Đây là năm thứ 13 sự kiện Lễ Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông được tổ chức, với mong muốn bày tỏ sự xót thương sâu sắc với các nạn nhân, gia đình nạn nhân và lan tỏa thông điệp an toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà. Chương trình diễn ra tại chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Tại chương trình, các đại biểu đã dành 1 phút tưởng niệm những đồng bào, các nạn nhân không may qua đời do TNGT.
Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do TNGT. TNGT vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15 - 27.
Tại Việt Nam, trong những năm qua TNGT đã được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 19.711 vụ TNGT.
|
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu tại Lễ tưởng niệm. Ảnh ĐCSVN |
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, 10 tháng đầu năm nay, cả nước đã có hơn 9.000 người chết do TNGT.
“Tai nạn giao thông là “kẻ thù” đang từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút cướp đi sinh mạng, gây ra những tổn thương trên cơ thể, để lại những vết thương lòng không bao giờ liền trong tâm khảm của những người cha, người mẹ, người vợ, người chồng, người con; sự tiếc nuối khôn nguôi trong lòng bạn bè, người thân - những người còn ở lại. Điều đáng nói là nguyên nhân chủ yếu của tai nạn giao thông lại xuất phát từ ý thức chủ quan của mỗi người chúng ta khi tham gia giao thông. Sau mỗi tai nạn, luôn đọng lại những câu hỏi ''giá như'' đầy ân hận, tiếc nuối: Giá như đã không sử dụng rượu bia khi lái xe? Giá như không phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu? Giá như đã tuân thủ đúng quy định của biển báo giao thông, đi đúng tốc độ, phần đường? Giá như đã cảnh giác hơn, quan sát kỹ hơn?...
Những câu hỏi ''giá như'' này sẽ ám ảnh người ở lại. Bởi vì nếu những điều “giá như” kia trở thành hiện thực thì tai nạn đã không xảy ra, người ở lại đã không vĩnh viễn mất đi người thân yêu của mình”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nêu rõ, những bi kịch của TNGT sẽ không dừng lại nếu chúng ta không hành động mạnh mẽ hơn. Một hành động nhỏ, một quyết định đúng đắn như không lái xe khi đã uống rượu bia; tuân thủ giới hạn tốc độ; không phóng nhanh, vượt ẩu; không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện; nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông - tưởng chừng như đơn giản, nhưng có thể cứu sống một mạng người, giữ lại hạnh phúc cho một gia đình.
|
Các đại biểu tham dự Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông. Ảnh ĐCSVN |
Tại buổi lễ tưởng niệm, phóng sự ngắn kể về câu chuyện đau lòng của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (ở Hà Nội), khi vụ TNGT ập đến gia đình bà hôm 3/11 vừa qua. Con gái bà Phương vừa tròn 27 tuổi, tham gia giao thông thì bất ngờ bị nhóm "quái xế" tông, dẫn tới tử vong.
"Bố mẹ không còn cơ hội gặp con nữa. Nuôi cháu được hai mươi mấy năm nay. Từ nhỏ cho đến lớn, lúc nào cháu cũng tâm sự với mẹ. Nhưng giờ đây, không được nghe tiếng con gọi mẹ ăn cơm. Gia đình dự định sang năm tổ chức đám cưới cho con nhưng giờ đều dang dở. Tôi không thể chấp nhận sự thật này", bà Phượng nghẹn ngào trong nước mắt.
Một câu chuyện khác về "quái xế" 17 tuổi cùng nhóm bạn chạy xe lạng lách trên đường, gây tai nạn. Đến nay, thanh niên này, ngoài bị thương ở chân, còn phải đối diện mức án tù.
Câu chuyện về gia đình trong lễ tưởng niệm khiến mọi người đều xúc động song cũng là lời nhắc nhở mỗi cá nhân cần thượng tôn pháp luật, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về TTATGT, để ngăn những nỗi đau do TNGT gây ra.
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cho biết, đây là sự kiện rất nhiều ý nghĩa, nhân văn và thiết thực, là dịp để tưởng nhớ những người không may qua đời khi tham gia giao thông, nhắc nhở chúng ta về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống, cũng như kêu gọi sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng đến những nạn nhân và gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.
Mỗi người hãy tự giác, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT; từng gia đình, nhà trường cần giáo dục con em mình ngay từ khi còn bé về ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, vì an toàn cho bản thân và cho cộng đồng, vì tương lai của con cháu mình, vì sự phát triển của quê hương, đất nước, xây dựng môi trường tham gia giao thông an toàn và văn minh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Video hiện trường TNGT Tuyên Quang làm 5 người tử vong: