1. Đừng nghĩ rằng nếu bạn tử tế với người khác, họ sẽ nghĩ bạn tử tế

Trong cuộc đời này, có quá nhiều người luôn tự mình đa tình cho rằng, nếu tôi cứ mãi đối tốt với một người thì người đó sẽ hiểu tấm lòng của tôi rồi từ đó vô cùng cảm kích. Thực tế là, không phải lúc nào mọi chuyện cũng như ý nguyện, trừ khi đối phương là một người có tâm trí bình thường, hoặc là người có trình độ tương đương với bạn về mọi mặt.
Nếu đối phương là một người nghèo nàn về cả tinh thần lẫn vật chất, họ sẽ không coi sự giúp đỡ của bạn là lòng tốt mà ngược lại cảm thấy bạn đang cố tình khoe khoang, cố ý phô trương sự giỏi giang của mình. Dù bạn cho họ bất cứ thứ gì, trong mắt họ đều cảm thấy đó là một sự sỉ nhục bởi đó là những thứ họ muốn nhưng lại không thể tự mình tạo ra.
Vậy nên, tuyệt đối đừng nghĩ cứ bạn tốt với ai, người đó sẽ thấy bạn tốt mà phải phân biệt rõ đối tượng là ai.
2. Đừng cố gắng thay đổi người khác, mỗi người có một cách sống riêng
Trong giao tiếp, cách khôn ngoan nhất là đừng dễ dàng can dự vào nhân quả và bài học của người khác. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình đang làm điều tốt cho họ, cũng đừng dễ dàng cố gắng thay đổi một ai vì mỗi người đều có một cách sống riêng. Trừ khi chính họ thực sự muốn thay đổi, nếu không mọi nỗ lực của bạn cuối cùng cũng chỉ là vô ích.
Mỗi người là một cá thể độc nhất. Chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt và ranh giới của nhau. Bất kể là ai, khi bạn xuất phát từ góc độ của mình, bạn thường chỉ thấy những gì mình cho là đúng mà hoàn toàn bỏ qua góc nhìn khác biệt của người khác.
Nếu chúng ta muốn thay đổi người khác mà không cân nhắc gì thì tiềm thức của chúng ta sẽ nghĩ rằng bạn là của tôi, thay vì thực sự đối xử với người kia như một cá nhân độc lập. Dù là mối quan hệ cha mẹ với con cái, vợ chồng hay bạn bè, chỉ cần mỗi người có chủ kiến riêng thì sẽ không dễ dàng thay đổi đối phương và những gì chúng ta muốn thay đổi chẳng qua chỉ là phần mà chúng ta cho là đúng.
Tôn trọng, tìm điểm chung và giữ sự khác biệt, đó mới là thái độ giao tiếp đúng đắn.
3. Người càng trưởng thành trong tâm trí càng không muốn mọi thứ

Người trưởng thành đều hiểu một đạo lý rằng: Khi bạn đưa ra một lựa chọn, dù có đạt được lợi ích lớn đến đâu, thì đồng thời bạn chắc chắn sẽ mất đi những lợi ích khác.
Có được ắt có mất. Thế giới này cho bạn một thứ gì đó, cũng sẽ lấy đi của bạn một thứ gì đó. Chính vì lẽ đó, khi tâm trí bạn ngày càng trưởng thành, bạn sẽ càng không muốn mọi thứ mà chọn câu trả lời phù hợp nhất với mình.
Bất kể lúc nào, khi bạn chọn sự náo nhiệt nơi phố thị, bạn chắc chắn sẽ mất đi sự tĩnh lặng bên khung cửa sổ; khi bạn chọn sự thỏa mãn của việc ăn uống vô độ, bạn cũng chắc chắn sẽ mất đi sức khỏe của cơ thể.
Đường đời vốn dĩ là như vậy, lựa chọn của bạn luôn chỉ có một mặt, chứ không phải toàn diện, càng không có sự hoàn hảo tuyệt đối. Vậy nên, khi lựa chọn, hãy cân nhắc lợi hại, chọn điều phù hợp chính là điều đúng đắn nhất.
4. Sống tốt hiện tại, hạnh phúc sẽ đến gần
Khi còn là những đứa trẻ, dù đi ủng lội trong vũng nước, chúng ta vẫn cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Nhưng càng có tuổi, chúng ta sẽ nhận ra những niềm vui đơn thuần ấy dần biến mất. Có phải chúng ta đã mất đi khả năng cảm nhận hạnh phúc?
Không phải. Bởi trẻ con có thể toàn tâm toàn ý sống trong khoảnh khắc hiện tại, không phải ngày nào cũng lo lắng về quá khứ, suy nghĩ về tương lai.
Người trưởng thành khó có được niềm vui cũng chính vì khó có thể tận hưởng trọn vẹn mỗi ngày của cuộc sống mà mãi luyến tiếc quá khứ, lo lắng về tương lai, từ đó đánh mất sự tập trung vào những điều ở hiện tại.
Vậy nên, chỉ khi sống tốt hiện tại, hạnh phúc mới từ từ đến gần và cũng khiến ngày mai của bạn trở nên tươi đẹp hơn. Cuộc đời con người, chỉ có hiện tại. Quá khứ không nên luyến tiếc, tương lai không cần lo lắng. Khi bạn thực sự sống tốt hiện tại, bạn mới có thể gặt hái được nhiều điều.
5. Cách người khác đối xử với bạn phản ánh nội tâm của họ

Trong thực tế luôn tồn tại một hiện tượng như thế này: Người khác đối xử với tôi như thế nào, thường là do tôi là một người như thế. Nói cách khác, họ nghĩ người khác đối xử tệ với mình là vì mình chưa đủ tốt. Nếu thực sự nghĩ như vậy thì đó là một sai lầm lớn.
Sự thật là, cách người khác đối xử với bạn phản ánh nội tâm của họ, không liên quan gì đến bạn. Xét về mặt tâm lý học, một người thường không kìm nén được việc phóng chiếu nỗi đau bên trong lên người khác và cũng muốn người khác đau khổ giống như mình. Vì vậy, khi chúng ta giao tiếp với một số người, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của họ, thậm chí trở thành thùng rác để họ trút giận. Nếu chịu ảnh hưởng như vậy trong thời gian dài, chúng ta chỉ khiến bản thân trở nên tồi tệ hơn.
Vậy nên, khi chúng ta hiểu rằng cách người khác đối đãi với mình không liên quan đến mình mà chỉ là bộ mặt bên trong của họ thì đừng dễ dàng bị lây nhiễm những cảm xúc tiêu cực của người khác mà hãy bảo vệ trái tim mình. Đồng thời, nếu có người đối xử tệ với bạn mà còn lớn tiếng nói rằng đó là vì bạn chưa đủ tốt thì bạn cần nhanh chóng tránh xa người đó. Người này không chỉ đối xử tệ với bạn mà tâm địa còn rất xấu.
Chúc bạn có thể bước đi tốt trên con đường của riêng mình, có đủ trí tuệ để nhìn thấu sự thật của bản chất con người, nhìn thấy những bông hoa nở rộ và thu hoạch được sự ấm áp!
BẢO ANH.