Mới đây, dư luận quốc tế bức xúc trước thông tin ngày 30/9, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đăng một bài viết có tính chất “vu vạ” rằng: Hải quân Việt Nam đã trang bị thêm 2 con tàu hộ vệ mới, hạng nhẹ có ý “nhằm vào Trung Quốc” và làm “ảnh hưởng an ninh khu vực”.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia hải quân, PGS. TS. Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế Biển TP HCM, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam đã dành cho Phóng viên Báo Năng lượng Mới – Petrotimes một cuộc chia sẻ để cung cấp tới độc giả những thông tin, ý kiến khách quan đa chiều về vấn đề của vụ 2 tàu tên lửa này.
|
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế Biển TP HCM, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam. |
Ông có bình luận gì về việc tờ Hoàn Cầu thời báo có đăng một bài viết mang tính chất vu vạ rằng, Việt Nam đã trang bị thêm 2 con tàu hộ vệ hạng nhẹ và có ý “nhằm vào Trung Quốc, gây ảnh hưởng an ninh khu vực” ở Biển Đông?
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Trước hết chúng ta cần hiểu rằng, dù Hoàn Cầu thời báo là cơ quan truyền thông của Trung Quốc nhưng đôi khi thông tin đưa ra không được chính xác.
Trường hợp này, ta có thể thấy luận điệu của tờ Hoàn Cầu thời báo đưa ra là nhằm mục đích “vu vạ” và khiêu khích với Việt Nam.
Thứ nhất, họ nói rằng ta trang bị thêm 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ như vậy là “đe dọa, ảnh hưởng tới an ninh khu vực”. Vậy thử hỏi, số lượng 2 chiếc của Việt Nam liệu có so sánh được với số lượng đông đảo các tàu của Trung Quốc mà họ hạ thủy trong thời gian qua?
Thứ hai, họ nói các nước khác đang ra sức mua sắm vũ khí, đầu tư các trang thiết bị quân sự hiện đại để nhằm nâng cao sức mạng hải quân nhằm đối phó Trung Quốc, tạo ra bối cảnh chạy đua vũ trang trên Biển Đông.
Điều này là hoàn toàn vô lý, bởi chính Trung Quốc mới là quốc gia đã tự tạo ra cuộc “chạy đua vũ trang” này khiến các nước khác trong khu vực (trong đó có Việt Nam) phải tự trang bị cho mình những trang thiết bị phục vụ nhu cầu phòng thủ đất nước.
Hàng năm, Trung Quốc còn cho vào biên chế hoạt động hàng chục con tàu khu trục lớn nhỏ với tính năng chiến đấu cao, hiện đại và phù hợp với cả khi có chiến tranh trên biển xảy ra. Tại sao họ lại còn lớn tiếng nói rằng, Việt Nam trang bị thêm 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ là “đe dọa an ninh khu vực” được?.
Được biết, ngày 24/9 vừa qua, Việt Nam biên chế và tiếp nhận thêm 2 tàu hộ vệ lớp Molniya mang số hiệu 379 và 380 cho lực lượng thuộc Lữ đoàn 167 Vùng II Hải quân thời gian qua là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường trang bị cho quân đội trong bối cảnh mới.
Đây là sản phẩm do Việt Nam tự sản xuất theo công nghệ quốc phòng của Nga. Theo đó, từ nay cho tới 2016 thì sẽ cho ra đời thêm khoảng 3 – 4 chiếc nữa nâng tổng số tàu hộ vệ lên 6 – 8 chiếc để tăng thêm khả năng bảo vệ đất nước.
|
Ngày 24/9 tại Lữ đoàn 167 – Vùng II Hải Quân đã diễn ra lễ thượng cờ hai con tàu hộ vệ tên lửa tấn công nhanh mang các số hiệu 379 và 380 (Ảnh: TTO). |
Ngày 29/9, trả lời phỏng vấn Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng khái bác bỏ tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi nói rằng, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc từ xa xưa. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo này cùng những bằng chứng pháp lý và lịch sử liên quan. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Lời tuyên bố của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đại diện tiếng nói của hơn 90 triệu đồng bào người Việt Nam ta. Chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm.
Ở góc độ là người đứng đầu Nhà nước thì vấn đề tôn trọng chủ quyền quốc gia vẫn được đặt lên hàng đầu.
Còn về tuyên bố của ông Tập Cận Bình nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ của Trung Quốc thì đó là một sự ngộ nhận mà không có cơ sở pháp lý vững chắc và rõ ràng nào. Trong khi Việt Nam có đầy đủ cả các căn cứ khoa học, lịch sử quản lý và khai thác từ bao đời nay rồi.
Lời tuyên bố của Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định rằng, Việt Nam sẵn sàng cùng với các bên giải quyết các tranh chấp trên biển thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, quyết không sử dụng vũ lực vào giải quyết tranh chấp.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ, vấn đề Biển Đông cũng đã được thảo luận. Vậy Chuẩn Đô đốc có dự đoán như thế nào về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là sau chuyến công du lần này của ông Tập?
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Trong quan hệ quốc tế cũng tiềm ẩn rất nhiều yếu tố khó đoán định.
Mỹ và Trung Quốc đều là hai nước lớn. Họ cũng đang định hình cho mình những đường lối chiến lược của riêng mình và hình thái “quan hệ nước lớn kiểu mới”.
Thực tế mấy năm gần đây đã cho thấy, Trung Quốc ngày càng có những bước đi ngang ngược nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974, một phần quần đảo Trường Sa năm 1988 để rồi giờ đây, chính họ đã từng bước củng cố các bãi đá ngầm bồi đắp thành các hòn đảo nhân tạo phi pháp, hình thành nên những đường băng quân sự đủ sức chứa cho các phi cơ chiến đấu của nước này trên Biển Đông.
Dù bị dư luận khu vực và quốc tế lên tiếng phản đối nhưng dường như Trung Quốc vẫn cố tình “lờ đi” và càng có những hành động leo thang hơn. Không chỉ mở rộng các tiền đồn quân sự núp dưới vỏ bọc “dân sự” ngoài đảo nhân tạo, mà còn đẩy mạnh đầu tư mua sắm trang thiết bị quân sự, hiện đại hóa và tiến hành tập trận hải quân dồn dập thời gian qua.
Nói như GS Carl Thayer, thì Trung Quốc sớm muộn cũng sẽ “dùng cơ bắp” quân sự để đè bẹp các nước có cùng yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.
|
Theo các chuyên gia nhận định, việc trang bị thêm hai con tàu hộ vệ hạng nhẹ với các tính năng hiện đại phù hợp với yêu cầu phòng thủ của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (Ảnh: TTO). |
Nhất là sau chuyến thăm Mỹ lần này, giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nhiều các “chiêu trò” nhằm tiếp tục thực hiện yêu sách chủ quyền vô lý của họ. Thậm chí, việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không tại biển Đông (ADIZ) cũng là ẩn số mà Bắc Kinh có thể sẽ dùng đến ngay trong năm nay (?).
Vậy theo ông, trong bối cảnh như vậy thì Việt Nam chúng ta cần phải làm những gì để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình?
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Tiếp tục sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tận dụng các diễn đàn đa phương của khu vực và thế giới như ASEAN, ASEM, Liên Hợp Quốc… nhằm tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Đặc biệt, trong một thế giới đa cực và đan xen nhiều lợi ích như hiện nay, Việt Nam phải hết sức tỉnh táo, xem xét từng bước đi để không bị cuốn vào bất cứ một vòng ảnh hưởng của nước nào.
Đồng thời, phải làm sao cho đất nước mạnh lên bằng sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật. Từ đó, có thể trang bị thêm cho quân đội thêm hàng chục con tàu tên lửa, rồi máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu ngầm…
Có như vậy, vị thế của đất nước mới được gia tăng và sức mạnh phòng thủ quốc gia mới được củng cố đáng kể.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Năng lượng mới