Cô gái 22 tuổi ở Hà Nội không dám yêu ai, sống thu mình vì có vòng một “khập khiễng” từ tuổi dậy thì

Google News

Ngay từ tuổi dậy thì, cô gái trẻ đã cảm nhận vòng một phát triển không cân đối, đến khi sự phát triển “khập khiễng” diễn ra một thời gian dài mới đi khám và phát hiện điều bất thường.

P.T.T.M (22 tuổi, ở Hà Nội) từ khi bắt đầu tuổi dậy thì đã phát hiện có những biểu hiện bất thường ở vòng một. Theo đó, hai bên vú dù có phát triển nhưng không đều về kích thước, gia đình nghĩ do đang ở giai đoạn phát triển nhạy cảm nên cũng không quan tâm nhiều.

Thời gian trôi đi, sau gần 10 năm, vòng ngực của M vẫn tiếp tục phát triển không cân đối như tuổi mới lớn. Gần đây, M cảm nhận vú trái phát triển nhanh, to hơn hẳn bầu ngực bên đối diện gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. M cho biết, cô rất tự ti, ngại tiếp xúc với người khác, không muốn ra ngoài và chẳng dám yêu ai vì vấn đề mình gặp phải. Vì những bất tiện ấy, gần đây M quyết định đi khám vì nhiều người “dọa” bị ung thư.

ThS.BS Nguyễn Thị Hiền - Trưởng Chuyên khoa Sản (Bệnh viện Medlatec) cho biết, sau khi thăm khám lâm sàng, bệnh nhân được bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu nhằm tìm ra chính xác nguyên nhân của hiện tượng bất thường.

Qua thăm khám các bác sĩ phát hiện bất thường ở vú trái bệnh nhân. Ảnh minh họa. 

Kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số hormone Prolactin - một loại hormone liên quan tới tuyến vú tăng cao. Chụp X-quang vú phát hiện phì đại, tăng đậm độ lan toả tuyến vú trái. Quá trình siêu âm vú, bác sĩ nhận thấy hình ảnh tăng âm, tăng kích thước tuyến vú trái. Chụp MRI tuyến vú thấy khối u lớn nhu mô vú trái, không xân lấn thành ngực, kích thước 124 x 87 x 64 mm. Đồng thời, thực hiện làm sinh thiết vú trái cho bệnh nhân.

Kết quả, M được chẩn đoán bị bất thường kích thước hai bên vú do u tăng sản mô đệm giả mạch vú trái gây ra. Bên cạnh đó, tình trạng tăng Prolactin máu cũng cần được điều trị kịp thời. Sau đó, M đã được phẫu thuật bóc u vú trái và tạo hình vú, đặt túi ngực hai bên.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hiền cho biết, tăng sản mô đệm giả mạch (PASH) là tình trạng tăng sinh lành tính vùng mô đệm của vú. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận một số yếu tố nguy cơ liên quan đến sự thay đổi của tuyến vú như phụ nữ tiền mãn kinh/ mãn kinh, sử dụng hormone, nam giới vú to.

Thông thường, tình trạng tăng sản mô đệm giả mạch thường phát triển âm thầm, không gây đau. Người bệnh chỉ phát hiện khi thấy một, hoặc cả hai bên vú to bất thường hay thông qua sàng lọc định kỳ”, bác sĩ Hiền chia sẻ.

Bác sĩ Hiền khuyến cáo, khi vòng một có bất thường cần đi khám sớm để phát hiện nguyên nhân, có hướng điều trị phù hợp. Ảnh minh họa. 

Dù là bệnh lành tính, nhưng bác sĩ Hiền cảnh báo không nên chủ quan vì chúng gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh tự ti, mặc cảm, bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Trường hợp, nếu mắc bệnh trên không gây triệu chứng, hoặc không phát triển, có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thăm khám để theo dõi định kỳ 6 tháng/ lần.

Đối với khối u có kích thước lớn hơn 2cm, hoặc phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú/ nghi ngờ mắc ung thư vú thường được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ u. Sau phẫu thuật, theo các thống kê tỷ lệ tái phát ghi nhận 15 - 22% nên bệnh nhân vẫn cần theo dõi định kỳ 6 tháng/ lần”, bác sĩ Hiền khuyên.

Theo bác sĩ Hiền, tăng sản mô đệm giả mạch không làm tăng nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, khối u phát triển nhanh có thể gây nhầm lẫn với ung thư vú, dẫn đến lo lắng không cần thiết nếu không được chẩn đoán đúng. Do vậy, bác sĩ khuyên, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện bất thường ở vú như một/ hai bên to bất thường, sờ thấy khối di động... người dân nên tới cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời.

LÊ PHƯƠNG.