Đặc sản được ví như "lộc rừng", xưa không ai biết đến nay được dân thành phố "săn lùng" vì hương vị đặc biệt, 500.000 đồng/kg

Google News

Loài đặc sản này có tên là tôm rừng, bám chi chít trên thân cây, người dân bắt về bán với giá vô cùng đắt đỏ.

Ở Lạng Sơn có một loài tôm rừng vô cùng lạ. Cũng là tôm nhưng tôm rừng khác hẳn với tôm sông, tôm biển ở miền xuôi, sống và sinh trưởng dưới nước. Tôm rừng được nói đến ở đây chính là một loại côn trùng sống trên thân cây hoặc hang đá và là đặc sản độc nhất vô nhị ở Lạng Sơn.

Tôm rừng sống trên cây, trong hang đá ở trong rừng sâu

Về đặc điểm nhận dạng, tôm rừng có hình dáng tương tự như loài tôm thông thường nhưng nhỏ hơn, với đôi chân trông giống chân cào cào. Chúng có màu xám toàn thân và thường sinh sống ở những khu vực ẩm ướt, nhiều cây cối rậm rạp, hoặc ẩn mình trong các thân cây mục và hốc đá.

Anh Thanh (ở  xã Mỹ Sơn, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) chia sẻ: "Tôm rừng có quanh năm nhưng khoảng tháng 6, tháng 7 là thời điểm chúng có nhiều nhất. Lúc này thịt tôm rừng cũng ngon và thơm nhất. 

Loài này thường đi kiếm ăn vào ban đêm, ban ngày chui vào tổ nên người ta thường kiếm các tổ tôm rừng để bắt. Tổ nào to có thể bắt được 3kg tôm rừng, tổ nào bé chỉ có khoảng 1kg. Để bắt được tôm rừng phải có kinh nghiệm và kỹ năng, bởi chỉ cần thấy người hoặc có tiếng động, chúng sẽ bật nhảy tán loạn ra khỏi tổ, rất khó để bắt được".

Tôm rừng vào mùa khoảng tháng 6, tháng 7 hàng năm

Anh Thanh nói thêm, trước đây tôm rừng có nhiều, người dân thường đi bắt về chế biến món ăn và để đãi khách quý ở xa về. Loài này dù có vẻ bề ngoài không ưa nhìn nhưng khi chế biến món ăn lại vô cùng thơm ngon, hấp dẫn. 

"Việc bắt tôm rừng đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn. Chúng tôi phải dùng những chiếc vợt đặc biệt, trông như vợt bắt muỗi, và thao tác thật nhẹ nhàng để không phát ra tiếng động khiến tôm hoảng sợ. Loài này lanh lợi vô cùng, chỉ cần một cử động nhỏ cũng đủ khiến chúng biến mất vào hốc cây, rồi nằm im lìm.

Lúc đó, người thợ phải nhẹ tay luồn một cành cây nhỏ vào sâu trong hốc, vừa đẩy vừa khều, cố gắng "mời" tôm ra ngoài. Phải phối hợp nhịp nhàng, một người khều, một người kiên nhẫn chờ sẵn bên ngoài, mắt không rời hốc đá. Chỉ cần thấy tôm thò đầu ra là phải chộp ngay, không để lỡ cơ hội. Ai chưa quen nghề, chưa "bắt sóng" được tôm rừng thì dù đi cả ngày trời cũng có khi trắng tay mà về", anh Thanh nói thêm.

Tôm rừng có thể làm thành nhiều món ngon

Hiện nay, tôm rừng không còn là đặc sản ở Lạng Sơn, chúng được nhiều người biết tới hơn và trở thành món ăn trong các nhà hàng, quán ăn. Tuy nhiên, tôm rừng trong tự nhiên ngày càng hiếm, phải đi vào rừng sâu, trèo đèo lội suối, rất vất vả mới bắt được, vì thế chúng được bán với giá rất cao.

Cũng là người có kinh nghiệm đi săn tôm rừng, anh Hải (sống ở Lạng Sơn) cho hay: "Trước đây, mỗi lần đi săn, chúng tôi cũng kiếm được cả chục cân tôm rừng, mang về bán cho các quán ăn, nhà hàng chuyên phục vụ đặc sản vùng cao. 

Tôm rừng sau khi bắt về thường được nhặt bỏ đầu, cắt bớt chân rồi rút ruột, rửa sạch. Món làm từ tôm rừng ngon nhất là rang với lá gừng, lá mắc mật và lá chanh, nêm nếm gia vị vừa ăn".

Trên thị trường, tôm rừng được bán với giá khoảng 300.000 đồng/kg, thời điểm khan hiếm, giá có thể lên tới 500.000 đồng/kg.

H.A