa tái chế vào những tiết học là cách lan tỏa lối sống xanh

Google News

Bằng những mô hình giảng dạy sáng tạo từ giấy vụn hay loạt tác phẩm tái chế đẹp mắt, thầy Khôi đã truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ về tình yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Những người dân sinh sống ở huyện Thường Tín (Hà Nội) đều đã quen với hình ảnh một người thầy giáo giản dị, ngày ngày gom góp chai lọ, giấy bìa, sỏi đá,... để biến chúng thành vật dụng có ích. Đó là thầy Ngô Minh Khôi (SN 1986), hiện đang là giáo viên mỹ thuật tại Trường Tiểu học Tô Hiệu. Với tình yêu môi trường cùng đôi bàn tay khéo léo, thầy giáo trẻ đã tái tạo vòng đời cho những đồ vật bỏ đi, để chúng được yêu thương thêm một lần nữa. 

Mọi thứ đều có giá trị khi được sử dụng đúng chỗ

Kể về hành trình tái chế của mình, thầy Khôi cho biết, đó là thời điểm năm 2019 khi tình cờ nhìn thấy vài chiếc chai thủy tinh bị bỏ lại trên đê, ban đầu anh chỉ có ý định dọn dẹp đống chai lọ đó vào bãi rác. Thế nhưng khi ngắm nhìn kỹ chúng anh thấy đó đều là những chai lọ còn lành lặn, trông rất đẹp. Ý tưởng “thổi hồn” vào những vật dụng bỏ đi đó đã lóe lên trong anh. 

Thầy giáo Khôi miệt mài tái chế rác thải trong 6 năm qua

Tôi thấy những chiếc vỏ chai có hình dáng đẹp nên nảy sinh ngay ý tưởng tái chế. Tôi đã nhặt những chiếc chai mang về và bắt đầu cuộc hành trình tạo vẻ đẹp cho chúng, để những chiếc chai bỏ đi không còn ảnh hưởng đến môi trường và trở thành các tác phẩm nghệ thuật, cũng như tạo một vòng đời mới cho những chiếc chai thủy tinh”, thầy Khôi chia sẻ.

Từ đó, công cuộc tái chế rác thải của anh bắt đầu. Với đam mê nhiệt huyết và đôi bàn tay khéo léo, anh đã tạo ra những sản phẩm ấn tượng và có ích. Ngoài chai thủy tinh, những viên sỏi, đá còn sót lại ở công trình cũng được anh tận dụng mang về rửa sạch rồi tái tạo vòng đời cho chúng. 

Thời gian đầu khi tìm hiểu và bắt đầu vẽ tranh trên chai thủy tinh và đá cuội, thầy giáo trẻ đã gặp nhiều khó khăn, vì chất liệu chai và hình dáng của vật dụng rất khó vẽ lên. Sau nhiều lần vẽ thất bại, anh rút ra kinh nghiệm và học hỏi để khắc phục những khó khăn, biến những chiếc chai, viên đá vô tri thành những tác phẩm nghệ thuật có thể cắm hoa hay làm vật dụng trang trí.

Chai lọ bỏ đi được thầy Khôi “thổi hồn” thành tác phẩm nghệ thuật

Các chủ đề thầy Khôi lựa chọn vẽ lên chai lọ, sỏi đá là hình ảnh quê hương đất nước, phong cảnh thiên nhiên hay những chân dung phụ nữ Việt Nam dịu dàng. Để vẽ một bức tranh, tùy thuộc vào độ khó trung bình có thể mất 1 - 2 ngày, có bức vẽ phải mất tới 5 ngày anh mới hoàn thiện. 

Mỗi bức tranh được vẽ ra là đã tạo ra một vòng đời khác cho những thứ tưởng như bỏ đi. Thay vì trở thành rác thải, những vật dụng ấy lại một lần nữa xuất hiện trong căn nhà của chúng ta. Với anh, mọi thứ xung quanh đều có giá trị, chỉ cần chúng ta đặt chúng vào đúng vị trí và thay đổi chúng.  

Những viên sỏi, đá vô tri trở thành vật trang trí đẹp mắt

Thầy Khôi tâm sự: “Ban đầu tôi vẽ tranh trên thủy tinh, đá cuội chỉ để khám phá chất liệu mới, những tác phẩm đầu tiên tôi đem tặng cho người thân, bạn bè. Nhận được những lời khen và động viên, tôi đã tiếp tục mày mò để hoàn thiện sản phẩm đẹp hơn, bất ngờ những tác phẩm của mình được nhiều người yêu thích, quan tâm và hỏi mua”. 

Dần dần, công việc tái chế của thầy Khôi đã nhận được sự hưởng ứng từ mọi người. Những bức tranh đặc biệt trong bộ sưu tập tái chế của anh bỗng chốc nổi tiếng gần xa. Anh rất hạnh phúc khi thấy tác phẩm của mình được mọi người tìm kiếm, mua về làm quà tặng hoặc trưng bày và lan tỏa tình yêu tái chế.

Lan tỏa tình yêu môi trường từ trong những tiết học

Với cương vị là một thầy giáo dạy mỹ thuật, thầy Khôi đã lan tỏa tình yêu môi trường và lối sống xanh tới các em học sinh ngay từ chính những tiết học của mình. Quan sát hàng ngày, anh thấy học sinh có rất nhiều giấy vụn sau khi các em thực hành, nên anh đã nảy ra ý tưởng dùng giấy vụn tái chế lại thành các sản phẩm mĩ thuật như các con vật, tranh bằng bìa carton… để làm đồ dùng dạy học trực quan.

Thầy Khôi chỉ dạy cho các em học sinh sáng tạo những sản phẩm mới từ giấy vụn, rác thải.

Tiết học đầu tiên sử dụng đồ dùng dạy học bằng sản phẩm tái chế từ giấy vụn, tôi thấy đồ dùng rất sinh động và học sinh rất thích thú khi được cảm nhận các con vật làm từ giấy vụn bằng cách nhìn, sờ vào các đặc điểm của con vật rất chân thực khiến cho tiết học giống như một cuộc khám phá tạo sự hứng thú cho các bạn học sinh”, thầy Khôi chia sẻ thêm. 

Điều đó khiến niềm đam mê tái chế của thầy giáo trẻ ngày càng nhiệt huyết. Sau mỗi giờ học, các em không chỉ giúp thầy thu thập giấy vụn mà còn cùng tham gia bồi giấy, tạo hình. Khi sản phẩm hoàn thành, cả thầy và trò đều vui. Theo thầy Khôi, tái chế có thể trở thành một phương pháp giáo dục bền vững trong trường học, giúp học sinh rèn luyện tư duy sáng tạo và nâng cao ý thức trách nhiệm với môi trường. 

Nhiều tác phẩm tái chế được trưng bày trong không gian phòng học

Hiện tại, anh có tham gia một số trang, hội nhóm về vẽ lên chai thủy tinh, sỏi đá cả trong nước và ngoài nước để cùng giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và các tác phẩm đẹp. Tương lai sắp tới, anh dự định sẽ vẽ nhiều nội dung, đề tài hơn nữa, đồng thời khám phá thêm các chất liệu khác để tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, ý nghĩa hơn. 

Ước mơ của thầy Khôi là sau này sẽ có một phòng trưng bày đồ tái chế để mọi người đến thăm quan và cùng nhau tạo ra các sản phẩm tái chế. Anh cũng ấp ủ ý tưởng tổ chức các workshop để có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn việc tái chế, bảo vệ môi trường và lan tỏa lối sống xanh tới cộng đồng.

THẢO ANH