Ngày 27/8 báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài "Ts Trần Công Trục: Liệu có khả năng Trung Quốc và Mỹ "đi đêm" ở Biển Đông?" đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả, có những ý kiền đồng tình và cũng có những băn khoăn, câu hỏi đặt ra xung quanh chủ đề này.
Tiến sĩ Trần Công Trục đã gửi tiếp cho báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về chuyện "đi đêm" ở Biển Đông để trả lời câu hỏi có hay không chuyện Việt Nam "đi đêm" với Trung Quốc trên Biển Đông, xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
|
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Trước tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp khó lường vì các hành vi leo thang bất chấp thủ đoạn từ phía Trung Quốc xâm phạm, đe dọa trực tiếp chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam cũng như khu vực, quốc tế ở Biển Đông thì việc dư luận quan tâm theo dõi, đặt câu hỏi nhiều chiều nhằm tìm ra sự thật là việc đương nhiên, đáng tôn trọng.
Cá nhân tôi rất vui và tâm đắc khi có độc giả lật ngược vấn đề trong bài báo ngày 27/8 xung quanh ý kiến của tôi về khả năng Mỹ, Trung Quốc "đi đêm" với nhau trên Biển Đông và Việt Nam cần cảnh giác.
Độc giả Nguyễn Hoàng và những người khác có cùng suy nghĩ nêu vấn đề, liệu có chuyện Việt Nam và Trung Quốc "đi đêm" với nhau trên Biển Đông hay không, vì ông/bà cho rằng
Biển Đông trước tiên là vấn đề cốt tử đối với Việt Nam chứ không phải Mỹ.
Điều này chứng tỏ dư luận đang rất quan tâm và có những nhận thức khác nhau về vấn đề Biển Đông, đặc biệt là bản chất các tranh chấp ở vùng biển này, trong khi Biển Đông lại đang trở thành địa bàn cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược của các cường quốc hàng đầu thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Những ý kiến đó theo tôi cần được làm rõ trên tinh thần khách quan, cầu thị, hợp pháp, hợp lý, làm sao để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.
Thế nào là "đi đêm"?
Để trả lời câu hỏi của độc giả Nguyễn Hoàng cũng như những người có cùng băn khoăn, đầu tiên cần thống nhất với nhau về nhận thức thế nào là hành vi "đi đêm" trong quan hệ quốc tế. Cá nhân tôi cho rằng, đi đêm là những hành vi thỏa thuận ngầm, trao đổi ngầm giữa hai bên để cùng kiếm lợi trong vấn đề/lợi ích liên quan đến một hay nhiều bên thứ ba khác.
Nếu không có một bên thứ 3 nào đó bị tổn thất lợi ích vì hành vi "đi đêm" của 2 bên kia thì khó có thể gọi đó là hành vi "đi đêm". Với nguyên tắc lợi ích chi phối các mối quan hệ, "đi đêm" giữa các nước, đặc biệt là các nước lớn là chuyện khó tránh trong quan hệ quốc tế xưa cũng như nay. Chúng ta cũng không nên gắn cho nó một hàm ý đạo đức nào, quan trọng nhất là phải tỉnh táo để thấy được ai đang đi đêm trên lưng mình, đổi chác lợi ích của mình để có cách ứng phó phù hợp.
Ở Biển Đông, ví dụ "đi đêm" điển hình là Tuyên bố Thượng Hải năm 1972 giữa Richard Nixon với Mao Trạch Đông. Sau cú bắt tay xuyên Thái Bình Dương này, cục diện Chiến tranh Việt Nam chuyển biến mạnh và khi công cuộc thống nhất nước nhà của Việt Nam đang vào hồi nước rút thì năm 1974 Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa trước sự ngoảnh mặt làm ngơ của Hạm đội 7 Hoa Kỳ.
Cần lưu ý là Hoàng Sa và Trường Sa lúc này đang do Việt Nam Cộng hòa đại diện cho dân tộc Việt Nam quản lý thực thi chủ quyền theo Hiệp định Geneva 1954 chờ ngày thống nhất đất nước. Và thời điểm đó, Việt Nam Cộng hòa đang là đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ ở châu Á.
Sớm hơn nữa, khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, Hiệp ước Hòa bình San Francisco được ký ngày 8/9/1951 trong đó quy định Nhật Bản từ bỏ tất cả quyền, về danh nghĩa cũng như yêu sách đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không nói rõ lực lượng nào sẽ tiếp nhận, điều đó đã gây ra những ngộ nhận pháp lý sau này và Trung Quốc đang tìm mọi cách khai thác triệt để.
Nhưng ngay từ ngày 7/9/1951, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam tham dự hội nghị theo lời mời của chính phủ Hoa Kỳ đã trịnh trọng tuyên bố: "Để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa". Tuyên bố xác nhận chủ quyền này của Việt Nam không vấp phải bất kỳ phản đối hoặc yêu sách nào khác từ 51 quốc gia tham dự hội nghị.
Tuy nhiên ngày 5/9/1951, Ngoại trưởng Liên Xô Andrei A. Gromyko đã đưa ra đề nghị "nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa về phía Nam" ở Biển Đông, Hội nghị đã bác bỏ đề nghị này với 48 phiếu chống và 3 phiếu thuận. Đề xuất này của Liên Xô thời điểm đó rõ ràng mang màu sắc "đồng minh chính trị" với Bắc Kinh và khó có thể gạt yếu tố "đi đêm" trong đề xuất "xí phần" này.
|
Đặng Tiểu Bình và Jimmy Carter trong cuộc họp báo chung ngày 31/1/1979, 17 ngày sau đó Đặng xua quân ồ ạt tấn công xâm lược toàn tuyến biên giới Việt Nam. Ảnh: BBC. |
Trong trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung, chúng ta hẳn còn nhớ ngày 31/1/1979 Đặng Tiểu Bình thăm Hoa Kỳ và họp báo với Tổng thống Jimmy Carter thì ngày 17/2/1979 Đặng ồ ạt xua đại quân xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam gây ra cuộc chiến tranh đẫm máu. Trước đó Đặng Tiểu Bình công khai tuyên bố "dạy cho Việt Nam một bài học" và người ta không thể không đặt dấu hỏi về một thỏa thuận ngầm, một cái bắt tay "đi đêm" giữa Đặng Tiểu Bình và Jimmy Carter.
Qua một vài ví dụ cho thấy "đi đêm" đã trở thành chuyện bình thường trong chính trị quốc tế, đặc biệt là giữa các cường quốc. Chỉ tính từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II đến nay, quốc tế đã chứng kiến những thay đổi liên tục trong quan hệ Mỹ - Trung - Nga (trước đây là Liên Xô). Cứ khi nào thấy cần là 2 nước có thể thỏa thuận ngầm với nhau để chống lại bên thứ 3.
Đầu tiên là Trung - Xô chống Mỹ, rồi sau 1972 là Trung - Mỹ chống Liên Xô, cho đến bây giờ dư luận quốc tế đang chứng kiến một "liên minh" giữa Moscow và Bắc Kinh chống lại Washington, tất cả đều do quan hệ lợi ích chi phối. Một đặc điểm nữa của "đi đêm" cần lưu ý ở đây là, thông thường do các nước lớn dùng nước nhỏ làm quân cờ để mặc cả lợi ích với nhau, "đi đêm" trên lưng nước nhỏ.
Bản chất các tranh chấp ở Biển Đông và câu chuyện "đi đêm"
Để hiểu rõ hơn ai "đi đêm" với ai ở Biển Đông, cần phải nắm rõ các loại tranh chấp và lợi ích của các bên ở Biển Đông hiện nay là gì mới có thể xác định cái gì được đem ra đổi chác, và đổi chác để được cái gì? Biển Đông là tên gọi chính thức của Việt Nam đối với một biển rìa lục địa, một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore đến eo biển Đài Loan với diện tích khoảng 3,5 triệu km vuông. Biển Đông là vùng biển lớn thứ 4 thế giới.
Trong Biển Đông, Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa được xác lập một cách hòa bình, hợp pháp và thực thi liên tục chí ít là từ đầu thế kỷ 17 đến nay. Ngoài ra Việt Nam có chủ quyền đối với lãnh hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp khác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Ở Biển Đông hiện nay có 3 loại tranh chấp. Thứ nhất là tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Riêng Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ các năm 1956, 1974 đến nay là đối tượng tranh chấp giữa 2 nước và Đài Loan cũng đưa ra yêu sách. Nhìn từ góc độ Việt Nam chúng ta, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hiện là đối tượng 4 nước 5 bên khác nhảy vào tranh chấp, gồm: Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
|
Cuộc gặp Tập Cận Bình - Obama trong tháng 9 này, Biển Đông là một trong những nội dung quan trọng. Ảnh: Uscnpm.org |
Tranh chấp thứ hai là các vùng biển chồng lấn do áp dụng, giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trên Biển Đông. Tranh chấp thứ 3 là việc áp dụng giải thích sai UNCLOS xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác trên Biển Đông cũng là thành viên Công ước. Vụ kiện của Philippines là nhằm vào loại tranh chấp thứ 3.
Vụ Trung Quốc bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp trên 7 bãi đá ở Trường Sa vừa xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vừa vi phạm UNCLOS về hiệu lực pháp lý của các thực thể (cấm tàu thuyền, máy bay các nước khác đi qua vùng biển, vùng trời quốc tế phạm trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo trên các bãi ngầm, rặng san hô vốn chỉ có tối đa 500 mét bán kính vùng an toàn), vừa hủy diệt môi trường biển, vừa đe dọa an ninh an toàn hàng không hàng hải ở Biển Đông.
Như vậy có thể thấy trong vấn đề Biển Đông, giữa Việt Nam và Trung Quốc tồn tại cả 3 loại tranh chấp và trong 3 loại tranh chấp này, Việt Nam và Trung Quốc đều ở hai đầu chiến tuyến. Trong khi Trung Quốc liên tục bành trướng sức mạnh quân sự, ỷ lớn hiếp nhỏ và Việt Nam đang là một trong những nạn nhân của sự bành trướng ấy, chẳng có lý do hay lợi lộc gì để có thể "đi đêm" với Trung Quốc. Điều này càng rõ nét hơn nếu xét trong trục quan hệ Mỹ - Việt - Trung bởi Mỹ là bên thứ 3 không có yêu sách ở Biển Đông.
Tại sao lại đặt ra vấn đề "đi đêm" và làm thế nào để hạn chế tác động ảnh hưởng từ việc "đi đêm" của các nước lớn trên Biển Đông?
Sở dĩ cá nhân tôi nêu ra vấn đề này vì nó đã từng xảy ra và ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Thứ hai, trước chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ và sự cải thiện đáng kể của quan hệ Việt - Mỹ đã khiến không ít người cảm thấy lạc quan thái quá vào việc "dựa vào Hoa Kỳ để ngăn Trung Quốc bành trướng Biển Đông".
Chính người Mỹ đã công khai khẳng định, họ không thể điều Hạm đội 7 can thiệp một khi nổ ra xung đột giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông nên hơn bao giờ hết, chúng ta cần nhận thức rõ điều đó để chủ động trong vấn đề của chính mình.
Ngày nay không có quốc gia nào đem sinh mạng binh sĩ và tài sản, vũ khí của mình ra chiến đấu chống lại một đối thủ khác chỉ vì để bảo vệ một nước thứ 3, mà đặc biệt nước thứ 3 đó chưa hoặc không mang lại cho họ lợi lộc gì lớn hơn con số tổn thất ấy. Đó là cái theo tôi người Việt cần ghi nhớ nằm lòng, dù lúc nào cũng phải tranh thủ tối đa những gì có lợi nhất cho công cuộc đấu tranh bảo vệ, đòi lại chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước một đối thủ không cân sức và thừa thâm hiểm như Trung Quốc.
Tự lực cánh sinh, tăng cường sức mạnh nội lực mới là giải pháp lâu dài, kết hợp và tranh thủ ủng hộ của dư luận quốc tế cũng như các xu thế, trào lưu quốc tế có lợi cho Việt Nam là điều các nhà chiến lược cần làm lúc này. Việc độc giả đặt ra vấn đề này cũng cho thấy nhận thức về vấn đề chủ quyền cũng như thực trạng tranh chấp ở Biển Đông, quan điểm chủ trương của Việt Nam vẫn chưa được tuyên truyền một cách hiệu quả.
Nói Việt Nam "đi đêm" với Trung Quốc hay với Mỹ, Nhật, Nga hoặc bất cứ quốc gia nào khác trong vấn đề Biển Đông là không chính xác trong khi lại chính là những gì truyền thông nhà nước Trung Quốc đang ra rả tuyên truyền, cũng chính là những gì Trung Nam Hải đang muốn dư luận quốc tế phải nghe.
Ngay từ khi ông Lý Khắc Cường thăm Việt Nam năm 2013, Trung Quốc họ đã tung ra luận điệu này để cố tình khiến dư luận hiểu nhầm rằng có sự "đi đêm" nào đó giữa hai nước, mà tôi đã phân tích trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, bài "Ts Trần Công Trục: Không có chuyện Việt Nam "đi đêm" với Trung Quốc", mời quý độc giả quan tâm theo dõi.
Theo Giáo dục Việt Nam