Ẩm thực Việt Nam ta vốn rất đa dạng và phong phú, mỗi vùng miền lại có những món đặc sản nổi tiếng mang bản sắc riêng. Ở làng Giang Xá, thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức, Hà Nội có một loại bánh nghe tên rất lạ tại, từ xưa đã gắn liền với cuộc sống bình dị của người dân ở đây, đó là bánh bác.
Cùng với bánh phu thê, cá anh vũ, gà Đông Cảo,…bánh bác là một trong những sản vật tiến vua thời xưa. Ngày đó, bánh được trưởng lão trong làng làm riêng để cung tiến. Sau này, người dân truyền tai nhau cách làm, rồi bánh bác trở thành một thứ quen thuộc, xuất hiện trên mâm cỗ các ngày lễ Tết và các dịp quan trọng của người dân làng Giang Xá.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/dac-san-co-ten-vo-cung-la-xua-tung-tien-vua-nay-thanh-mon-khoai-khau-dip-tet-at-ty-huong-vi-dac-biet-9-1738834825-796-width660height550.jpg)
Trước đây bánh bác là sản vật tiến vua, nay được người dân khắp nơi biết đến và thường mua vào dịp Tết để bày lên mâm cỗ
Từ đặc sản địa phương, giờ đây bánh bác được người dân khắp nơi biết đến. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua hay vào những ngày rằm, mùng 1, nhiều người đặt mua bánh bác về để thắp hương. Loại bánh này có màu đỏ đẹp mắt và mang nhiều ý nghĩa phong thủy nên rất được ưa chuộng.
Đăng bán bánh bác trên chợ mạng, chị Ngọc Thương (ở Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: "Không biết mọi người thấy sao chứ mình cứ nhìn thấy những chiếc bánh bác tròn tròn, màu đỏ tươi là như lúc nào cũng thấy như Tết đến gần. Bánh bác khi ăn có vị thơm bùi, vị dẻo thơm của gạo nếp quyện với vị ngọt thanh mát của đậu xanh kho đường đem đến cho thực khách một cảm giác thật khó tả về chiếc bánh bình dị thôn quê nhưng đậm đà truyền thống.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/dac-san-co-ten-vo-cung-la-xua-tung-tien-vua-nay-thanh-mon-khoai-khau-dip-tet-at-ty-huong-vi-dac-biet-8-1738834837-189-width660height550.jpg)
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/dac-san-co-ten-vo-cung-la-xua-tung-tien-vua-nay-thanh-mon-khoai-khau-dip-tet-at-ty-huong-vi-dac-biet-0-1738834865-885-width780height521.webp)
Bánh bác có màu sắc bắt mắt, hợp với những ngày Tết đến xuân về
Mình bán bánh bác có 2 loại, bán theo tày hoặc theo hộp. Một tày có giá 80.000 đồng, còn một hộp bên trong có 6 chiếc bánh nhỏ thì có giá 50.000 đồng".
Theo chị Thương, mọi người thường đặt theo hộp vì đã được chia thành từng chiếc nhỏ, tiện hơn. Còn theo tày thì mọi người phải dùng dao để cắt ra từng miếng nhỏ.
"Mình bán bánh bác quanh năm, chuyên sỉ lẻ đi các tỉnh thành. Thời điểm Tết Nguyên đán là khách đặt mua nhiều nhất, có ngày mình bán được số lượng hơn 500 cả tày và hộp. Hàng của mình luôn mới vì làm đến đâu bán hết đến đó, không có bánh cũ", chị Thương nói thêm.
![](https://img-4.kienthuc.net.vn/upload/1-2025/images/thuyhb/dac-san-co-ten-vo-cung-la-xua-tung-tien-vua-nay-thanh-mon-khoai-khau-dip-tet-at-ty-huong-vi-dac-biet-5-4-8-07-1738835104-23-width780height521.webp)
Việc làm ra một miếng bánh bác ngon theo đúng phương thức truyền thống là không hề đơn giản.
Những nguyên liệu không thể thiếu của món bánh này gồm có bột nếp, gấc, đỗ xanh, mỡ lợn thăn, đường và vừng. Công đoạn khó làm nhất chính là vỏ bánh, với hai phần bột nếp dẻo mịn, một phần giữ nguyên còn một phần trộn với gấc, người thợ sẽ phải dùng chính đôi tay của mình để “bác” từng phần bột trên chảo mỡ. Muốn làm vỏ bánh ngon, chín đều thì phải dùng tay sờ trực tiếp mới lượng được độ chín, độ dày của bánh, chứ dùng muôi thì không thể cảm nhận chính xác được.
Để có được một "tày" bánh bác, người làm phải mất tổng cộng khoảng 5 tiếng. Những chiếc bánh bác bánh bác y như một bông hoa sặc sỡ sắc màu khoe sắc với nhị vàng xen lẫn với những hạt vừng lốm đốm, lớp bánh đỏ màu gấc đan vào nhau nhưng không lẫn lộn với lớp bánh trắng mịn của gạo nếp.
H.A